Chuyến công tác khó quên

Thứ bảy, 20/06/2015 11:24

(Cadn.com.vn) - Là phóng viên Báo Biên phòng, trong hơn hai mươi  năm qua, tôi đã có cơ hội được đặt chân đến nhiều vùng, miền của đất nước. Địa bàn tác nghiệp của phóng viên báo Biên phòng lại rất chuyên biệt - đó là những vùng biên giới, hải đảo xa xôi, nơi có đông bà con các dân tộc thiểu số sinh sống. Cuộc đời làm báo có rất nhiều niềm vui, nỗi buồn nhưng có lẽ kỷ niệm gây ấn tượng nhất, sâu sắc nhất đọng lại trong tôi là chuyến công tác tại địa bàn biên giới tỉnh Quảng Nam vào mùa hè năm 1993.

Đầu tháng 3-1993, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) tổ chức đoàn công tác gồm phóng viên báo Biên phòng, các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài quân đội lên 2 huyện biên giới Hiên, Giằng (nay là huyện Tây Giang và Nam Giang) để tìm hiểu viết bài tuyên truyền về những đóng góp cũng như tôn vinh những chiến công của quân và dân các xã biên giới tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng trong sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới.

Lễ Hội cồng chiêng và đâm trâu của đồng bào Cơ Tu, trên biên giới tỉnh Quảng Nam.

Đoàn chúng tôi có 4 người, gồm: Thiếu tá Hồ Sỹ Quý, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn (nay là Đại tá, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP TP Đà Nẵng)- Trưởng đoàn; Đại úy-Nhà báo Dương Xuân Bình, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo CA Quảng Nam-Đà Nẵng và tôi, P.V Báo Biên phòng cùng với một cán bộ dẫn đường đồn biên phòng Hiên 2 (nay là đồn biên phòng A Xan). Theo kế hoạch, sáng hôm đó chúng tôi phải vượt qua quãng đường khoảng trên 40km đèo dốc để đến đồn biên phòng Giằng 1 (nay là Đồn biên phòng La Eê). Hồi đó, trên tuyến biên giới tỉnh Quàng Nam-Đà Nẵng chưa có hệ thống đường sá như bây giờ. Hầu hết là phải đi men theo các đường mòn, lối mở của bà con dân tộc đi làm nương, phát rẫy. “Phương tiện” duy nhất là đi... bộ. Chúng tôi vượt qua quãng đường 40km mất gần 10 giờ đồng hồ là đến bản Kôn Zốt 3, xã La Eê lúc 11 giờ. Từ xa, đoàn công tác đã nghe tiếng trống, cồng chiêng vang vọng cả một góc rừng. Trên đường vào bản, đồng chí cán bộ dẫn đường thông báo cho chúng tôi biết là bà con đang tổ chức lễ hội. Và cũng theo kinh nghiệm của anh thì đây có thể là lễ khánh thành nhà mới hay là một đám cưới truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu. Tại những lễ hội thế này, bà con thường tổ chức đâm trâu, tấu cồng chiêng và múa hát các làn điệu truyền thống của người Cơ Tu. Nghe vậy, chúng tôi hết sức vui mừng, hào hứng bởi đây là dịp may hiếm có để có thể bấm máy, ghi lại những hình ảnh sinh động nhất về lễ hội, phong tục của người Cơ Tu trên biên giới Quảng Nam. Mọi mệt nhọc, vất vả như tan biến, cả đoàn sốc lại ba lô nhanh chân vui bước về bản.

Tuy nhiên, sự hào hứng của chúng tôi nhanh chóng vụt tắt khi bước chân qua lớp hàng rào ngăn thú rừng của bản Kôn Zốt 3. “Đón tiếp” chúng tôi là khoảng hơn chục người đàn ông lực lưỡng, tay lăm lăm vũ khí, giáo mác sáng ngời. Một người đàn ông trung niên trong bộ trang phục truyền thống Cơ Tu (sau này được biết là trưởng bản), cất giọng đanh thép: “Các anh là ai? Đến từ đâu? Có giấy tờ gì không?” Nghe vậy, Thiếu tá Hồ Sỹ Quý bước đến trình bày: “Tôi là trưởng đoàn công tác của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Tôi đang trên đường đưa các nhà báo lên đây công tác. Nghe thấy tiếng cồng chiêng từ xa, chúng tôi muốn vào đây để chụp vài tấm ảnh. Đây là giấy tờ của anh em trong đoàn chúng tôi”- vừa nói, Thiếu tá Quý vừa đưa 4 tờ giấy công lệnh của các thành viên trong đoàn cho ông trưởng bản. Cầm số giấy tờ của đoàn công tác trong tay nhưng ông trưởng bản vẫn không đoái hoài đến việc kiểm tra mà vẫn quắc mắt, lớn tiếng: “Sao anh lại dám lừa dối tôi. Anh mà là trưởng đoàn à? Anh kia mới là trưởng đoàn”- vừa nói, ông vừa chỉ tay về phía Đại úy Dương Xuân Bình. Rồi chẳng chờ chúng tôi chứng minh, ông tự giải thích theo đúng cách của người dân... vùng cao: “Anh định lừa tôi à, anh làm sao mà là trưởng đoàn được vì trên quân hàm của anh chỉ có mỗi một “ông sao” còn quân hàm của anh kia có những bốn “ông sao” cơ mà. Số sao ít như vậy thì làm sao làm trưởng đoàn được?”. Nói xong ông trưởng bản từ từ mở 4 tờ giấy công lệnh ra, chăm chú nhìn vào từng tờ. Dường như không tin vào mắt mình, ông còn lấy chiếc đèn pin đang đeo bên người ra soi vào từng tờ giấy cho dù lúc đó đang là giữa trưa nắng. “Các anh nói là cán bộ dưới tỉnh lên đây công tác, sao mới đi đến đồn biên phòng Hiên 2 mà trong giấy tờ lại có đến 2 chiếc dấu màu đỏ?”... Mặc cho chúng tôi giải thích mỏi miệng về quy định của quân đội về số sao trong cấp hàm và số dấu chứng thực trong giấy công tác ông trưởng bản vẫn “ra lệnh” cho số thanh niên trong bản cắt cử người chạy ngay về đồn biên phòng La Eê, cách bản Kôn Zốt 3 chừng gần 20km để báo tin và tổ chức canh chừng “toán biệt kích xâm nhập”.

Tác giả đang tác nghiệp tại xã A Xan, H. Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.

Nhận được tin báo của bản Kôn Zốt 3 về việc có một toán người khả nghi xâm nhập qua biên giới đang bị bắt giữ tại bản, đồn biên phòng La Eê lập tức cử một tổ công tác do đích thân Thiếu tá Nguyễn Danh Dự, Đồn trưởng chỉ huy tức tốc đến ngay “hiện trường”. Vừa đến nơi, Đồn trưởng Dự được ông trưởng bản dẫn đến nơi đang tạm giữ số “đối tượng khả nghi”. Nhìn thấy chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Danh Dự nhận ra ngay Thiếu tá Hồ Sỹ Quý cùng một số nhà báo mà anh đã có dịp tiếp xúc. Thay mặt Ban Chỉ huy đồn biên phòng La Eê, Thiếu tá Dự xin “bảo lãnh” cho chúng tôi và nhiệt liệt biểu dương tinh thần cảnh giác cách mạng của bà con bản Kôn Zốt 3. Trên đường về đồn, Thiếu tá Dự cho biết, sau vụ bọn phản động Hoàng Cơ Minh bị tiêu diệt trên tuyến biên giới Việt-Lào, đơn vị có tuyên truyền cho nhân dân các thôn bản trên biên giới nâng cao ý thức cảnh giác nhằm kịp thời phát hiện các đối tượng lạ mặt có ý đồ xâm nhập qua biên giới. “Việc người dân bản Kôn Zốt 3 bắt giữ “toán biệt kích xâm nhập” gồm các nhà báo hôm nay cũng là một trong những phương án thực tập để chúng tôi xử lý tình huống đột xuất trên biên giới và khẳng định tinh thần cảnh giác rất cao của bà con các dân tộc trên biên giới trước những người lạ mặt”-Thiếu tá Dự cười nói.

Quay lại câu chuyện của ông trưởng bản, từ khi biết chính xác chúng tôi là các nhà báo và cán bộ ở Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh lên công tác, ông và bà con trong bản rất vui. Ông đề nghị bà con tổ chức lại từ đầu lễ hội với những tiết mục múa cồng chiêng đặc sắc để cánh nhà báo chúng tôi chụp ảnh, ghi hình. Ông còn tự tay đào hũ rượu cần được chôn dưới sàn nhà cách đây 5 năm và lấy miếng thịt trâu ngon nhất ra chiêu đãi khách quý. Rồi ông một mực đề nghị đoàn công tác cùng các cán bộ của đồn biên phòng La Eê phải ở lại dự lễ hội với bà con đến sáng hôm sau.

Trần Hoàng Anh