Chung tay phòng chống dịch bệnh do virus Zika

Thứ hai, 21/03/2016 12:05

(Cadn.com.vn) - Ngày 19-3, Sở Y tế TP Đà Nẵng phối hợp với UBND Q. Liên Chiểu tổ chức lễ phát động chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng chống dịch bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết” cấp thành phố.

Dịch bệnh do virus Zika đang diễn biến phức tạp

Bệnh do virus  Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền. Năm 2015, các vụ dịch lan rộng ở khu vực Nam Mỹ. Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), virus Zika có tốc độ lan truyền rất nhanh. Kể từ khi bùng phát đầu tiên tại Brazil vào tháng 5-2015, đến nay virus này đã lan truyền tới 59 quốc gia và vùng lãnh thổ. Phương thức lây nhiễm virus Zika chủ yếu qua muỗi Aedes (muỗi truyền bệnh SXH). Thời gian ủ bệnh từ 3-12 ngày. Người bệnh có biểu hiện như sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu. Tuy nhiên, từ 60%-80% các trường hợp nhiễm virus Zika không biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Hiện nay, WHO đang tập trung nghiên cứu để xác định về mối liên quan của virus với chứng đầu nhỏ ở trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm virus Zika trong thời kỳ mang thai và hội chứng viêm đa rễ và dây thần kinh Guillain – Barré do sự gia tăng đột biến các trường hợp mắc bệnh này trong các ổ dịch Zika tại Brazil.

Theo Th.s Nguyễn Thanh Đồng – Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), lý do virus Zika lây truyền nhanh là do người dân chưa từng phơi nhiễm với loại virus này nên không có miễn dịch trong cộng đồng. Mặt khác, loại muỗi Aedes truyền virus Zika phổ biến ở hầu hết các nước khu vực Châu Mỹ. WHO khu vực Châu Mỹ cho rằng Zika sẽ tiếp tục lan truyền tới hầu hết các nước và vùng lãnh thổ Châu Mỹ tại những nơi có lưu hành muỗi Aedes... Hiện tại, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh do virus Zika, song nguy cơ bệnh do virus Zika có thể xâm nhập vào nước ta là rất lớn. Bởi, Việt Nam có sự giao lưu, đi lại, thương mại, du lịch rộng rãi với các quốc gia đang có dịch. Ngoài ra, bệnh do virus Zika cũng đã ghi nhận tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, sự lưu hành của muỗi Aedes truyền bệnh SXH đang rất phổ biến tại Việt Nam cũng là loại muỗi truyền bệnh do virus Zika.

Th.s Nguyễn Thanh Đồng cho rằng: Đến nay, bệnh do virus Zika và bệnh SXH chưa có vaccine phòng ngừa và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên hiệu quả phòng bệnh phụ thuộc vào các biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi và phòng tránh muỗi đốt. 

Lãnh đạo Sở Y tế thành phố Đà Nẵng và 7 quận, huyện trên địa bàn ký cam kết thực hiện tốt công tác phòng chống dịch do virus Zika và SXH.

Chung tay phòng chống dịch Zika

Theo Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến, trong nhiều năm qua, TP Đà Nẵng thường xuyên triển khai phòng chống bệnh SXH bằng những hoạt động vận động cộng đồng vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy tại các khu dân cư và mỗi hộ dân. Tuy nhiên, Đà Nẵng là địa phương có nhiều cửa khẩu quốc tế, khí hậu nóng ẩm và đang trong quá trình đô thị hóa nên có nhiều yếu tố thuận lợi cho xâm nhập, phát triển của muỗi vằn truyền bệnh SXH và bệnh do virus Zika.

Bà Ngô Thị Kim Yến khẳng định: Mặc dù chưa ghi nhận ca mắc bệnh do virus Zika nào nhưng nguy cơ bệnh xâm nhập vào Việt Nam nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng là rất lớn, và khả năng gây dịch vì đã có sẵn trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes Aegypti rất phổ biến tại Đà Nẵng. Chính vì vậy, để góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm gánh nặng về kinh tế cho toàn xã hội do các trường hợp mắc bệnh do virus Zika và SXH gây ra, nhân dân Đà Nẵng cùng với nhân dân cả nước cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả các giải pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

“Tôi kêu gọi chính quyền các cấp, các ban ngành đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, các đơn vị, các hộ gia đình và toàn thể người dân sống trên địa bàn thành phố cùng đoàn kết, chung tay thực hiện các hành động có hiệu quả để ngăn chặn sự lây lan và bùng phát dịch bệnh do muỗi vằn gây ra trong năm 2016 và những năm tiếp theo. Chúng ta cần đồng tâm, nhất trí, triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dịch nói chung, bệnh do virus Zika và SXH nói riêng”, bà Yến nhấn mạnh.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh do virus Zika, Th.s Nguyễn Thanh Đồng khuyến cáo: Phụ nữ có thai hoặc dự định có thai trong vòng 6 tháng tới không nên đến các quốc gia đang có dịch bệnh do virus Zika khi không cần thiết. Người nhập cảnh về từ các quốc gia có lưu hành virus Zika chủ động tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện sốt thì đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị ở nhà. Đồng thời, người dân hãy tự diệt muỗi, lăng quăng; tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun thuốc hóa chất diệt muỗi để phòng, chống dịch.

Trí Dũng