Chuyện cổ tích viết lên từ ngọn lửa yêu nghề

Thứ hai, 25/01/2016 11:09

(Cadn.com.vn) - Lặng thầm, cô đi xin từng bộ quần áo, từng nắm gạo giúp học sinh và người dân thôn bản, rồi kiên trì vận động xin từng đồng tiền dựng lên các lớp học mẫu giáo cho những đứa trẻ Mơ Nông. Việc làm của cô giáo trẻ Trần Thị Bích Thoa – giáo viên Trường Mẫu giáo Trà Leng (xã Trà Leng, H. Nam Trà My, Quảng Nam) như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường được viết lên từ lòng nhân ái và ngọn lửa yêu nghề, mến trẻ.

Con đường vào điểm trường hết sức gian khổ và nguy hiểm của cô giáo cắm bản. 

Tình yêu dẫn lối vào nghề

Câu chuyện về những việc làm tốt đẹp của cô giáo Trần Thị Bích Thoa, một cô giáo trẻ gần như chỉ biết sống và suy nghĩ cho người khác, nhất là những phận đời nghèo khó, chịu nhiều nỗi thiệt thòi trong cuộc sống đã thôi thúc chúng tôi vượt rừng núi tìm gặp cô nơi điểm trường nằm biệt lập giữa đại ngàn Trường Sơn. Cô giáo trẻ mà chúng tôi gặp trong tiết trời se lạnh miền biên viễn có khuôn mặt thật phúc hậu, trên môi luôn nở nụ cười tươi, ánh mắt chan chứa yêu thương. Cô tiếp chúng tôi khi đang bận rộn công việc chuẩn bị bữa ăn trưa cho những đứa trẻ nghèo Mơ Nông. Như hiểu được ánh mắt dò hỏi của chúng tôi, cô cười, nói: “Đây là bữa cháo gà của các cháu được hội từ thiện Ong Vàng (TP Hội An, Quảng Nam) hỗ trợ với trị giá 200 ngàn đồng mỗi tuần. Dẫu một tuần được ăn một lần nhưng đó là niềm động viên, tiếp sức cho các cháu tới trường, tới lớp”. Đó là một trong những món quà có ý nghĩa nữa đối với trẻ em điểm trường mẫu giáo thôn 3 Đèn Pin, tiếp sau thành quả xây dựng được 4 lớp học mẫu giáo từ sự kỳ công vận động từ thiện của cô trong suốt thời gian gần 3 năm đứng chân dạy học tại các điểm trường thôn, nóc thuộc xã miền núi Trà Leng.

Sinh ra và lớn lên tại TT Trà My (H. Bắc Trà My, Quảng Nam) nhưng tuổi thơ của cô Thoa sớm chịu bao nỗi vất vả, nhọc nhằn. Điều đó như càng bồi đắp thêm tâm hồn cô lẽ sống biết thương yêu, biết chia sẻ với mọi người. Tình yêu đối với trẻ con đã dẫn lối cô Trần Thị Bích Thoa đến với ngành sư phạm mầm non. Năm 2012, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Quảng Nam, cô Thoa lên Trường Mẫu giáo xã Trà Leng dạy học.

Những ngày vào các điểm trường, cô gặp phải vô vàn khó khăn. Càng thấu hiểu rõ sự thiệt thòi của trẻ em miền núi, cô càng nỗ lực giảng dạy, chăm sóc các em. Niềm thương cảm, xót xa khi ngày ngày chứng kiến học trò của mình đến lớp với tà áo mong manh, chân trần lấm bẩn, ngồi học trong căn phòng tồi tàn, rách nát... đã thôi thúc cô phải làm một điều gì đó dành riêng cho các em. Sau nhiều đêm suy nghĩ, trăn trở, cô quyết định nối liên lạc với một người bạn rồi kết nối với hội từ thiện Ong Vàng ở Hội An. Ban đầu là những dòng tâm sự nói về những nỗi nhọc nhằn, thiếu thốn mà con em đồng bào dân tộc thiểu số đang còn nếm trải. Những tấm ảnh do chính tay cô ghi lại về khung cảnh sinh hoạt, học tập, ăn ở của học trò được đăng lên facebook gửi đến hội từ thiện Ong Vàng cũng như cộng đồng mạng. Sự kiên trì vận động, thuyết phục của cô cuối cùng cùng đã có hồi đáp, những món quà lần lượt được gửi lên, ban đầu là những tấm áo, chiếc quần, đến gói bánh, cân gạo trong niềm hạnh phúc của cô trò.

Lớp học của cô giáo Trần Thị Bích Thoa tại thôn Đèn Pin.

Xin tiền, dựng trường cho trò

Nỗi niềm luôn canh cánh trong lòng cô Thoa vẫn là nỗi lo về cơ sở vật chất trường lớp. Lớp học của cô trò chỉ là phòng ốc tạm bợ tranh tre, vách nứa. Trong lớp chỉ đặt mấy bộ bàn ghế cũ, một chiếc sạp tre thay cho nền gạch để hai chục học trò sinh hoạt. Mặt mũi học trò lúc nào cũng lấm lem, em có áo thì không quần, em có quần thì không áo, nhiều em trần như nhộng lăn lóc trên tấm sạp. Còn dụng cụ học tập thì không có gì! Suy nghĩ mãi, cô quyết định mở lời xin sự trợ giúp của hội từ thiện Ong Vàng. Mặt khác, cô trực tiếp xuống tận các thôn, nóc, vào từng gia đình người dân để vận động, kêu gọi cùng chung tay góp công xây dựng lớp học cho con em.

Đáp lại tấm lòng cô giáo trẻ, gần nửa tháng sau khi nhận được lời ngỏ ý, hội từ thiện Ong Vàng đã vào tận điểm trường mẫu giáo Trà Leng tại thôn 4 Ông Dũng tiến hành khảo sát, chọn vị trí xây dựng lớp học trong niềm phấn khởi của cô trò và bà con dân bản. Qua những năm học tiếp theo, cô Thoa được lần lượt phân về giảng dạy tại các điểm trường thôn 4 Ông Lò, thôn 2 Tak Lẻ… Ở điểm trường nào, cô cũng bắt gặp hình ảnh khó khăn, thiếu thốn của học trò đều như nhau. Có được niềm tin từ sự kỳ công vận động xây trường học lần trước, cô liền kết nối, kêu gọi sự quan tâm, hỗ trợ từ các hội từ thiện khác liên tiếp xây dựng thêm các lớp học. “Ngày khánh thành các điểm trường mẫu giáo tại các thôn, bản, nhìn học trò tíu tít cười đùa giữa lớp học mới, mình đã không ngăn được dòng nước mắt”, cô Thoa tâm sự.

Nhìn cô vừa dạy học vừa tham gia vận động từ thiện, nhiều người cứ tưởng gia đình cô khá giả lắm. Chỉ những đồng nghiệp trong trường mới hiểu hoàn cảnh gia đình cô. Bố mẹ cô tảo tần lao động nuôi 3 chị em ăn học. Điều may mắn là cả 3 chị em cô Thoa đều được ăn học đến nơi đến chốn.

Gần 3 năm đứng chân ở các điểm trường dạy học, điều kiện đi lại, ăn ở hết sức khó khăn, vất vả nhưng cô chưa một lần hé lời than thở với bất kỳ ai trong gia đình. “Nhiều lần trở về nhà, đón nhận những lời hỏi thăm, động viên từ bố mẹ, mình cảm thấy thật có lỗi khi phải nói dối là điều kiện dạy học ở trên đó rất tốt để an lòng bố mẹ. Những khi ấy mình chỉ biết vào phòng khóc thầm một mình cho vơi đi nỗi lòng và cảm xúc bị dồn nén lâu ngày”, cô Thoa chia sẻ.

Chính vì tình yêu nghề, yêu trẻ mà bao năm nay đứng chân dạy học ở những bản làng heo hút, sống kham khổ, chật vật trong những phòng ốc tạm bợ, nguy hiểm luôn rình rập trên những cung đường mòn hiểm trở vào ra..., cô Thoa vẫn không một lần thổ lộ cùng ba mẹ hay chị em trong nhà. Bởi từ lâu, cô đã xem những đứa trẻ xa lạ, nghèo khó nơi mình đứng lớp như một phần máu thịt của mình. Dẫu bây giờ thu nhập mỗi tháng chỉ được gần 2,5 triệu đồng sau khi trừ đi các khoản chi phí nhưng  cô vẫn rất hạnh phúc. Cô vui, hạnh phúc bởi bản thân mình được làm những điều mà trái tim mình mách bảo.

Khải Minh