Chuyện đời nữ anh hùng Huỳnh Thị Thơ (2)

Thứ tư, 09/03/2016 10:58

* Bài 2: CHIẾN TRANH ĐI QUA, NỖI ĐAU Ở LẠI

(Cadn.com.vn) - ...Nhìn sâu vào trong đôi mắt cương trực của người nữ anh hùng ấy, tôi bắt gặp một nỗi đau nhức buốt không nói được thành lời. Tôi gọi đó là nỗi buồn chiến tranh...

Ảnh chụp lại ngày bà Thơ được nhận danh hiệu AHLLVT.

TRỌN VẸN MỘT TẤM LÒNG TRUNG HIẾU

Trong hồ sơ của chính quyền địa phương làm năm 2004, 2006, 2007, trong giấy tờ do ông Đặng Văn Khá (nguyên Thường vụ Quận ủy, Trưởng An ninh quận 3 Đà Nẵng, Trưởng Ban Bảo vệ nội bộ Đảng của quận chịu trách nhiệm bảo vệ an toàn khu lõm CM) đề xuất gửi lãnh đạo TP, Hội đồng thi đua khen thưởng các cấp đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu AHLLVTND cho bà Huỳnh Thị Thơ, tôi đặc biệt chú ý đến chi tiết bà phải nén vượt qua nỗi đau, bi kịch gia đình để thực hiện nhiệm vụ do tổ chức phân công: tiêu diệt tên điệp viên tình báo Mỹ chính...là cô ruột của mình; đồng thời xác minh hành tung hoạt động chỉ điểm của người thím để tổ chức đưa lên khu căn cứ CM cải tạo. Khi tôi hỏi chuyện này, mấy lần giọng bà chùng xuống, gương mặt u uẩn như không muốn nhắc lại chuyện cũ. Bởi với bà, có nỗi đau nào lớn hơn, bi kịch hơn khi chính mình phải thực thi một nhiệm vụ đầy đau đớn, trái ngang đó.

Suốt gần 3 giờ trò chuyện, mãi đến lúc gần kết thúc, tôi mới dám lựa lời tế nhị nhất để hỏi bà về nỗi đau riêng ấy. Bà cúi xuống, giọng buốt nghẹn: “Răng không đau, không giằng xé tâm can được hả cháu? Nhưng hồi đó, biết bao nhiêu đồng chí của ta bị chỉ điểm, bị giết, khu căn cứ K20 bị lộ hoài. Nhiều đồng chí được giao nhiệm vụ tiêu diệt nhưng không được. Cuối cùng, tổ chức đành phân công cô. Mà thôi, nhắc chi chuyện đau lòng, trái ngang đó hả cháu?”. Lòng tôi cũng chợt se thắt. Nỗi đau ấy, với tôi có tên gọi: Chiến tranh...Bởi trong chiến tranh, có những thời điểm con người buộc phải quyết định lựa chọn một con đường. Trước khi chấp hành mệnh lệnh của tổ chức, bà đã hỏi xin ý cha để rồi đi đến quyết định “lịch sử” đầy ngang trái của đời mình: vì nghĩa diệt thân!

Nữ AHLLVTND Huỳnh Thị Thơ.

Nhưng, có lẽ, oan khiên hơn cả là sau ngày giải phóng, khi được tổ chức cho đi học bổ túc văn hóa, rồi chuẩn bị được cử đi học lớp tuyên huấn thì bất ngờ, bà bị bắt giam với lý do “phản bội Tổ quốc” vì  trong hồ sơ an ninh của chế độ cũ để lại ghi bà là điệp báo cho chế độ cũ. Nhớ lại thời điểm này, bà ứa nước mắt: “Nỗi oan bị nghi phản bội Tổ quốc khiến cô không chịu nổi. Cô đòi cho gặp ông Năm Dừa, ông Sáu Hưng, ông Năm Đán... Sau đó thì cô được thả ra”. Thế nhưng gánh nặng về nỗi oan này đeo đẳng bà suốt thời gian dài. Mãi sau này bà mới biết, người cô ruột đã lấy tên bà để hoạt động tay sai cho Mỹ... Có lẽ vì sự hiểu nhầm đó mà hồ sơ đề nghị trao tặng danh hiệu AHLLVT cho bà bị trục trặc nhiều lần. Mãi đến năm 2005, sau khi những lá đơn của đồng đội gửi lên các cấp, Đội Hồ sơ nghiệp vụ An ninh Phòng Hồ sơ CATP tiến hành xác minh, bà mới chính thức được giải oan. Tháng 5-2010, bà được Nhà nước trao tặng  danh hiệu AHLLVTND. Trước đó, nhiều lần đồng đội đề nghị bà làm hồ sơ phong tặng Anh hùng nhưng bà và gia đình từ chối. Bà bảo, vinh dự của cá nhân bà cũng chính là nỗi đau và mất mát của gia đình trong cuộc chiến tranh…Sau nhiều lần thuyết phục gia đình, bà mới làm hồ sơ để được phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Vĩ thanh

Trong bản thành tích của Anh hùng LLVTND Huỳnh Thị Thơ có ghi: từ tháng 9-1968 đến năm 1972, được giao làm Tổ trưởng Biệt động tự vệ mật K20 (Quận III), trực tiếp tiêu diệt 3 tên ác ôn nguy hiểm, 1 cộng tác viên tính báo cho địch, cùng anh em trong tổ biệt động diệt và trấn áp nhiều tên ác ôn nguy hiểm khác...; đã điều tra, báo cáo để tổ chức bắt tên chỉ điểm đưa đi cải tạo tại vùng giải phóng...; mưu trí, linh hoạt, dũng cảm xả thân để cứu 13 cán bộ CM hoạt động tại K20... 

Lúc ra về, tôi ôm lấy bà, khẽ hỏi: “Ngày ấy, khi bị oan cô có bi quan, tuyệt vọng không? Có phải vì điều này mà sau đó cô xung phong lên nhận nhiệm vụ tại Trại giam phục hồi nhân phẩm ở Phước Sơn (Quảng Nam- K80) không?”. Bà im lặng một lúc rồi thở dài, gật đầu thú nhận: ““Nói không buồn là không thật với  lòng mình. Nhưng tận sâu thẳm thâm tâm, cô vẫn tin đồng đội, những người từng vào sinh ra tử một thời sẽ minh oan cho mình thôi...”. Chính niềm tin mãnh liệt ấy mà bà đã không ngã gục, tiếp tục cuộc hành trình cống hiến thầm lặng cho đến lúc nghỉ hưu?! Từ bà và từ biết bao câu chuyện cảm động khác về những con người đã đi qua hai cuộc chiến tranh mà tôi có dịp gặp để viết về họ, tôi càng cảm thấu sâu sắc rằng, chiến tranh dù lùi xa đã lâu nhưng thực sự vẫn còn uẩn khuất, âm thầm tàn khốc trong rất nhiều ngôi nhà, nhiều số phận trên đất nước hình chữ S này. 

P.Thủy