Chương trình giáo dục phổ thông mới: Có sự chắp nối rời rạc giữa các môn học

Thứ sáu, 16/03/2018 11:59

Vừa qua, Bộ GD-ĐT công bố "Dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục (CTGD) phổ thông mới" để lấy ý kiến rộng rãi. Có thể nói, lần này từ chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đến dự thảo chương trình môn học, hoạt động giáo dục đã được thiết kế và xây dựng khá công phu; thể hiện được tính hệ thống, tính hiện đại; có tham khảo các nước và có sự cầu thị khi tiếp thu nhiều ý kiến cũng như có điều chỉnh, cập nhật so với trước đây. Tuy nhiên, ở Dự thảo này vẫn thấy có sự chắp nối rời rạc giữa các môn học. Điều này, theo dự đoán của cá nhân thì có lẽ, dựa vào các môn học trong CTGD phổ thông tổng thể, người ta phân công các chuyên gia biên soạn với sự tham khảo các nước khác nhau hoặc dựa trên cách tiếp cận khác nhau", PGS.TS Võ Văn Minh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) quan điểm.

PGS.TS Võ Văn Minh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng).

Theo PGS.TS Võ Văn Minh, nội dung Dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong CTGD phổ thông mới lần này chưa tuyên bố được một triết lý giáo dục - như kim chỉ nam cho giáo dục - để người biên soạn chương trình tổng thể, biên soạn chương trình môn học, biên soạn sách giáo khoa (SGK) đến nhà giáo, nhà trường, phụ huynh, học sinh và cả xã hội cùng nhìn về một hướng nhằm tránh đi lạc đường. Cái hay của lần đổi mới này là công bố cho toàn xã hội biết CTGD phổ thông tổng thể, chương trình môn học để tất cả cùng biết, cùng làm. Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn nhiều vấn đề "lạc hướng" ở chỗ này chỗ nọ hoặc lúc này lúc khác… vì không có một triết lý giáo dục dẫn đường.

PGS.TS Võ Văn Minh nhìn nhận: "Về bản dự thảo, nhìn chung mỗi môn học đã giới thiệu cơ bản các vấn đề từ đặc điểm môn học, quan điểm xây dựng, mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục, phương pháp đánh giá và điều kiện áp dụng. Tuy nhiên, với cách trình bày kiểu như dự thảo cũng khó lấy được ý kiến tốt nhất của các bên liên quan. Theo tôi, dự thảo này nên tập trung lấy ý kiến chuyên gia với một bản dự thảo đầy đủ chứ không phải tóm tắt. Tập trung phân tích kỹ từ triết lý, cách tiếp cận, từ các mô hình, về các tác động xã hội, về tính chuyển tiếp giữa CTGD cũ và mới… để đảm bảo tính khả thi cũng như hiệu quả xã hội bền vững. Còn công bố lấy ý kiến xã hội thì nên viết xúc tích hơn, rõ ràng hơn. Trong đó, cần thể hiện so sánh cái cũ và cái mới để làm nổi bật tính ưu việt. Cách này vừa làm truyền thông giáo dục vừa lấy ý kiến về những vấn đề có tính chất tiểu tiết, theo hướng tinh chỉnh chứ không phải bàn đến vấn đề cốt yếu. Vì xét cho cùng, giáo dục là xây dựng "con người tương lai", mà nhìn tương lai không thể bằng cách nhìn của số đông hiện tại".

 Cần rà soát lại tất cả để thống nhất cách tiếp cận một cách hệ thống theo mục tiêu giáo dục ở từng bậc học (ảnh minh họa). Ảnh: K.M

Trao đổi về tính khả thi khi triển khai thực hiện của dự thảo, PGS.TS Võ Văn Minh bày tỏ: "Bản thân tôi cảm thấy chưa yên tâm về tính khả thi, tính hiệu quả giáo dục khi triển khai đại trà chương trình này. Thứ nhất, từ ý tưởng, cách hiểu của người biên soạn đến người chỉ đạo đổi mới ở địa phương, người thực hiện nhiệm vụ tập huấn đổi mới cũng đã khác; về tới từng trường, từng thầy cô cũng sẽ còn khác rất nhiều. CTGD phổ thông tổng thể, chương trình môn học mới đi liền với cách dạy mới, cách học mới, cách kiểm tra, đánh giá mới được thực hiện trên những người quản lý cũ, người thầy cũ và ngay cả người trò cũng cũ (vì học sinh lớp 5 chương trình cũ lên học lớp 6 chương trình mới).

Thứ hai, nhận định dễ hay khó, ít hay nhiều, cao hay thấp của các chương trình môn học theo tôi cũng vô cùng. Tôi không nghĩ là các thầy cô phổ thông có dạy được hay không được chương trình mới này, mà quan trọng các thầy cô đã cảm nhận được cái hay, cái ưu việt chưa? Có đủ quyết tâm đổi mới chưa? Việc triển khai đào tạo lại là cần thiết nhưng không phải cái mấu chốt của vấn đề. Nếu dạy theo kiểu "thực hiện mệnh lệnh" của cấp trên, dạy theo hướng dẫn của sách thì chắc chắn sẽ làm được nhưng không thể có hiệu quả. Người "kỹ sư tâm hồn" không phải là robot dạy học.

Thứ ba, chúng ta cần quay về với cái bản chất "dạy-học" để xây dựng CTGD phổ thông tổng thể, chương trình môn học đến việc thực hiện dạy và học. Nhận thức là một quá trình có thang bậc và khi tích lũy, thấm đạt đến một trình độ "siêu" thì tư duy "vượt thời gian và không gian". Cho nên, không nên vội vàng làm giáo dục, không nên quá lo sợ học sinh của chúng ta không tiếp cận Cách mạng 4.0. Vấn đề cơ bản nhất của giáo dục là xây dựng con người với đức-trí-thể-mỹ. Một công dân của đất nước phải am hiểu, cảm nhận được các giá trị ở xung quanh mình trước, biết cách tồn tại trước, rồi ngày một mở rộng ra để phát triển. Công nghệ vẫn là cái ngọn chứ không phải gốc".

"Với đặc điểm tình hình chung của nước ta hiện nay, theo tôi nhóm biên soạn chương trình môn học nên dành thời gian rà soát lại tất cả để thống nhất cách tiếp cận một cách hệ thống theo mục tiêu giáo dục ở từng bậc học, rà soát tính liên thông ngang (giữa các môn, hoạt động trong từng bậc, lớp) và liên thông dọc (của 1 môn học từ thấp đến cao) để đảm bảo không thừa và không thiếu. Tiếp đến là đầu tư viết lại một cách xúc tích nhất để cho tất cả mọi người đều có thể hiểu, chứ không phải chỉ có chuyên gia, giáo viên của từng ngành riêng lẻ hiểu. Điều đó cũng rất quan trọng, vì chỉ khi mọi người cùng hiểu thì mới có thể thông và tham gia tích cực được. Vấn đề còn lại, nên nghiên cứu cách triển khai thực hiện. Việc đổi mới "căn bản và toàn diện" một cách đại trà, trong một thời gian ngắn sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, tác động cũng rất lớn và rất lâu dài. Nếu vẫn phải thực hiện theo cách làm giáo dục vừa nhanh và rộng, thành công sẽ đến chỉ khi toàn xã hội đều nhìn một hướng và có chung một niềm tin", PGS.TS Võ Văn Minh góp ý.

KHẢI MINH