Chuyện buồn mang tên “ma lai”, “thuốc thư” (3)

Thứ bảy, 12/12/2015 09:57

* Kỳ cuối: Xóa bỏ hủ tục phải bắt đầu từ nhận thức

(Cadn.com.vn) - “Ma lai”, “thuốc thư” dù là hủ tục bởi sự hạn chế về nhận thức của một số người dân đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và nó vẫn tồn tại âm ỉ kéo theo nhiều hậu quả đau lòng xảy ra, gây thiệt hại về tài sản, tính mạng, bất ổn về ANTT ở các buôn, làng. Hủ tục song hành với nhận thức hạn chế nên một khi trình độ nhận thức của người dân chưa được nâng cao thì chừng ấy “ma lai”, “thuốc thư” vẫn còn tồn tại.

CAH Kong Chro phát động xóa bỏ hủ tục “ma lai”, “thuốc thư” tại làng Tnùng 2, xã Ya Ma.

SỰ THẬT VỀ “MA LAI”, “THUỐC THƯ”

Theo tiếng bản địa, “ma lai”, “thuốc thư” còn gọi là “Rơhung tlai”, “Jrao deng” (tiếng Gia Rai) và “ma lai”, “Pơ gang den” (tiếng Ba Na), nhưng dù với tên gọi như thế nào thì cũng chung một quan niệm. Theo đó, người dân đồng bào DTTS quan niệm rằng bên cạnh các đấng thần linh (Yàng, thần sông, thần lửa, thần lúa...) đem lại những điều tốt đẹp cho dân làng thì vẫn có những con ma rừng, quỷ dữ, những kẻ xấu bụng luôn làm hại buôn làng. Điều đó thể hiện qua hiện tượng được gọi là “ma lai”, “thuốc thư” và từ lâu là nỗi ám ảnh của những nạn nhân, gia đình khi bị cho là có “ma lai”, “thuốc thư”.

Họ cho rằng, “ma lai” là một thứ không có hình thù cố định, chuyên bay vào ban đêm ăn nội tạng của người hay súc vật và người nào có “con ma lai” sẽ làm ra “thuốc thư”. Người có “thuốc thư” thì có thể nguyền rủa, trù ém và được thông qua lời nói độc địa liên quan đến cái chết của người bị coi là nạn nhân. “Khi chúng tôi làm việc với dân làng, kể cả người cho rằng người khác có thuốc thư hoặc nhận mình biết “thư” thì không ai biết nó có hình thù như thế nào. Khi mình bảo nếu có “thuốc thư” cho mình thử xem thì không ai biết nó là gì cả! Qua tìm hiểu, xác minh, chúng tôi xác định đại bộ phận một số người hay uống rượu, rượu vào lời ra rồi cãi cọ, xích mích với dân làng, được người khác khuyên can thì văng lời hù dọa: Coi chừng tao thư chết mày. Đôi khi câu nói trong lúc chếnh choáng hơi men trở thành mồi lửa dẫn đến những hậu quả thiệt hại về tài sản, thiệt hại về tính mạng con người” - Thiếu tá Hoàng Sỹ Thuật - Phó trưởng CAH Krông Pa cho biết.

Như câu chuyện của Kpă Te (1935, trú buôn Ama Hing, xã Đất Bằng, H. Krông Pa) là một điển hình. Dù không biết gì về chữa bệnh, nhưng trong một lần nhậu, Kpă Te khoác lác rằng “Bệnh của Alê HVal (1975, cùng buôn) mình có thể chữa được bằng thuốc cây rừng, nếu không chữa được thì mình chi tiền để HVal đi chữa bệnh bằng thuốc Tây. Nếu HVal có chết thì mình sẽ chết cùng HVal”. Một thời gian sau, HVal đau nặng thật nên gia đình tìm đến Kpă Te để chữa trị thì Kpă Te... bó tay. Thế là gia đình HVal nghi ngờ ông Kpă Te đã “thư” HVal, buộc Kpă phải cúng 1 con bò (7 triệu đồng) và làm mọi cách để HVal hết bệnh mới thôi. Nghiêm trọng hơn, dòng họ của HVal kéo đến nhà Kpă Te đe dọa: “Nếu HVal chết thì Kpă Te phải chết theo!” khiến Kpă Te lo sợ. Khi nắm được thông tin, CAH Krông Pa và chính quyền địa phương nhanh chóng xuống địa bàn nắm tình hình thì phát hiện bệnh của HVal là do thiếu máu vì giun móc, viêm dạ dày và nấm thực quản. Sự việc sau đó được lực lượng CA và chính quyền địa phương hòa giải thành công.

Buổi kiểm điểm các đối tượng sai phạm vì liên quan hủ tục.

MẤU CHỐT LÀ NÂNG CAO NHẬN THỨC

Theo thống kê của CA tỉnh Gia Lai, trong năm 2015, trên địa bàn xảy ra 16 vụ có liên quan đến hủ tục “ma lai”, “thuốc thư” tại 16 làng, 14 xã thuộc 7 huyện, thị xã. Hậu quả làm 1 người chết, 6 người bị thương. Điều đó chứng tỏ, hủ tục này vẫn còn dai dẳng dù đã được các cấp chính quyền tuyên truyền, vận động nhiều năm qua.

Do hạn chế nhận thức nên một số người dân vẫn còn quan niệm cho rằng có sự tồn tại của “ma lai”, “thuốc thư”, trong đó có cả những người là cán bộ thôn, xã. Thế nên, khi có sự việc xảy ra ở làng, xã họ còn biểu hiện né tránh, đùn đẩy không dám đứng ra vận động bà con dẫn đến khó khăn trong công tác xóa bỏ hủ tục này. “Nếu như chúng ta làm tốt công tác vận động quần chúng, nắm tình hình kịp thời và có hướng giải quyết từ cấp cơ sở thì việc ngăn chặn, xóa bỏ hủ tục sẽ dễ dàng hơn. Phải hòa giải các mâu thuẫn, tránh để sự việc âm ỉ dẫn đến diễn biến phức tạp. Đặc biệt, phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân thì sẽ dần bị xóa bỏ được hủ tục” - Thượng tá Ngô Xuân Cường, Phó trưởng CAH Kong Chro nhìn nhận.

Chính vì nhờ làm tốt công tác này, trong năm 2014, người dân ở xã Đắc Sông (H. Krông Pa, Gia Lai) - nơi từng xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến hủ tục “ma lai”, “thuốc thư” đã đứng ra xây dựng quy ước của xã. Theo đó, nếu 6 làng trong xã có đối tượng nào tung tin về “ma lai”, “thuốc thư” sẽ bị dân làng xử phạt với mức 15 triệu đồng. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn không xảy ra sự việc nào liên quan đến hủ tục này và nhận thức của đại bộ phận người dân đồng bào DTTS cũng được nâng cao.

Mới đây, để ngăn chặn, hạn chế đến mức tối thiểu những hệ lụy xuất phát từ hủ tục “ma lai”, “thuốc thư”,  Tỉnh ủy và UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với các đơn vị tổ chức biên soạn, phát hành tài liệu tuyên truyền xóa bỏ cái gọi là “ma lai”, “thuốc thư” biên dịch thành tiếng Việt - Gia Rai - Ba Na để tổ chức tuyên truyền tại các buôn, làng đồng bào DTTS. Thế nhưng, giải quyết vấn đề “ma lai”, “thuốc thư” triệt để vẫn là vấn đề khó khăn nên các cấp ủy, các ban, ngành, đoàn thể cần chung tay vào cuộc.

Minh Tân