Chuyện dài mũ bảo hiểm

Thứ sáu, 25/03/2016 10:22

(Cadn.com.vn) - Sau cái ngày có thể xem là “mốc lịch sử” 15-12-2007, đánh dấu ngày toàn dân đội mũ bảo hiểm (MBH) khi tham gia giao thông bằng xe máy trên tất cả các tuyến đường thì có lẽ, quy định bắt buộc “người người phải đội MBH khi đi xe máy” là chủ trương lớn thứ 2 (sau chủ trương về cấm đốt pháo) được thực hiện khá triệt để, kiểm chứng sự chấp hành của toàn dân đối với kỷ cương phép nước.

Đã hơn 8 năm kể từ thời điểm đó đến nay, có thể nói, ra đường là thấy MBH, ngày cũng như đêm, trời mưa cũng như trời nắng, cái mũ bảo hiểm đã trở thành vật bất ly thân của hầu hết mọi người khi lưu thông trên đường bằng các phương tiện mô-tô, xe máy... Màu sắc, kiểu dáng và... chất lượng MBH cũng rất đa dạng, muôn màu muôn vẻ. Với người có ý thức, sự bắt buộc do Nhà nước quy định được hiểu là để bảo vệ cho tính mạng của mọi công dân và cho chính họ. Những người này thực hiện việc này một cách nghiêm chỉnh, thành nề nếp và gần như đã thành một phản xạ mỗi khi đã ngồi lên xe máy. Cũng có người cho rằng, việc đội mũ chỉ là hình thức, chủ yếu để đối phó với... cảnh sát giao thông. Những người này đội cho có đội, cẩu thả khi úp cái mũ trên đầu, dây cũng không buồn cài hoặc cài qua loa đại khái và họ cũng chẳng để tâm mấy đến chất lượng mũ, thường là tìm mua loại mũ rẻ tiền... Đó là chưa kể sự “đa dạng” của các kiểu đội mũ mà nhiều khi người đội cho là đúng cách, trong khi người khác lại cho là sai...

Về cơ bản, khi đi ra đường hiện nay, tuy không thống kê đo đếm một cách cụ thể, nhưng bằng mắt thường, ai cũng có thể thấy, tỷ lệ người tham gia giao thông có đội MBH phải là hơn 95%. Tuy nhiên, chúng ta phải quan tâm và có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để không còn phải bận tâm nhiều về một quy định hợp tình hợp lý này. Một quy định mang tính pháp quy, được luật hóa như quy định đội MBH bắt buộc của nước ta, nếu trong bối cảnh nghiêm minh của pháp luật, ý thức công dân tốt hay nói nôm na là Văn hóa giao thông được thể hiện rõ nét thì không có gì phải lo lắng. Tuy nhiên, hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng chúng ta vẫn nghe nhắc đến những vụ tai nạn giao thông chết người do người đi xe máy không đội MBH, nghiêm trọng hơn chỉ từ một sự việc nhỏ là không đội mũ, bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe để kiểm tra, xử lý theo quy định thì người vi phạm bỏ chạy dẫn đến tai nạn thậm chí là tử vong.

Tạo cho trẻ thói quen đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông cần sự phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường.

Một thực tế nữa là, có thể khẳng định một cách chủ quan rằng, 100% người lưu thông trên xe máy đều biết mình sai khi không đội MBH, bằng chứng là họ thấy bóng CSGT là bỏ chạy hoặc tránh qua đường khác, cũng có khi là không đội mũ khi đi trên những con đường nhỏ trong khu dân cư, về nông thôn, vào lúc khuya, sáng sớm... Nói một cách nghiêm túc, số người đội MBH chỉ để đối phó với lực lượng CSGT còn chiếm tỷ lệ không nhỏ. Nhiều người đội mũ chỉ để cho có đội, không hề nghĩ đến việc bảo vệ cho “bộ não” của mình, đội mũ chỉ vì sợ... bị phạt. Sự thiếu ý thức còn thể hiện khi người lớn thì đội mũ nhưng chở con em mình thì nhiều người còn để con em mình đầu trần, họ không nghĩ rằng khi có tai nạn thì người bị đe dọa đến tính mạng đầu tiên là con em mình do không đội MBH?

Hiệu quả của việc đội MBH đúng chất lượng (mũ) đúng cách (cài quai) là không có gì phải bàn cãi. Xin nêu ra đây 2 dẫn chứng “sinh động” nhất mà người viết trực tiếp chứng kiến trong dịp Tết Bính Thân vừa qua. Trường hợp thứ nhất là một thanh niên đi xe phân khối lớn với tốc độ cao qua ngã tư Ái Nghĩa (Đại Lộc, Quảng Nam) đã va quệt vào bánh trước của một chiếc xe 5 chỗ chạy cùng chiều, làm bánh xe vỡ toác, người thanh niên này, ngã xuống đường nhưng chỉ bị trầy xước ở tay và chân, còn cái đầu thì “nguyên vẹn” vì anh ta đội mũ chất lượng và đúng cách. Trường hợp thứ hai, cũng một thanh niên khác, đi xe Exciter, cũng do chạy quá nhanh đã không kịp tránh một chiếc xe con chạy phía trước đột ngột giảm tốc độ để tránh 1 con heo chạy qua đường, anh này va chạm vào phía đuôi xe và ngã văng ra đường, xe văng một nơi, người văng một nơi và cái MBH nằm ở một chỗ. Đơn giản là vì anh chàng này đội mũ nhưng không cài dây và hậu quả là bị chấn thương sọ não phải cấp cứu ở bệnh viện...

Từ thực trạng trên và những dẫn chứng nhãn tiền, thiết nghĩ đã đến lúc siết lại trật tự kỷ cương hơn nữa trong việc xử lý các trường hợp vi phạm liên quan đến cái MBH khi tham gia giao thông trên mọi tuyến đường, đặc biết là tuyệt đối không châm chước, bỏ qua cho những trường hợp người lớn chở trẻ em trên xe máy nhưng không đội mũ cho con em mình cũng như tình trạng học sinh đi xe máy, xe đạp điện không đội MBH. Và nên chăng, nâng mức xử phạt lên cao hơn nữa đối với các trường hợp vi phạm liên quan đến MBH.

Đã đến lúc có những giải pháp tổng thể mang tính kiên quyết và bền vững liên quan đến cái MBH, để nó không còn là câu chuyện dài, tồn tại một cách dai dẳng không đáng có như vậy trong một xã hội đang đi lên văn minh, hiện đại như nước ta hiện nay.

Dân Hùng