Bế mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII: Kiện toàn công tác nhân sự Nhà nước

Thứ tư, 13/04/2016 07:29

(Cadn.com.vn) - Kết thúc chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, sáng 12-4, Quốc hội đã họp phiên bế mạc, thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016–2020 và Nghị quyết về tổng kết công tác nhiệm kỳ 2011–2016 của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.

Toàn cảnh phiên bế mạc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: TTXVN

Ngay sau phiên họp bế mạc, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức Họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông; Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn, đồng chủ trì cuộc họp báo.

Các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu Quốc hội
làm lễ chào cờ bế mạc kỳ họp.

Xem xét, thông qua 7 đạo luật

Báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông cho biết, sau 19 ngày làm việc, với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đã kết thúc tốt đẹp. Quốc hội đã hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác xây dựng pháp luật; tổng kết nhiệm kỳ khóa XIII; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội và công tác nhân sự Nhà nước.

Theo Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông, là kỳ họp cuối nhiệm kỳ, Quốc hội đã dành thời gian xem xét, thông qua 7 luật, gồm: Luật Tiếp cận thông tin, Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, Luật Báo chí, Luật Trẻ em, Luật Dược, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế; Nghị quyết phê chuẩn Công hàm Thỏa thuận về cấp thị thực giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Việc Quốc hội ban hành các luật này tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp, góp phần hoàn thành cơ bản Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của toàn khóa XIII, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, quyền công dân, quyền trẻ em, quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận, tăng cường công tác quản lý thuế, thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông cho biết, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội đã thảo luận báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội năm 2015, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015 và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020. Đồng thời, tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và quyết định kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia để đáp ứng yêu cầu về đất đai cho các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Quốc hội yêu cầu định kỳ hàng năm Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với Quốc hội.

Cơ bản tán thành các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ

Theo Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông, tại kỳ họp này, Quốc hội đã dành nhiều thời gian xem xét các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước. Quốc hội đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, phân tích sâu sắc những việc đã làm được, những việc chưa làm được, chỉ ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và kiến nghị những định hướng tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước.

Quốc hội cơ bản tán thành với các báo cáo về những kết quả đạt được và cho rằng, trong nhiệm kỳ 2011-2016, mặc dù tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế-xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự ủng hộ, giúp đỡ và giám sát của nhân dân, kế thừa, phát huy những thành quả, những bài học kinh nghiệm của các khóa trước, các cơ quan trong bộ máy nhà nước đã nỗ lực phấn đấu, tiếp tục đổi mới cả về tổ chức, phương thức hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.

Kiện toàn công tác nhân sự Nhà nước

Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông nhấn mạnh, do yêu cầu công tác nhân sự sau Đại hội lần thứ XII của Đảng, nhằm tạo sự đồng bộ trong công tác nhân sự, đáp ứng kịp thời công tác lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Nhà nước, Quốc hội đã tiến hành xem xét miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn một số nhân sự cấp cao của Nhà nước. Quốc hội đã bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, 2 Phó Chủ tịch Quốc hội, 7 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm 5 Ủy ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước; phê chuẩn việc bổ nhiệm 3 Phó Thủ tướng Chính phủ, 18 Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn về danh sách 2 Phó Chủ tịch và 13 Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia và danh sách 1 Phó Chủ tịch; 3 Ủy viên Hội đồng Quốc phòng-An ninh.

Đặc biệt, tại kỳ họp này, lần đầu tiên Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sau khi được bầu đã thực hiện tuyên thệ theo quy định của Hiến pháp năm 2013, thể hiện mạnh mẽ và khắc ghi trong tâm lời hứa tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Quốc hội cùng toàn Đảng, toàn dân đặt niềm tin, sự ủng hộ đối với các vị lãnh đạo mới được bầu, phê chuẩn sẽ nỗ lực rèn luyện, hành động để xứng đáng với sự tín nhiệm của Đảng, Nhà nước và sự tin tưởng của Nhân dân. Quốc hội ghi nhận, trân trọng và tri ân sự cống hiến, đóng góp đầy tâm huyết, trách nhiệm của những vị lãnh đạo tiền nhiệm đối với công cuộc phát triển đất nước, kỳ vọng các vị nguyên lãnh đạo Nhà nước sẽ tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong các chặng đường phát triển tiếp theo.

Tại họp báo, trả lời câu hỏi của báo chí về việc kiện toàn nhân sự Nhà nước có bị động hay không, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đã dành nhiều thời gian cho công tác kiện toàn nhân sự Nhà nước. Có sự chuẩn bị, thông báo trước đến các thành phần, đối tượng sẽ chuẩn bị miễn nhiệm, bổ nhiệm. Do đó, việc kiện toàn công tác nhân sự không có gì bị động, mà Quốc hội đã thực hiện đúng theo quy trình công tác quản lý, miễn nhiệm, bổ nhiệm đối với cán bộ Nhà nước.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thêm, việc kiện toàn nhân sự Nhà nước tại kỳ họp này không phải là tiền lệ. Bởi, có kỳ họp, nhiệm kỳ thì kiện toàn nhân sự; có kỳ họp, nhiệm kỳ không kiện toàn nhân sự. Ví dụ, tại nhiệm kỳ khóa XI, Quốc hội đã kiện toàn các chức danh lãnh đạo của Nhà nước, Quốc hội. Cho nên, kỳ này cũng vậy, Quốc hội đã xem xét miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn nhân sự cấp cao của Nhà nước. Ngoài ra, còn tùy vào từng thời điểm. Nếu thời điểm Đại hội Đảng và bầu cử Quốc hội xa nhau, chúng ta phải kiện toàn sớm để tạo sự đồng bộ trong công tác nhân sự, đáp ứng kịp thời công tác lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Nhà nước.

Giải đáp thêm vấn đề trên, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông cho rằng: Việc kiện toàn nhân sự cấp cao bộ máy Nhà nước tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đã thực hiện theo đúng chủ trương, quy định của pháp luật. Do đó, Quốc hội đã tiến hành xem xét miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn một số nhân sự cấp cao của Nhà nước rất suôn sẻ, tốt đẹp.

Về chất lượng hoạt động của các đại biểu Quốc hội tự ứng cử trong khóa XIII và chất lượng các đại biểu tự ứng cử của khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Quốc hội khóa XIII không có đánh giá riêng đối với các đại biểu Quốc hội tự ứng cử mà chỉ có đánh giá chung về việc hoàn thành công việc của các đại biểu Quốc hội khóa XIII. Các đại biểu đều nhiệt tình đóng góp cho các hoạt động của Quốc hội, không có sự phân biệt nào về đại biểu tự ứng cử hay đại biểu được giới thiệu. Đối với Quốc hội khóa XIV, hiện nay số lượng đại biểu tự ứng cử khá lớn, song không có sự phân biệt nào, mà tất cả đều phụ thuộc vào sự lựa chọn của cử tri. Việc có nhiều đại biểu ứng cử cho thấy vị trí, vị thế của Quốc hội được nâng cao.

N.C – TTXVN

Phấn đấu GDP bình quân đầu người đạt 3.200-3.500 USD vào năm 2020

Trong ngày làm việc cuối cùng, với 462 đại biểu tán thành (chiếm 93,52% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020.

Các chỉ tiêu chủ yếu được đặt ra cho giai đoạn này là tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm 6,5-7%/năm; GDP bình quân đầu người năm 2020 khoảng 3.200-3.500 USD; tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP năm 2020 khoảng 85%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 32-34% GDP; bội chi ngân sách nhà nước năm 2020 dưới 4% GDP; năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30-35%; năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm; tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38-40%.

Quốc hội cũng đặt ra các chỉ tiêu về xã hội cho giai đoạn 2016-2020 là tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội năm 2020 khoảng 40%; tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 đạt khoảng 65-70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị năm 2020 dưới 4%; đến năm 2020 có 9-10 bác sĩ và trên 26,5 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm 2020 đạt trên 80% dân số; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1%-1,5%/năm. Đến năm 2020, có 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh; 85% chất thải nguy hại được xử lý; 95%-100% chất thải y tế được xử lý; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.