Chung tay xây dựng thư viện, văn hóa đọc
(Cadn.com.vn) - Xét về quy mô lẫn điều kiện phục vụ hoạt động, thư viện Trường THCS Kim Đồng (P. Hải Châu 2, Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) còn khá khiêm tốn so với nhiều thư viện trường học khác trên địa bàn. Tuy nhiên, thư viện Trường THCS Kim Đồng được xem là mô hình điểm trong công tác tổ chức thư viện với những cách làm hết sức linh hoạt. Nơi đây đã khơi dậy được niềm đam mê đọc sách, hình thành thói quen đọc sách mọi nơi, mọi lúc đối với học sinh và giáo viên.
Khơi nguồn đam mê đọc sách trong học sinh
Đến thăm Trường THCS Kim Đồng vào những ngày đầu năm học mới, chúng tôi được chứng kiến và hòa nhập trong không khí thi đua học tập hết sức sôi nổi. Nhưng có lẽ điều ấn tượng nhất là hình ảnh học sinh chăm chú ngồi đọc sách trong thư viện hay xung quanh các góc thư viện xanh giữa sân trường lúc nào cũng đầy ắp học sinh. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên khi ngành GD-ĐT Q. Hải Châu chọn Trường THCS Kim Đồng làm nơi tổ chức và phát động tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2015.
Theo cô Nguyễn Thị Minh - Hiệu trưởng Trường THCS Kim Đồng, để có được những thành công ấy, nhà trường đã không ngừng quan tâm đầu tư cho công tác thư viện trong thời gian qua. Tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường luôn xác định thư viện chính là nơi khởi nguồn cho sự đam mê đọc sách, tự học, tự nghiên cứu của học sinh và là nơi thầy cô giáo dành thời gian tìm tòi, nghiên cứu tài liệu giảng dạy, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Chính vì vậy, làm thế nào để thư viện thực sự hoạt động hiệu quả, thu hút, hấp dẫn học sinh là điều mà nhà trường hết sức trăn trở.
Cô Nguyễn Thị Chín - nhân viên phụ trách thư viện Trường THCS Kim Đồng chia sẻ: Muốn thu hút học sinh đến thư viện đọc sách, tìm kiếm tài liệu học tập thì công tác tổ chức thư viện phải thật sự linh hoạt, xóa bỏ các quy định, thủ tục mượn sách, báo rườm rà, tốn thời gian, gây tâm lý e ngại đối với học sinh. Đó là lý do vì sao trong thời gian qua nhà trường tổ chức hoạt động thư viện theo hình thức "thư viện mở".
Theo đó, học sinh có thể đến thư viện vào bất cứ thời gian nào. Các em học sinh tự do lựa chọn và đọc những cuốn sách mình yêu thích mà không mất thời gian chờ đợi hay thực hiện một thủ tục đăng ký mượn sách nào. Cho nên, học sinh đến với thư viện đọc sách với tâm trạng hết sức thoải mái. Đến thư viện, các em không chỉ tham gia đọc sách mà còn chia sẻ, truyền thông, giới thiệu với nhau về những cuốn sách hay, bổ ích. Qua đó, khơi dậy, cổ vũ niềm đam mê đọc sách, báo cho học sinh ngày một sâu rộng và hiệu quả. Chính điều đó đã tạo cho các hội thi "Giới thiệu sách", "Kể chuyện theo sách"... của nhà trường lúc nào cũng thu hút đông đảo học sinh, giáo viên tham gia hết sức hào hứng và sôi động.
Xây dựng văn hóa đọc từ thói quen đọc sách hằng ngày cho học sinh. |
Xây dựng không gian đọc tại trường lẫn gia đình
Cô Minh cho biết: "Muốn hình thành được thói quen đọc sách, báo cho học sinh thì phải xây dựng được môi trường học tập, đọc sách, báo ở cả trường học lẫn gia đình. Cho nên, bên cạnh việc quan tâm đầu tư xây dựng cho công tác thư viện, tạo không gian đọc sách thân thiện, thuận lợi tại trường học, nhà trường còn vận động phụ huynh học sinh góp sách xây dựng tủ sách gia đình và định hướng cho học sinh đọc sách, báo tại nhà".
Chính vì vậy, bên cạnh thực hiện đầu tư cho thư viện từ nguồn ngân sách nhà nước, nhà trường luôn duy trì và phát triển phong trào quyên góp sách giáo khoa, sách truyện trong phụ huynh và học sinh. Một phần để ủng hộ cho học sinh các vùng khó khăn, gặp thiên tai bão lũ và ủng hộ học sinh nghèo trong trường nhằm giúp các em có sách giáo khoa đến lớp. Phần còn lại để tăng cường nguồn sách cho thư viện, tạo phong phú, đa dạng về đầu sách.
Riêng trong năm học 2014-2015, nhà trường được phụ huynh ủng hộ hơn 800 đầu sách, các tổ chức, doanh nghiệp, nhà sách cũng ủng hộ gần 1.000 cuốn sách bổ sung vào nguồn sách thư viện. Chính cách làm hiệu quả này mà thư viện nhà trường cùng hội phụ huynh các lớp và học sinh đã xây dựng được 5 tủ sách thân thiện đặt trong sân trường. Đây cũng chính là một hình thức luân chuyển sách hiệu quả trong học sinh, tạo điều kiện cho các em được đọc nhiều loại sách khác nhau mà tiết kiệm được chi phí mua sách. Việc làm không chỉ có ý nghĩa thiết thực trong việc làm mới môi trường, không gian đọc sách trong thư viện, mà còn tạo sự lôi cuốn, cổ vũ tinh thần đam mê đọc sách, báo đối với học sinh.
Cô Nguyễn Thị Chín cho biết thêm, để thư viện luôn luôn thu hút học sinh, Trường THCS Kim Đồng đang tiến hành đầu tư thêm cơ sở vật chất, tăng cường thiết bị, hệ thống công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm trong quản lý thư viện, nhằm phục vụ việc tra cứu, lựa chọn sách của học sinh và giáo viên ngày càng tốt hơn... Qua đó tăng cường thực hiện công tác giới thiệu sách, các trang sách hay để học sinh, giáo viên có thể đọc sách mọi lúc, mọi nơi; hình thành thói quen đọc sách hằng ngày trong mỗi học sinh và giáo viên. Từ đó, tạo cho thói quen, văn hóa đọc sách lan tỏa sâu rộng trong mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội.
Khải Minh