Chung một mái nhà
(Cadn.com.vn) - Giữa đại ngàn Tây Nguyên nắng gió, một bộ phận người Tày từ mạn “Cao, Bắc, Lạng” di dân vào vùng đất xã Nam Dong, H. Cư Jút, tỉnh Đắc Nông. Họ đã bỏ đi những gì thân thiết nhất của quê cha đất tổ để xây dựng cuộc sống mới nhưng nghĩa tình với đất nước mãi vẹn nguyên.
“Tết Độc lập” của người Tày
Sau cách mạng Tháng 8-1945, “Tết Độc lập” được dành cho Tết Bính Tuất (1946) là cái Tết Nguyên đán cổ truyền đầu tiên được tổ chức trong khung cảnh đất nước độc lập sau 80 năm bị thực dân Pháp đô hộ. Trong bài báo có nhan đề “Tết” đăng trên tờ Cứu Quốc, Bác viết rằng đây là “Tết xuân đầu tiên của nước Việt Nam độc lập”. Cũng từ đó, cụm từ “Tết Độc lập” cũng được sử dụng rộng rãi trong cả nước khi đón mừng ngày Quốc khánh 2 -9, kể từ khi khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945). Trở lại với vùng đất ví như “trái na vừa mở mắt”, khi chia tách tỉnh Đắc Lắc thành hai tỉnh Đắc Lắc và Đắc Nông, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến làn sóng di dân từ các tỉnh phía Bắc vào. Xã Nam Dong (H. Cư Jút) đa phần là người Tày và Nùng, với đời sống sản xuất nông nghiệp thuần túy và dựa vào nghề rừng rú là chủ yếu. Chủ tịch UBND xã Nam Dong, Bùi Trọng Tuấn hào hứng: “Trước đây nghèo khó lắm, đường sá khó khăn, giờ thì thay da đổi thịt, 13 tiêu chí nông thôn mới đã hoàn thành. Con em ai cũng được học hành tử tế, người dân không phải chạy vạy lo từng bữa nữa”. Giữa trưa, chúng tôi ghé vào gia đình anh Triệu Đức Văn (43 tuổi, trú thôn 7, Nam Dong) người dân tộc Tày ở H. Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
- Không đi làm rẫy sao?
- Không. Hôm nay đại gia đình mình tổ chức “Tết Độc lập”. Mình làm trước để tới dịp thôn, xã tổ chức mình tham dự chứ.
Gia đình anh Văn vào đây từ năm 1992, nay đã có hai mặt con, cuộc sống khấm khá ổn định nhờ canh tác hồ tiêu và cà-phê. Anh bảo: “Ở đây làm ăn dễ hơn ngoài kia, đất đai phì nhiêu, không dốc đứng, không đá sỏi, cần cù một tí là có ăn thôi”.
Trước mâm cơm được bày biện một cách chỉnh tề, mẹ anh, bà Triệu Thị Đào (83 tuổi) nói bằng tiếng Tày, anh Văn tạm dịch cho tôi nghe: “Hôm nay gia đình làm mâm cơm gọi là, trước để tỏ lòng thành kính với đất nước, Bác Hồ... sau để biết ơn tổ tiên ông bà đã mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho muôn dân, nay gia đình sum vầy, con cháu đề huề”. Bà Văn ngước nhìn lên bàn thờ, nơi đặt trang trọng nhất ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ở dưới là di ảnh của chồng, ông Triệu Văn Khuýnh, người đã lập nhiều thành tích trong hai cuộc trường chinh chống Pháp và Mỹ. Nước mắt rưng rưng, bà như muốn nhắn nhủ với chồng mình rằng nay đất nước đã giàu đẹp, gia đình được êm ấm, là giấc mơ ngàn đời của người dân Việt Nam. Không những vậy, người Tày ở Nam Dong còn dành một tình cảm đặc biệt trong ngày “Tết Độc lập”. Trước ngày 2 -9, mọi nhà vang tiếng giã gạo nếp, lá gai để làm món bánh ăn mừng dịp Quốc khánh. Mỗi gia đình đều làm từ 4 đến 5 kg gạo nếp, dùng trong nhà, mời khách phương xa và làm quà cho những hộ dân xung quanh. Vợ chồng ông bà Nông Thanh Luông (60 tuổi) và Ma Thị Hó (42 tuổi) sống tại thôn 10, xã Nam Dong chia sẻ, vào dịp “Tết Độc lập”, tất cả con cháu trong nhà đều về sum họp vui vẻ bên mâm cơm và món bánh lá gai truyền thống. Từng chiến đấu khắp các chiến trường Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và bị thương khi tham gia quân tình nguyện Việt Nam giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, nên ông Luông biết rõ giá trị của “Tết Độc lập” không phải tự dưng mà có, đó là xương máu của bao thế hệ đã ngã xuống cho đất mẹ.
Gia đình anh Triệu Văn Đức làm mâm cơm mừng “Tết Độc lập”. |
Món bánh gai mừng ngày 2 -9 của ông Luông và bà Hó. |
Trọn tình nước non
Ông Luông kể cho tôi nghe về những trận đánh ác liệt, từng đợt vây ráp của kẻ thù, tưởng chừng không thể vượt qua nổi nhưng một sức mạnh vô hình đã lấn át tất cả. Đấy chính là sức mạnh của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết của người dân Việt trước mọi kẻ thù. Ông Luông bảo: “Xưa thì mưa bom bão đạn, tan nhà nát cửa. Nay bình yên xóm làng, phát triển kinh tế là cái chính để làm cho đất nước giàu mạnh. Tôi luôn dạy con cháu rằng, mỗi người một nhiệm vụ, người cầm súng, kẻ cầm cuốc, làm giàu trên chính mảnh đất này đã là yêu nước rồi đó”.
Đến với mảnh đất mới, các dân tộc anh em ở Nam Dong chung sống với nhau hòa thuận, giúp đỡ lẫn nhau. Không bao giờ có chuyện phân biệt, vì họ biết rằng nguồn cội của họ là con rồng cháu tiên và chung một mái nhà. Một số liệu đáng mừng được chủ tịch UBND xã Nam Dong thông báo: Trong 6 tháng đầu năm 2015, các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng đều thực hiện tốt. Đặc biệt, vụ Đông Xuân năm 2014 – 2015 diện tích gieo trồng lúa và hoa màu trên 80 ha, toàn xã có 8 trường học với 3243 học sinh, 122 lớp với tổng số giáo viên 261, 100% giáo viên đạt chuẩn và 50% giáo viên đạt trên chuẩn...
Rời Nam Dong, chúng tôi không quên những con đường rợp bóng cờ hoa chào mừng Quốc khánh và ngày “Tết Độc lập” ấm cúng của bà con người Tày trên cao nguyên đất đỏ.
Tứ Đức