Phiên họp thứ 49 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII:

Chuẩn bị nhiều nội dung quan trọng cho kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới

Thứ ba, 14/06/2016 07:21

(Cadn.com.vn) - Ngày 13-6, Phiên họp thứ 49 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) khóa XIII đã khai mạc tại Hà Nội. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Phiên họp thứ 49 Ủy ban Thường vụ QH hội diễn ra trong ba ngày, từ 13 đến 15-6.

Ủy ban Thường vụ QH xem xét những nội dung gồm: Xem xét, thông qua Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm; cho ý kiến về Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về trang phục Thẩm phán, Hội thẩm, Giấy chứng minh Thẩm phán và Hội thẩm; chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức trong TAND; việc bổ sung số lượng Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp; Tờ trình của Viện trưởng VKSND Tối cao về chế độ phụ cấp đối với Kiểm sát viên VKSND Tối cao.

Các đại biểu cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2017. Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2014, về Báo cáo tình hình thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015; về việc xử lý, phân bổ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước năm 2015.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp.

Thể hiện rõ địa vị pháp lý của Đoàn Hội thẩm

Phó Chủ tịch QH  Uông Chu Lưu điều hành phần mở đầu phiên họp sáng 13-6. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga thay mặt cơ quan thẩm tra và cơ quan trình dự án trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo quy chế, tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm nhân dân. Theo đó, tại phiên họp thứ 46 ngày 8-3-2016, Ủy ban Thường vụ QH đã thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm. Thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ QH, Ủy ban Tư pháp của QH đã phối hợp với Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (là cơ quan chủ trì soạn thảo) và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Quy chế.

Tại phiên họp, các đại biểu đã cho ý kiến tập trung vào 5 vấn đề của Báo cáo, gồm: Về địa vị pháp lý của Đoàn Hội thẩm và tổ chức của Đoàn Hội thẩm; Về nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn Hội thẩm; Về tổ chức Đoàn Hội thẩm quân nhân; Về số lượng Hội thẩm của một Đoàn Hội thẩm; kinh phí hoạt động của Đoàn Hội thẩm, chế độ, chính sách đối với Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn. Kết luận nội dung này, Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh, về cơ bản Thường vụ QH nhất trí với dự thảo báo cáo.

Báo cáo đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ QH, cơ quan tổ chức liên quan. Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động, tiếp thu các ý kiến, Điều 3 được đưa vào trong Điều 1, sửa thành "Đoàn Hội thẩm là hình thức tổ chức tự quản của các Hội thẩm hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, công khai minh bạch...", thể hiện rõ được địa vị pháp lý của Đoàn Hội thẩm.

Về cơ bản, Thường vụ QH nhất trí Điều 5 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn Hội thẩm nhân dân. Theo Phó Chủ tịch QH, nên cân nhắc một số điểm, câu chữ để toát lên được đây là một tổ chức tự quản, hoạt động theo nguyên tắc dân chủ... Về một số ý kiến đề nghị quy định Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn Hội thẩm, số lượng Hội thẩm, Phó Chủ tịch QH thống nhất với các ý kiến cho rằng, quy định Đoàn Hội thẩm có Trưởng đoàn và Phó Trưởng Đoàn không tùy thuộc vào số lượng thành viên đoàn.

Phó Chủ tịch QH đồng ý với nội dung chính sách trong dự thảo, có kinh phí cho Đoàn hội thẩm hoạt động nhưng cơ chế dự toán, phân bổ, quản lý, thanh quyết toán giao cho 1 chủ thể, đó là tòa án, nơi có Đoàn Hội thẩm. Hằng năm, tòa án các cấp lập dự toán kinh phí lên Tòa án tối cao để báo cáo QH xem xét quyết định. Phó Chủ tịch QH nhận xét, về hoạt động phí của Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn Hội thẩm, các đại biểu đều tán thành Trưởng đoàn Hội thẩm nhân dân được hưởng hoạt động phí hàng tháng bằng 40% mức lương cơ sở. Phó trưởng đoàn Hội thẩm nhân dân được hưởng hoạt động phí hàng tháng bằng 30% mức lương cơ sở.

Ủy ban Thường vụ QH đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm.

Chuẩn bị nội dung kỳ họp Quốc hội

Cũng tại phiên họp sáng 13-6, dưới sự điều hành của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, các thành viên Ủy ban Thường vụ QH đã nghe Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo và cho ý kiến về những công việc mà QH sẽ triển khai tại kỳ họp thứ nhất QH khóa XIV.

Tại phiên họp thứ 47 diễn ra vào tháng 4-2016 , Ủy ban Thường vụ QH đã cho ý kiến bước đầu về dự kiến nội dung, thời gian và cách thức tiến hành kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIV. Dự kiến Kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIV sẽ được khai mạc (có truyền hình và phát thanh trực tiếp) vào thứ tư ngày 20-7-2016 và bế mạc có phát thanh truyền hình trực tiếp vào ngày 30-7-2016. Các đại biểu cơ bản nhất trí tán thành dự kiến chương trình Kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIV; cho rằng nội dung xem xét, quyết định tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước là nội dung trọng tâm của kỳ họp đầu tiên nhiệm kỳ QH khóa XIV nên phần lớn thời gian của kỳ họp dành cho việc xem xét, quyết định công tác nhân sự. Theo dự kiến, tại kỳ họp này, sau khi QH thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát năm 2017, Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét, thông qua Nghị quyết về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề.

Chiều 13-6, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về Tờ trình của Chánh án TAND Tối cao về trang phục Thẩm phán, Hội thẩm, Giấy chứng minh Thẩm phán và Hội thẩm; chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức trong TAND; việc bổ sung số lượng Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp; Tờ trình của Viện trưởng VKSND Tối cao về chế độ phụ cấp đối với Kiểm sát viên VKSND Tối cao.

H.T.H