Chuyện của những người “gác rừng”... (Kỳ 1: “lãnh địa” vàng một thuở…)

Thứ ba, 03/05/2022 12:24
Thực ra tôi muốn tìm một tiêu đề chính khác để đặt cho bài viết này, nhưng có thể do bất lực về ngôn ngữ, hay đúng hơn là không thể dùng ngôn ngữ để khái quát hóa công việc, nhiệm vụ của những người “gác rừng”. Bởi với tôi, không ngoa khi nói rằng, những chuyến tuần rừng của những người canh giữ kho báu giữa đại ngàn Trường Sơn là những cuộc tuần hành gian nan bậc nhất. Với họ, việc ngày đêm phải trèo đèo, lội suối, tuần tra trong giá rét và đối mặt với vất vả, hiểm nguy là công việc rất đỗi bình thường, như cơm ăn nước uống mỗi ngày. Sự hy sinh thầm lặng đó trước hết và trên hết là để mang lại màu xanh cho những cánh rừng vốn đã bị tổn thương suốt một thời gian dài…
Có rất nhiều biển cảnh báo như thế này dọc đường đi.
Muốn chinh phục quãng đường từ Dốc Mây vào khe Tà Vạt, chúng tôi phải dừng nghỉ nhiều lần.

Chinh phục Dốc Mây

Sau gần 1 năm kể từ ngày chính quyền tỉnh Quảng Nam và các cơ quan, ban ngành liên quan tổ chức đánh sập 75 hầm vàng trong vùng lõi của Vườn quốc gia Sông Thanh, có thể nói, đây là lần đầu tiên có những người “ngoại đạo”, ngoài lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ rừng được phép trở lại thực địa khu vực này. Nói để thấy, công tác quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt rừng đã được Ban quản lý (BQL) Vườn thực hiện một cách triệt để, không có ngoại lệ. Với chúng tôi, để được vào rừng, ngoài đáp ứng đầy đủ các thủ tục, giấy tờ, “tư cách pháp nhân”…, thì còn có một “thủ tục” khác nữa, đó là phải xin ý kiến và được sự đồng ý của các cơ quan chức năng liên quan…

12 giờ 30 phút một ngày cuối tháng 4, chúng tôi được BQL Vườn quốc gia Sông Thanh tạo điều kiện hỗ trợ 1 chiếc thuyền máy, 2 nhân viên bảo vệ rừng (BVR) dẫn đường. Từ trạm kiểm soát, quản lý, BVR Khe Vinh, chúng tôi trực chỉ phía thượng nguồn Sông Thanh, phải mất 45 phút ngược lòng hồ thủy điện, chúng tôi mới tiếp cận được điểm tập kết. Dốc Mây, tên con dốc mà lâu nay người địa phương thường gọi cũng đủ nói lên sự hiểm trở, muôn trùng, là thử thách đầu tiên khi chúng tôi bắt đầu hành trình tiếp cận vào vùng lõi. Mặc dù được anh em BVR căn dặn là phải tối giản hết sức các vật dụng mang theo, nhưng khi đứng trước con dốc này, thầm nghĩ lê được tấm thân mình không thôi cũng đã khó, nói gì hành lý, hành trang...

Tiết trời quá Ngọ dịp cuối tháng Tư vốn oi bức, nóng nực, nay lại đối mặt với con dốc dựng đứng khiến cho ai nấy đều cảm thấy ái ngại. Thế nhưng, khi nghe những lời động viên, khích lệ từ Hoàng Ngọc Hùng, Tổ trưởng tổ BVR khe Ta Val (Tà Vạt, thuộc BQL Vườn quốc gia Sông Thanh), chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh để bước tới. Quả thực Dốc Mây đúng như tên gọi của nó. Chỉ với những bước chân đầu tiên cũng khiến chúng tôi thở hắt. Dốc dựng đứng, mặt người đi sau phải chạm gót chân người đi trước. Tôi vừa cố hết sức bò lên dốc vừa trộm nghĩ, chỉ cần sơ sẩy một chút thôi là có thể bật xuống núi bất cứ lúc nào. Với Hùng thì khác. Bước chân anh lúc nào cũng thoăn thoắt, nhanh nhẹn như một con sóc rừng. Hùng bảo, trước đây anh công tác tại Hạt Kiểm lâm Hiệp Đức. Tháng 4-2020, anh chuyển về công tác tại Vườn quốc gia Sông Thanh, trở thành chuyên viên phụ trách Tổ quản lý, BVR chốt chặn tại khe Tà Vạt. “Công việc hiện tại khó khăn, vất vả hơn nhiều, được cái do yêu thích, được thỏa niềm đam mê với rừng nên mình cảm thấy vui và hào hứng lắm”, Hùng nói.

Sau những câu chuyện không đầu không đuôi, nhiều lúc còn phải ngắt quãng vì phải dừng lại để… thở, cuối cùng chúng tôi cũng đến được đỉnh dốc. Nếu tính theo đường chim bay thì chỉ khoảng hơn 1km, nhưng đã ngốn của chúng tôi hơn 1 giờ đồng hồ. Mồ hôi nhễ nhại, mặt đỏ phừng phừng, tay chân rệu rã. Có cảm giác như một cuộc chạy đua tiếp sức không cân bằng, khi Hùng thì như không, còn chúng luôn là lực cản, làm chậm chân đồng đội. Từ đỉnh dốc, chúng tôi tiếp tục phải men theo sườn núi, bám theo con suối mất hơn 1 giờ đồng hồ nữa mới đến được trạm nghỉ của anh em Tổ quản lý, BVR khe Tà Vạt. Điều khiến cho tôi nhiều lần phải giật mình, ớn lạnh sống lưng, khi thỉnh thoảng dọc các con khe, con suối bất ngờ xuất hiện một vài nấm mộ, rải rác những am thờ. Thầm nghĩ, phải chăng đây là những nấm mộ, am thờ do các phu vàng lập nên để an ủi, động viên vong linh những người “đồng nghiệp” xấu số sau những cuộc thiên di đi tìm cơ hội đổi đời…

Có rất nhiều biển cảnh báo như thế này dọc đường đi.

Bình yên Tà Vạt!

Khe Tà Vạt nằm ở trung tâm khu vực 75 hầm vàng thuộc vùng lõi vườn quốc gia Sông Thanh. Nơi đây đã từng là địa bàn trọng điểm về khai thác vàng trái phép, tồn tại dai dẳng đến 40 năm trời. Trước khi “thâm nhập” vào đây, chúng tôi có dịp trò chuyện với một số “đầu nậu” đã từng khai thác vàng trái phép tại đây. Có người khẳng định chắc nịch, rằng hàng chục năm về trước, việc khai thác vàng trái phép ở vùng lõi Vườn quốc gia Sông Thanh (trước đây là Khu bảo tồn) không kém phần sôi động, nhộn nhịp so với “miền đất hứa” Phước Sơn.

Các địa danh như Tà Vạt (thuộc khoảnh 2, tiểu khu 378), bãi Thạnh Mỹ 1 (thuộc khoảnh 1 tiểu khu 377), bãi Thạnh Mỹ 2 (thuộc khoảnh 3, tiểu khu 378)... là những địa danh được “vàng tặc” thuộc nằm lòng. Cũng chính vì “cơn lốc” tìm vàng này, mà những năm 80-90 của thế kỷ trước, nơi đây từng chứng kiến biết bao hệ lụy. “Cả vùng lõi của Khu bảo tồn như một đại công trường, lúc nào cũng nườm nượp người ra vào, nhiều đối tượng tội phạm, trốn truy nã cũng vì thế mà tìm đến nơi đây để dung thân, cảnh tượng đâm chém tranh giành lãnh địa, bảo kê, tệ nạn xã hội, mại dâm vì thế cũng kéo đến, gây náo loạn cả một góc rừng”, một đầu nậu từng khai thác vàng tại đây cho biết…

Hệ lụy là thế, và nói như thế không có nghĩa là trước đây, chính quyền và ngành chức năng sở tại thả lỏng cho nạn khai thác vàng trái phép diễn ra. Ngược lại, hàng chục năm qua, các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam và các huyện Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn đã tổ chức hàng trăm đợt truy quét, đẩy đuổi các đối tượng khai thác vàng trái phép ra khỏi các cánh rừng, hàng trăm máy nổ, máy phát điện, máy xay đá, xe múc, cùng hàng nghìn lán trại và các thiết bị khai thác vàng trái phép, đã bị tịch thu tiêu huỷ… Tuy nhiên, như đã nói, đây chỉ là giải pháp tạm thời, khi các đoàn kiểm tra, truy quét rời đi, thì mọi chuyện đâu lại vào đấy, nạn khai thác vàng trái phép vẫn tiếp diễn. “Vàng tặc” vẫn đeo bám trong các cánh rừng sâu hàng chục ki-lô-mét, các phu vàng vẫn lén lút đào bới, tàn phá màu xanh và hệ sinh thái rừng, gây mất an ninh, trật tự tại địa phương.

“Chỉ sau khi tỉnh Quảng Nam triển khai tổ chức đánh sập tất cả các hầm vàng, theo đó, BQL Vườn Quốc gia Sông Thanh cũng thành lập các Tổ BVR, phối hợp với Kiểm lâm địa bàn xã Đắc Pring duy trì chốt chặn, thường trực tuần tra, kiểm tra tại các khu vực khai thác vàng trái phép đã bị đánh sập hầm thì mọi việc mới được giải quyết triệt để”, ông Đinh Văn Hồng, Phó Giám đốc phụ trách BQL Vườn Quốc gia Sông Thanh khẳng định. Ông Hồng cho biết thêm, hiện nay, BQL Vườn quốc gia Sông Thanh đã thành lập 21 chốt, với 240 nhân viên quản lý, BVR tại các điểm xung yếu và ngay trong rừng. Lực lượng quản lý rừng chuyên trách này đã góp phần ngăn chặn và hạn chế tình trạng phá rừng, khai thác lâm, khoáng sản trên địa bàn và vùng giáp ranh Vườn Quốc gia.

Riêng tại khu vực khe Tà Vạt – nơi trước đây có 17 hầm khai thác vàng trái phép đã được đánh sập, một màu xanh tươi mát, mướt mắt từ những luống rau, ao cá do anh em của Tổ BVR nơi đây vun trồng để cải thiện cuộc sống đã dần thay thế cho bạt ngàn đất đá, bùn lầy do “vàng tặc” thải ra. Tiếng chim rừng, tiếng con nai, con hoẵng gọi bầy làm khuấy động cả một góc rừng đã thay thế cho tiếng máy móc, thiết bị và tiếng phu vàng la lối, chửi rủa nay đã chìm vào thinh không…

Phóng sự: Doãn Hùng