"Chưa nên xây cầu đi bộ qua sông Hàn"

Thứ tư, 09/04/2014 00:05

(Cadn.com.vn) - Ngày 8-4, Ban Thường trực UBMTTQVN TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị lấy ý kiến phản biện chuyên sâu phương án kiến trúc quy hoạch Dự án cầu đi bộ qua sông Hàn với sự tham gia của các chuyên gia, kiến trúc sư, các nhà khoa học, Hội đồng Tư vấn KT-XH, các tổ chức thành viên Mặt trận  và lãnh đạo các sở, ban ngành thuộc TP Đà Nẵng.

Mô hình cầu đi bộ vỏ sò bắc qua sông Hàn.

CÂY CẦU MANG HÌNH VỎ SÒ

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch UBMTTQVN TP Đà Nẵng cho biết, ý kiến phản biện lần này sẽ là cơ sở quan trọng để Mặt trận kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần đảm bảo tính đúng đắn của dự án. Dự án đã được TP thống nhất chọn phương án kiến trúc cầu hình vỏ sò do Cty CP Tập đoàn Mặt Trời làm chủ đầu tư, tổng kinh phí khoảng 30 triệu USD. Địa điểm xây dựng nằm trên địa bàn 2 quận Hải Châu và Sơn Trà, ở vị trí điểm cầu bờ Tây được nối với nút giao thông Đống Đa - Bạch Đằng; điểm đầu cầu bờ Đông nối với Khu thương mại Dự án Olalani.

Chức năng cầu chỉ dành cho người đi bộ và đi xe đạp. Chủ trương của TP sẽ thực hiện đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (dự án BT), với phương án hoàn trả vốn đầu tư cho dự án từ tiền sử dụng đất của một số dự án như: Khu đất nút giao thông đường Đống Đa và đường 3 Tháng 2 (diện tích khoảng 0,2ha); dự án Olalani Riverside Towe mở rộng sang khu đất lân cận (diện tích khoảng 4,8ha); dự án KDC An Hòa 5 (diện tích khoảng 7,9ha).

NHIỀU BĂN KHOĂN

Kiến trúc sư (KTS) Phan Đức Hải (Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị TP Đà Nẵng) lưu ý, cần xây dựng quy hoạch phát triển giao thông khu vực phù hợp và gắn kết với quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH. Chỉ thực hiện xây dựng cầu khi cần thiết có nhu cầu và có đủ luận cứ xác đáng, phù hợp với quy hoạch dài lâu và hướng tới phát triển bền vững. KTS Hải cho rằng, trong điều kiện khó khăn, suy thoái luôn tiềm ẩn nguồn vốn hạn hẹp, cần tham khảo kinh nghiệm của các nước đang phát triển để nghiên cứu và đưa ra những giải pháp phù hợp với điều kiện, đặc điểm, không nên đồng nhất khái niệm “xã hội hóa” với việc “kêu gọi đầu tư ứng vốn”.

KTS Phan Đức Hải đặt câu hỏi “Mức đầu tư lớn mà chỉ phục vụ cho nhu cầu đi bộ trong khi nền kinh tế suy thoái, thu nhập người dân còn thấp, liệu hiệu quả kinh tế có mang lại lợi ích hay chỉ là gánh nặng cho ngân sách phải trả trong tương lai?”.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An đồng ý việc xây dựng cầu đi bộ nhất định sẽ có tác động tốt đối với ngành du lịch Đà Nẵng, sẽ tăng hấp dẫn cho du lịch Đà Nẵng nhưng vẫn băn khoăn “Không thể đoan chắc là có cầu đi bộ khách du lịch sẽ tăng bao nhiêu. Câu hỏi được đặt ra cầu đi bộ có phải là sản phẩm ưu tiên, có thể tạo ra đột phá phát triển du lịch?”.

Dưới góc nhìn của Chủ tịch Hội Lịch sử TP, ông Bùi Văn Tiếng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy cho rằng, cần phải đặt cầu đi bộ hình con sò trong mối tương quan với dự án cải tạo cầu Nguyễn Văn Trỗi thành cầu đi bộ. Tuy nhiên, năng lực tài chính của TP có thể đảm bảo đầu tư cùng lúc cầu đi bộ hình con Sò lẫn cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi hay không là vấn đề cần bàn, nếu đảm bảo đầu tư được cả hai thì rất tốt nhưng nếu chọn thứ tự ưu tiên thì chắc là chúng ta phải thiên về yêu cầu bảo tồn di tích.

Trong khi đó ông Trần Việt Dũng (Hội đồng Tư vấn KT-XH) đề nghị: “Về thực chất đầu tư theo hình thức BT là vay tiền làm dự án trước, TP thanh toán sau và phải chịu lãi vay cao làm tăng thêm gánh nặng cho ngân sách TP. Do đó, TP nên từ chối việc áp dụng hình thức đầu tư BT đối với Dự án cầu đi bộ qua sông Hàn theo đề nghị của báo cáo dự án”.

ĐỀ PHÒNG BÃO LŨ

KTS Trần Dân (Hội KHKT Cầu đường Đà Nẵng) cho rằng, riêng về mặt kỹ thuật tư vấn thiết kế cần hoàn thiện mặt bằng 2 nút đầu cầu, trắc ngang, chính diện cầu và các chi tiết của các phương án trình duyệt để cơ quan xét duyệt xem xét. Cần tính toán sự ứ dềnh của mực nước khi lũ về do ảnh hưởng của mố trụ và đảo cà-phê nhằm tránh ngập cho đường Bạch Đằng và đường Trần Hưng Đạo cùng các đường khác khi có lũ lịch sử (1%). KTS Trần Dần cũng lưu ý, mái che dạng con sò thì lực cản gió rất lớn, vì thế cơ quan thiết kế cần đặc biệt quan tâm.

Cũng liên quan đến vấn đề kỹ thuật, ông Bùi Văn Tiếng cho rằng, nếu làm Dự án cầu đi bộ hình con sò, cần đặt vấn đề cứu hộ trên sông nói chung và cứu hộ đối với đảo giữa sông nói riêng; tăng cường giao thông công cộng/chỗ đậu xe tại khu vực 2 đầu cầu; vấn đề đảm bảo chất lượng công trình từ thi công đến thiết kế, tải trọng tĩnh của người trên cầu và tải trọng động của người qua cầu; tăng cường khả năng chống chịu gió giật trên/dưới cấp 13.

KTS Tô Văn Hùng, Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Kiến trúc Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho rằng, cầu đi bộ gần cửa sông nên vấn đề thoát lũ dễ dàng, do đó khi xây dựng thì dòng chảy mùa lũ hay mùa cạn chắc chắn sẽ không ảnh hưởng đến xói lở 2 bên bờ. Công trình được dùng cho người đi bộ và xe đạp với chiều dài gần 500m là hợp lý; tuy nhiên cần tính đến vị trí xây dựng vì ở đây cường độ và tần suất gió lớn có thể gây nhiều cản trở cho các hoạt động.

Dự án có nhiều ý kiến phản biện xã hội tuy có khác nhau nhưng nhìn chung, mọi người đều cho rằng nên thống nhất chủ trương đầu tư dự án cầu đi bộ, tuy nhiên thời điểm triển khai sẽ chậm lại, giãn ra khi có điều kiện lãnh đạo TP sẽ quyết định cụ thể. Như thế sẽ hợp lòng dân hơn.

Phương Kiếm