Chuột “lạ” phá sâm trên núi Ngọc Linh

Thứ năm, 02/11/2017 10:59

Những năm qua người trồng sâm Ngọc Linh đau đầu với một loại chuột “lạ” phá vườn sâm. Theo người dân địa phương cho biết, từ đầu hạ đến cuối thu là mùa sâm Ngọc Linh trổ hoa, đậu quả dưới tán rừng. Hoa sâm vàng nhạt, quả sâm chín đỏ hấp thụ tinh khí, dưỡng chất của đất trời lại là món ăn khoái khẩu của loại chuột tinh khôn này. Do vậy, mỗi năm cứ đến mùa này, lũ chuột lạ có lông màu vàng này đổ xô tìm về các vườn sâm bạc tỷ để phá. Anh Nguyễn Mạnh Tuấn - Trưởng trại sâm giống Tắc Ngo cho biết, sâm bị chuột cắn phá củ, hoa, quả gây thiệt hại rất lớn. Có những vườn sâm chuột “xơi” gần hết. “Một cây sâm trồng nhiều năm mới lớn nhưng chuột cắn phá gây thiệt hại cả mấy triệu đồng/củ. Đặc biệt, hoa và hạt sâm dùng để nhân giống cũng bị chuột ăn”.

Người dân đặt những chiếc bẫy đơn giản quanh vườn sâm để bắt chuột.

Còn ông Hồ Văn Du, một chủ vườn sâm lâu năm ở xã Trà Linh cho hay, trên đỉnh núi Ngọc Linh với độ cao hơn 2.000m có những cây cổ thụ, những thảm thực vật dày đặc là nơi cư trú và sinh trưởng của loài chuột chuyên ăn sâm này. Hàng năm, rất nhiều diện tích sâm của ông bị chuột cắn phá, bà con đặt cả trăm bẫy để bắt chúng. “Mỗi năm, khi đến mùa sâm cho quả thì chúng kéo về càng nhiều. Khác với các loại chuột có lông màu nâu hoặc đen, loại chuột này có lông vàng óng trông như con sóc. Sống ở núi cao, môi trường rất sạch, lại ăn toàn sâm nên thịt của chúng rất bổ, được người dân chế biến làm thức ăn. Đây là món ăn ưa chuộng của người dân tộc Xơ Đăng cũng như đặc sản để đãi khách quý”, ông Du nói. Ông Du cho biết thêm, trung bình mỗi đêm một con chuột ăn đến 50 hạt sâm. Giá mỗi hạt giống sâm Ngọc Linh hơn 50 ngàn đồng. Nếu mỗi đêm một vườn sâm bị 10 con chuột ăn thì tính ra mất hơn chục triệu đồng. Sau khi cây sâm hết quả, loài chuột này đào đất gặm nhấm cả củ sâm dẫn đến tình trạng thối củ và hư cả cây sâm. Để hạn chế sự phá hoại của loài chuột này, người dân địa phương làm những bẫy bắt chuột đơn giản. Vào mùa cây sâm cho quả, có những khu vườn được đặt cả trăm bẫy các loại. Quanh khu vườn sâm, người dân chọn những nơi có hốc đá, gốc cây chuột hay lưu trú để gài bẫy. Tuy nhiên, loại chuột này rất tinh khôn, nhiều con bị mắc bẫy, những con khác nhìn thấy chúng sẽ biết nơi có nguy hiểm lần sau né tránh không đến. Do vậy, ngoài việc đặt bẫy, nhiều thanh niên địa phương chế tạo ná, cung tên, nỏ để săn loại chuột này.

Con chuột chuyên ăn sâm vừa bị người dân bắt được.

Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND H. Nam Trà My thông tin thêm, người dân địa phương gọi đây là loài chuột sâm hay chuột “quý tộc”, bởi chúng chuyên săn lùng ăn những cây sâm Ngọc Linh. Nhiều chủ vườn sâm đề xuất phương pháp diệt chuột bằng các loại thuốc sinh học để bảo vệ vườn sâm hàng trăm tỷ đồng. “Sâm Ngọc Linh có giá trị lớn, nhưng thịt chuột này đối với bà con địa phương là món ăn hàng ngày không thể thiếu. Do vậy phương pháp trên huyện đang tính lại. Trước mắt để hạn chế thiệt hại của sâm do chuột gây ra, lãnh đạo huyện tuyên truyền người dân nên cố gắng tiếp tục đặt bẫy để bắt chuột”- ông Bửu nói.

B.B