Chuyện chưa kể về người ba lần gặp Bác Hồ

Thứ tư, 04/10/2017 11:37

Mới đây, Anh hùng LLVTND Huỳnh Thúc Bá đã vượt quãng đường dài từ Đà Nẵng vào xã Duy Sơn (Duy Xuyên, Quảng Nam) thăm ông Ngô Cần, bạn chiến đấu một thuở. Cả hai đều ở đơn vị V10 (Tiểu đoàn 72) thuộc Tỉnh đội Quảng Nam. Họ có một bí mật riêng mà hôm nay mới  kể...

Anh hùng LLVTND Huỳnh Thúc Bá (phải) xem lại vết mổ ngày trước của CCB Ngô Cần.

Giơ cánh tay trái vẫn còn vết sẹo, ông  Cần nói với vợ con: "Hồi ấy anh Bá mổ, chẳng gây tê, mê gì cả mà tôi vẫn không làm sao. Mới đó đã hơn 50 năm". Câu chuyện của họ quay về những ngày tháng ác liệt của V10 ngày mới thành lập. Trong trận Phú Diên, Quế Sơn ông Cần bị một băng đạn của địch lia vỡ xương hàm. Một đầu đạn khác xuyên vào tay trái. Ông được chuyển về phía sau, phẫu thuật băng bó xương, sau đó tiếp tục ra trận. Mấy năm sau, mảnh đạn ở cánh tay bắt đầu trồi lên và sưng tấy làm ông không thể nào vác súng được. Tuy nhiên ông không dám nói với chỉ huy bởi đây cũng là thời điểm đơn vị giao ông làm mũi trưởng một mũi chiến đấu.

Trước tình thế này, ông Cần nói với y tá Huỳnh Thúc Bá khi ấy còn rất trẻ: "Cậu có cách chi mổ tháo đầu đạn ra cho anh không? Có lấy ra mới đi đánh được. Cứ bí mật mà mổ không ai biết đâu. Đau mấy cũng được, còn hơn ở nhà". Phẫu thuật là việc của bác sĩ, y tá mới vào như Bá chủ yếu là băng bó vết thương, tiêm thuốc. Lỡ có mệnh hệ gì, nhất là động vào dây thần kinh dễ bị liệt như chơi. Nhưng rồi, tin ở khả năng của mình, anh y tá trẻ dẫn đồng đội ra nơi vắng, chuẩn bị sẵn bông băng, kháng sinh, nhẹ nhàng lấy viên đạn ra khỏi cơ thể đồng đội bằng một đường dao rạch chính xác. Trận đó, ông Cần đi chiến đấu và được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Ông nói với bạn mình đầy khâm phục: "Giá như tôi có thể chia cho cậu một nửa".

Lật lại kỷ niệm một thời ác liệt ở V10, Đại tá Huỳnh Thúc Bá không nhớ mình đã khiêng bao nhiêu thương binh, liệt sĩ trên lưng. Có lần đồng đội bảo đã đưa hết anh em ra, nhưng ông chưa thật tin tưởng, bèn quay trở lại và phát hiện vẫn còn thương binh nặng trên chiến trường lẫn trong ngổn ngang xác địch. 5 năm ở V10, ông đã trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu 65 trận, tự tay diệt hàng chục tên địch, thu nhiều vũ khí. Trong nhiều trận, ông như con thoi xông vào dưới hỏa lực, kịp thời động viên và cấp cứu hàng trăm thương binh. Không ít lần giữa bom đạn, ông lấy thân mình che chở anh em với tinh thần "Còn người, còn chiến đấu. Thà chết chứ không để thương binh, tử sĩ sa vào tay giặc''. Ở trận Kỳ Sanh có 7 thương binh không kịp đưa đi, phải đem giấu trong rừng, phi pháo địch bắn liên tục, ông Bá tìm cách nuôi dưỡng đồng đội trong 5 ngày rồi tìm đường dìu cả 7 thương binh về bệnh xá an toàn.

Năm 1967, Huỳnh Thúc Bá được tuyên dương Anh hùng LLVTND. Điều thú vị là không chỉ riêng ông, Đại đội 1, V10 có 3 chiến sĩ nữa được tuyên dương Anh hùng từ 1965-1968, đó là Trần Dưỡng, Đồng Phước Huyến và  Hồ Xuân Quang. Năm 1968, dịp sinh nhật Bác Hồ lần thứ 78, nghe tin đoàn anh hùng, dũng sĩ miền Nam ra Bắc chữa bệnh, Bác cho gọi hai người con Quảng Nam là ông và anh hùng Trần Đình. Bác hỏi thăm ông rất nhiều, nhất là tình hình cấp cứu, điều trị thương binh ở chiến trường, đặc biệt là việc vận chuyển thuốc từ miền Bắc vào. Ông thưa với Bác về việc do hành trình dài, địch phong tỏa, nhiều loại thuốc từ hậu phương lớn từ Bắc vào đã hết hạn. Các ống ký ninh chống sốt rét đã kết tủa buộc phải nấu lên mới sử dụng được. Người anh hùng cũng báo với Bác cách làm sáng tạo của quân y chiến trường đó là tìm mọi cách bí mật mua thuốc trong nhân dân; tích cực tận dụng chiến lợi phẩm; kết hợp cả đông tây y trong đó phát huy vườn thuốc nam tại đơn vị và tìm kiếm lá thuốc trên núi rừng. Bác khen cách làm sáng tạo của quân y Quảng Nam và nói với các đồng chí Trung ương lưu ý những ý kiến của Huỳnh Thúc Bá.

CCB Ngô Cần trìu mến nhìn đồng đội một thuở của mình và hỏi thăm người mẹ kiên cường của bạn. Ngày ấy, chuyện hai anh em Huỳnh Thúc Bá nhiều người trong đơn vị biết và vô cùng khâm phục. Lòng căm thù giặc khiến Huỳnh Thúc Bá 12 tuổi đã tham gia du kích rồi làm lính chủ lực. Nối gót anh trai, Huỳnh Sáu (tức Huỳnh Văn Long) cũng hoạt động tại địa phương, sau này là chính trị viên xã đội Duy Tân, đánh giặc giỏi nổi tiếng. Tin  Huỳnh Thúc Bá được tuyên dương 1 trong 9 ngọn cờ đầu của Quân khu 5 và phong tặng Anh hùng LLVTND đã được ra Bắc học tập. Tấm gương Huỳnh Thúc Bá ba lần được gặp Bác Hồ bay về thôn Vinh Cường làm nức lòng cậu em trai. Những bức thư Sáu viết theo đường dây gửi ra cho anh đầy xúc động, hứa sẽ học tập theo anh, chiến đấu kiên cường giải phóng quê hương. Những bức thư ấy đến nay ông Bá vẫn còn giữ mãi như lưu lại tất cả thân thương nhất của em mình. Nhưng rồi người em trai đã không có mặt đón anh ngày giải phóng như tâm huyết trong thư. Năm 1971, Huỳnh Sáu hy sinh trong một trận đánh khi vừa tuổi 23 và mới nhận chức vụ Huyện đội phó Duy Xuyên. Người mẹ sau khi chôn cất con trai đã nén đau thương vượt Trường Sơn hàng tháng trời ra Bắc chăm cháu nội bị bệnh tật và đỡ đần con dâu để Huỳnh Thúc Bá lúc này đã về lại quê hương, toàn tâm cầm súng chiến đấu.

Những người con của ông Ngô Cần hầu hết đều làm trong lực lượng vũ trang. Chuyến thăm của Anh hùng Huỳnh Thúc Bá như dòng nước mát lành sau cơn mưa. Nghe câu chuyện của cha mình và đồng đội, họ nói rằng thêm khâm phục và học tập thế hệ cha anh của quê hương Duy Xuyên anh hùng.

 HỒNG VÂN