Chuyển dịch dòng vốn đầu tư vào Đà Nẵng

Thứ bảy, 10/09/2016 08:55

(Cadn.com.vn) - Trong lúc dòng vốn FDI chảy vào Đà Nẵng khá ảm đạm thì ngược lại vốn đầu tư trong nước lại khá sôi động. Đáng nói hơn, dòng vốn trong nước chủ yếu chảy vào lĩnh vực dịch vụ, công nghệ thông tin, công nghệ cao, logistics... mà TP đang  có chủ trương kêu gọi đầu tư.

Sôi động vốn nội

Một trong những dự án lớn, nổi bật có nguồn vốn đầu tư trong nước đang được triển khai tích cực tại khu vực gần nút giao thông Nguyễn Hữu Thọ - Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q. Hải Châu, chính là Bệnh viện đa khoa quốc tế VINMEC. Dự án này có quy mô 10 tầng với 182 giường bệnh được xây dựng trên diện tính hơn 15 ngàn m2, tổng vốn đầu tư 1,2 ngàn tỷ đồng. Đáng lưu ý hơn, dự án quy mô lớn này thuộc lĩnh vực dịch vụ y tế, một trong các lĩnh vực mà Đà Nẵng kêu gọi, xúc tiến đầu tư mạnh mẽ. Bên cạnh đó, các lĩnh vực giải trí, du lịch cũng được nhiều nhà đầu tư trong nước quan tâm, tìm đến với Đà Nẵng. Chẳng hạn như dự án khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân tại P. Hòa Hiệp Bắc- Q.Liên Chiểu của Cty Cổ phần Vinpearl, có tổng vốn đầu tư tới 3 ngàn tỷ đồng. Hoặc ngay tại trung tâm TP, dự án khách sạn Bạch Đằng của Cty cổ phần xây dựng 79 với quy mô 19 tầng nổi, tổng vốn đầu tư gần 150 tỷ đồng cũng đang được triển khai xây dựng. Dự án nhà hàng và bến du thuyền tại khu vực phía nam cảng sông Hàn của Cty I.V.C tổng vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng cũng đang được tích cực triển khai. Có thể nói dòng vốn đầu tư trong nước đổ về Đà Nẵng đều tập trung vào lĩnh vực dịch vụ mà TP có định hướng chiến lược phát triển, thân thiện môi trường.

Theo ông Trần Văn Sơn - Giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng, các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng thoái vốn, trừ một số dự án sản xuất trong các khu công nghiệp. Còn lại, như trong lĩnh vực dịch vụ, trước đây nhà đầu tư ngoại mua đất dự án ven biển thì nay cũng chuyển cho nhà đầu tư nội. Số liệu của Sở KH&ĐT Đà Nẵng cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2016, Đà Nẵng đã thu hút 7 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư hơn 6,2 ngàn tỷ đồng. Và nếu tính lũy kế, đến nay Đà Nẵng có 254 dự án đầu tư trong nước tổng vốn hơn 84,5 ngàn tỷ đồng (4,1 tỷ USD).

Ngược lại, số dự án FDI đầu tư vào Đà Nẵng thời gian qua khá ảm đạm. Nếu tính tổng số dự án FDI đầu tư vào Đà Nẵng đến nay là 417 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 3,6 tỷ đồng. So sánh như vậy để thấy số lượng các dự án đầu tư trong nước chỉ hơn 1/2 tổng số dự án FDI, trong khi tổng vốn đầu tư trong nước lại lớn hơn FDI nhiều lần. Ở một khía cạnh nào đó, quy mô các dự án đầu tư trong nước lớn hơn, trong khi vốn FDI phần lớn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Như vậy,  xu hướng dịch chuyển tăng nguồn vốn đầu tư trong nước, lại nhắm vào các ngành thân thiện môi trường, đúng định hướng phát triển của TP được xem là tín hiệu lạc quan. Hơn nữa thu hút đầu tư trong nước đạt cao đã góp phần cân đối nguồn lực đầu tư được thu hút.

Dự án Bệnh viện đa khoa quốc tế VINMEC đang được tích cực triển khai.

Không lo FDI thấp

Lý giải nguồn vốn FDI vào Đà Nẵng thấp, ông Sơn cho rằng nhiều nhà đầu tư không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo đúng hợp đồng thuê đất đã ký nên bị thu hồi đất làm giảm quy mô đầu tư. Hơn nữa, khu công nghệ cao mới hoàn thiện cơ sở hạ tầng trong khi tại khu vực này dân cư còn thưa thớt nên một số đoàn không bày tỏ sự quan tâm đầu tư. Ngoài ra cũng phải kể đến công nghiệp hỗ trợ Đà Nẵng chưa phát triển nên một số dự án lớn không thể đầu tư vì nếu đầu tư tại Đà Nẵng phải tốn nhiều chi phí vận chuyển do nhập khẩu hoặc phải mua linh kiện từ nơi khác đến làm tăng giá thành dẫn đến giảm sức cạnh tranh của sản phẩm.

Mới đây, làm việc với Sở KH&ĐT, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh nói việc kêu gọi, thẩm định đầu tư vào TP điều quan trọng phải đúng định hướng, không vì chạy theo số lượng dự án mà đánh đổi môi trường. Ông Anh cũng cho rằng đừng ngại khi thấy thu hút đầu tư nước ngoài quá ít, quan trọng là thu hút đầu tư trong nước vào TP cũng rất lớn, sôi nổi, đó là tín hiệu rất mừng. Còn việc thu hút FDI vào Đà Nẵng thấp do TP kén nhà đầu tư, muốn vào đầu tư phải là công nghệ cao, công nghệ thông tin, hàm lượng chất xám cao. Những dự án trong lĩnh vực như thế thì không có “tỷ này, tỷ kia” được. Muốn có dự án tỷ đô thì mở cửa cho công nghiệp nặng như sắt thép người ta vào đầu tư, mỗi dự án vài tỷ là bình thường. Nhưng Đà Nẵng không thể làm được việc đó.

Rõ ràng, thu hút FDI vào Đà Nẵng thấp do TP quá “kén” nhà đầu tư, do yêu cầu đầu tư phải theo định hướng phát triển của TP. Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư nội chủ yếu đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ, giải trí phù hợp với tiêu chí của Đà Nẵng, nên không khó giải thích vì sao dòng vốn đầu tư vào Đà Nẵng lại có xu hướng chuyển dịch “nội tăng, ngoại suy”. Mặt khác, khi nguồn vốn FDI vào Đà Nẵng thấp, song nguồn vốn nội lại cao, điều đó vẫn giúp TP cân đối nguồn lực đầu tư được thu hút. Đó cũng là điều khác biệt với nhiều địa phương phụ thuộc quá nhiều vào FDI và phải thu hút FDI bằng mọi giá, chấp nhận ưu đãi đến cạn kiệt.

Hải Hậu