Chuẩn hóa đầu ra sinh viên sư phạm: Bắt đầu từ đâu?

Thứ bảy, 11/04/2015 11:19

(Cadn.com.vn) - "Sự đổi mới giáo dục phải được bắt đầu từ các trường sư phạm", đó là một trong những kết luận được rút ra từ các cuộc hội thảo do Bộ GD-ĐT chủ trì diễn ra từ tháng 10 đến tháng 12-2014. Vấn đề không mới này đã làm "đau đầu" các nhà quản lý GD-ĐT, các nhà sư phạm có tâm huyết với nghề, đồng thời cũng là vấn đề được dư luận xã hội mổ xẻ rất nhiều trong thời gian qua.

Yêu cầu về việc xây dựng và thực hiện nghiêm túc việc đánh giá sinh viên (SV) theo chuẩn đầu ra đối với các trường sư phạm (SP) dựa trên căn cứ chung của Chuẩn nghề nghiệp giáo viên (GV) xét trong bối cảnh hiện nay là vô cùng bức thiết, không thể trì hoãn hơn được nữa. Vấn đề cần bàn ở đây, để xây dựng và thực hiện nghiêm chuẩn đầu ra cho SV ngành SP cần ưu tiên thực hiện việc đổi mới khâu nào trước tiên?

Thực tế cho thấy ngành SP không còn hấp dẫn học sinh. Trong ảnh: SV Đại học sư phạm Đà Nẵng. 

Có thể thấy rằng, trong cơ chế thị trường mang tính cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, để tồn tại và phát triển đi lên, bắt buộc các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), trong đó có ngành SP phải luôn trăn trở tìm cách nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra SV nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực đạt chuẩn cho xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện mục tiêu này, tự thân các trường ĐH, CĐ đào tạo ngành SP đã gặp phải không ít khó khăn cả về chủ quan lẫn khách quan. Một trong những khó khăn đầu tiên mà ngành SP không thể tự mình vượt qua khi nhận thức xã hội hiện không còn xem đây là ngành học quan trọng như trước nữa. Nói khác đi, SP không còn là ngành "hot" nên không thu hút HS có học lực khá - giỏi đăng ký dự thi. Điều đó dẫn đến chất lượng đầu vào của các trường ĐH, CĐ ngành SP trong cả nước không cao như các trường đào tạo y, dược, kinh tế, khoa học kỹ thuật, CNTT...

Trong khi đó, đây lại là một trong những ngành đào tạo đặc thù cực kỳ quan trọng, nơi đào tạo ra các thế hệ GV- những người có trọng trách "trồng người" cho đất nước, cho xã hội. Điều này sẽ dẫn đến một hệ quả tất yếu: chất lượng đầu ra cũng sẽ tỉ lệ thuận với chất lượng đầu vào. Song hành đó, trong quá trình tuyển sinh đầu vào đối với ngành học có tính đặc thù quan trọng này (trừ một số chuyên ngành có thi tuyển trực tiếp), các chuyên ngành còn lại thì công tác tuyển sinh chỉ căn cứ trên điểm số bài thi để xét tuyển, hoàn toàn không biết người mình sẽ đào tạo thành GV tương lai có ngoại hình, tính cách, hạnh kiểm... như thế nào. Trong khi đó, đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng không kém. Bởi lẽ, người thầy, ngoài kiến thức chuyên môn giỏi, có khả năng truyền đạt, hướng dẫn kiến thức đến HS, còn phải là người có ngoại hình, phẩm chất đạo đức chuẩn mực và mô phạm...

PGS-TS Ngô Minh Oanh- Viện Nghiên cứu GD Trường ĐHSP TPHCM trong tham luận gửi đến Hội thảo "Nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng GV và cán bộ quản lý GD các trường SP đáp ứng yêu cầu đổi mới GD phổ thông" tổ chức vào tháng 2 vừa qua, cho rằng chính việc tuyển sinh còn quá nhiều bất cập như hiện nay đã dẫn đến những hệ lụy do sự "tuyển nhầm" mà hậu quả là các trường phổ thông phải "lĩnh đủ". Cũng theo PGS-TS Ngô Minh Oanh thì việc trường phổ thông hiện nay chỉ lo "dạy chữ", ít quan tâm đến "dạy người" một phần cũng do công tác tuyển sinh đầu vào ngành SP chưa thật sự toàn diện...

Ngoài các nguyên nhân kể trên, còn phải kể đến chương trình đào tạo GV ở các trường SP hiện nay phần lớn chưa theo kịp với những đổi thay về chương trình, nội dung, phương pháp và thực tiễn dạy học ở các trường phổ thông. Mặt khác, với thời gian thực tập quá ngắn, không đủ để cho SV ngành SP đúc kết kinh nghiệm, tăng cường, bồi dưỡng kỹ năng thực hành đứng lớp, kỹ năng giảng dạy, kỹ năng giao tiếp với HS cũng như với phụ huynh và đồng nghiệp. Đó là chưa kể đến việc đánh giá, nhận xét nơi SV SP đến thực tập hiện còn có quá nhiều điều phải bàn.

Thực tế cho thấy, phần lớn kết quả đánh giá quá trình thực tập của SV luôn đạt từ điểm khá trở lên, rất ít SV SP thực tập xếp loại trung bình. Trong khi đó, quá trình đánh giá này, đơn vị đào tạo lại không trực tiếp tham gia. Vì "thương", "tội nghiệp" và muốn giúp SV kiếm thêm điểm để bằng tốt nghiệp đạt... khá trở lên để dễ đi xin việc, nên khi đánh giá thực tập cho SV, các đơn vị trường học nơi SV thực tập thường "nương tay". Đây chính là con dao hai lưỡi dẫn đến sự "ngộ nhận" về năng lực thực sự của đội ngũ GV tương lai. Nên chăng, ngay từ khi bước vào môi trường đào tạo SP để trở thành GV sau này, SV ngành này cần được tiếp xúc ngay với môi trường trường học như SV các trường Y. Với việc làm quen ngay từ đầu môi trường này sẽ góp phần hình thành các kỹ năng thực hành SP cho những GV tương lai.

Mặt khác, công bằng nhìn nhận, công tác tuyển dụng lao động đối với nghề giáo hiện vẫn chưa thực sự đổi mới theo hướng chuyên nghiệp và công bằng, còn phụ thuộc nhiều vào cơ chế "xin-cho", chạy chọt... Với thực trạng nhiều SV ngành SP ra trường thất nghiệp dài dài, buộc phải đi làm trái nghề đã khiến không ít HS ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường cảm thấy không thể yên tâm nếu chọn nghề dạy học để theo đuổi, nhất là đối với những HS có năng lực thực sự đối với những môn học như Địa, Sử...

Để mục tiêu "Đào tạo GV trở thành chuyên gia giáo dục hơn là chuyên gia truyền đạt kiến thức" (UNESCO), ngành GD-ĐT cần mạnh dạn đổi mới đồng bộ từ khâu tuyển sinh - chất lượng đầu vào, tiên phong trong đổi mới chương trình đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra cho SV SP theo hướng đạt chuẩn. Theo đó, trước khi trách cứ, đổ lỗi vì sao xã hội, người học thờ ơ với ngành SP, bản thân các trường SP cũng phải tự đổi mới mình, tự tìm lời giải "vì sao mình lại đang mất dần "vị thế" của một ngành học từng được xã hội tôn vinh là nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề"... Xin đừng đổi mới theo kiểu nửa vời, hình thức, không thực chất. Đặc biệt, ngành GD-ĐT không được mất đi "khả năng tự vệ" trước những ảnh hưởng đa chiều do môi trường xã hội thời cơ thị trường mang lại...

P.T