Chưa thể chấm dứt việc sản xuất rượu thủ công
Ngày 12-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Theo Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, hầu hết các ý kiến nhất trí quy định các biện pháp quản lý rượu thủ công nhưng cần bảo đảm tính khả thi, đơn giản hóa thủ tục hành chính; ý kiến khác đề nghị điều chỉnh với cá nhân, hộ gia đình nấu rượu để bán cho những người xung quanh; tiến tới mục tiêu rượu thủ công được kiểm soát và hạn chế tối đa tác hại đối với sức khỏe.
Tiếp thu ý kiến, Điều 12 và Điều 14 của dự thảo đã quy định về các phương thức quản lý rượu thủ công khác nhau theo các mục đích. Trong đó, quy định bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm là điều kiện xuyên suốt trong việc cấp phép kinh doanh và quản lý rượu, bia, bao gồm rượu thủ công. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị chấm dứt việc sản xuất rượu thủ công với mục đích kinh doanh. Thường trực Ủy ban thấy rằng quy định chấm dứt việc sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh trong điều kiện hiện nay là chưa hợp lý, khó khả thi, nên đề nghị giữ quy định như dự thảo.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng rượu thủ công hay không thủ công là vấn đề công nghệ, điều quan trọng nhất là bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng quan trọng là quản lý đầu ra của rượu thủ công để bảo đảm chất lượng, không có độc, gây ảnh hưởng sức khỏe của nhân dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đề nghị không đẩy xa khoảng cách, gây ra sự chênh lệch giữa rượu công nghiệp và rượu thủ công, thay vào đó nên kiểm soát đăng ký và chất lượng đầu ra. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, luật ban hành không được ảnh hưởng đến đến sản xuất rượu thủ công truyền thống, tuy nhiên phải bảo đảm quản lý được chất lượng của rượu thủ công.
Q.NHƯ – TTXVN