Chuyến đi đầy toan tính của ông Tập Cận Bình

Thứ sáu, 04/07/2014 11:08

(Cadn.com.vn) - Chuyến công du được cho là nhằm “đáp lễ” Hàn Quốc của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ẩn chứa nhiều ý đồ hơn thế.

Ông Tập Cận Bình đã đến thủ đô Seoul của Hàn Quốc hôm 3-7 với nhiều tham vọng: củng cố mối quan hệ thương mại bùng nổ với Seoul; cảnh cáo Bình Nhưỡng và gửi thông điệp quan trọng đến Washington và Tokyo về tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở bán đảo Triều Tiên.

Đây là lần đầu tiên trong hơn 20 năm qua, Chủ tịch tại nhiệm của Trung Quốc đến thăm Hàn Quốc trước khi đến Triều Tiên - một đồng minh thân cận. Điểm đến Seoul trong chuyến công du đầu tiên của ông Tập Cận Bình trên cương vị Chủ tịch Trung Quốc đến bán đảo Triều Tiên khiến chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-Un vừa bất ngờ vừa tức giận. Giới phân tích cho rằng, Triều Tiên cảm thấy bị xem thường và bị bỏ rơi. Hàng loạt vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng trong thời gian qua và thậm chí cả tuyên bố sẽ tiếp tục phóng thử tên lửa dẫn đường chiến thuật, chứng tỏ sự bất mãn này.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye chào đón ông Tập Cận Bình tại Nhà Xanh hôm 3-7.
Ảnh: AP

LẤY LÒNG SEOUL

Mặc dù mang danh là “chuyến đi đáp lại lần công du Bắc Kinh của Tổng thống Park Geun-Hye vào năm ngoái”, nhưng giới phân tích cho rằng, ông Tập Cận Bình có nhiều tính toán hơn thế, nhất là khi đã không ngần ngại làm tổn thương Bình Nhưỡng.

Theo AP, đầu tiên là mục tiêu kinh tế. Rõ ràng, lựa chọn Tổng thống Park Geun-Hye chứ không phải nhà lãnh đạo Kim Jong-Un cho cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên ở liên Triều làm nổi bật nỗ lực nuôi dưỡng quan hệ kinh tế đang bùng nổ với Seoul. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc trong khi Seoul là đối tác đứng hàng thứ 4 của Bắc Kinh. Khối lượng trao đổi mậu dịch giữa hai bên cao gấp 40 lần so với quan hệ thương mại giữa Bắc Kinh-Bình Nhưỡng. Ngoài ra, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và nền kinh tế lớn thứ 4 Châu Á đang có trong tay cuộc đàm phán về Hiệp định thương mại tự do song phương. Nhiều người Trung Quốc đánh giá chuyến thăm không chỉ là khởi đầu đáng chú ý mà còn là dấu hiệu của tình bạn vừa chớm nở giữa ông Tập và bà Park.

Tuy nhiên, tham vọng của ông Tập không tập trung ở kinh tế mà là chính trị. Trước tiên, Bắc Kinh, vốn đang khiến cộng đồng Châu Á và cả thế giới lo ngại vì những tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi ở biển Đông cũng như biển Hoa Đông, coi chuyến thăm này là cơ hội thúc đẩy ảnh hưởng với người hàng xóm hiếm khi có cảm tình với mình.

CẢNH CÁO BÌNH NHƯỠNG

Và quan trọng hơn nữa, Bắc Kinh muốn cảnh cáo Bình Nhưỡng trong bối cảnh nước này liên tục có những động thái khiêu khích gần đây. 

Mặc dù phụ thuộc nhiều vào Bắc Kinh, nhưng chính quyền ông Kim Jong-Un dường như không còn nghe theo Trung Quốc và gây nhiều phiền toái, khó xử cho chính quyền ông Tập. Qua chuyến thăm này, Bắc Kinh muốn nhấn mạnh tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của mình ở phía nam Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) mà không cần nhiều đến Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, ông Tập sẽ không hoàn toàn từ bỏ Triều Tiên. Bởi lẽ, Bắc Kinh cũng lo ngại, việc tạo quá nhiều áp lực có thể khiến Bình Nhưỡng sụp đổ, đẩy làn sóng người tị nạn qua biên giới. Vị thế Triều Tiên vẫn còn hiện diện trong lòng Trung Quốc khi Bắc Kinh vẫn tránh đề cập đến cuộc điều tra quốc tế nhắm vào vụ việc Triều Tiên bắn ngư lôi làm chìm tàu chiến Hàn Quốc giết chết 46 binh sĩ hồi năm 2010.

NGĂN CHẶN MỸ XOAY TRỤC CHÂU Á

Trung-Hàn có cùng tâm trạng chán ghét chính sách quân sự quyết đoán hơn của Nhật và những gì mà cả hai tố cáo là “nỗ lực để Tokyo che khuất lịch sử tàn bạo”. Ngoài ra, Bắc Kinh và Seoul đều có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Tokyo.

Nhưng trên thực tế, Hàn Quốc nằm trong thế trận “kiềng 3 chân” với Nhật –Mỹ ở khu vực Đông Á. Cả hai đóng vai trò chủ chốt trong chính sách xoay trục Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ - chiến lược khiến Bắc Kinh tức giận. Bắc Kinh vì thế muốn đào sâu hố bất đồng giữa hai đồng minh này của Washington để gây bất lợi cho Nhà Trắng. “Đây là cách tạo mối quan hệ gần gũi Hàn-Trung ở Đông Á, khi Bắc Kinh thực hiện tuyên bố bá chủ”, John Delury, một chuyên gia về Trung Quốc và Hàn Quốc tại Đại học Yonsei ở Seoul cho biết. Việc Bắc Kinh muốn kéo Seoul cùng chung chiến tuyến để đối đầu với Tokyo cũng chính là phép thử quan trọng cho liên minh Mỹ-Nhật-Hàn.

Nhưng cục diện hiện nay cho thấy, dù xích gần hơn với Bắc Kinh, Seoul vẫn đủ tỉnh táo để vẫn trung thành trong liên minh với Washington nhằm bảo vệ đất nước khỏi bất kỳ cuộc tấn công nào của Bình Nhưỡng và cho phép Nhà Xanh xây dựng nền kinh tế ấn tượng.

Khả Anh