Chuyện ghi dưới chân núi Ngọc Linh
Ngày 15-12-2021, đoàn thiện nguyện của Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng phối hợp cùng Công ty CP Tư Vinh (TP Đà Nẵng) lại đến với đồng bào nghèo xã Trà Nam, H. Nam Trà My (Quảng Nam), địa phương nằm dưới chân núi Ngọc Linh. Những thiệt hại do bão lũ năm 2021 vẫn còn hiển hiện trên những cung đường đèo dốc đã làm đoàn từ thiện chậm chân gần 2 tiếng đồng hồ so với dự kiến. Song tấm lòng, tình cảm của các thành viên trong đoàn thiện nguyện đã làm hàng trăm hộ đồng bào dân tộc nơi đây xúc động khôn nguôi.
Đại diện Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng và Cty CP Tư Vinh trao quà cho bà con.
Dù cận kề địa danh nổi tiếng với sản phẩm nổi tiếng là sâm Ngọc Linh nhưng cuộc sống của người dân tộc Xơ Đăng, Ca Dong nơi đây vẫn còn ngổn ngang những khó khăn. Theo tìm hiểu, toàn xã có 5 thôn, gồm 34 nóc nằm lẩn khuất trong đại ngàn Trường Sơn, tiếp giáp với một số địa phương tỉnh bạn như: Ngọc Lây, H. Tu Mơ Rông, Măng Bút, H. Kon Plong (tỉnh Kon Tum). Nhiều thôn, nóc cách trung tâm xã từ 10-20km đường rừng. Để nhận quà của đoàn từ thiện, chị Nguyễn Thị Di Hôn (trú thôn 4, Trà Nam) cho biết phải thức dậy từ 4 giờ sáng để đi bộ kịp đến xã nhận quà và khoảng 7 giờ tối mới về đến nhà.
Về với Trà Nam lần này, đoàn thiện nguyện của Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng và Công ty CP Tư Vinh mang theo 500 suất quà, gồm: gạo, mì ăn liền… với tổng giá trị gần 350 triệu đồng nhằm giúp đồng bào người dân tộc Xơ Đăng, Ca Dong nơi đây giải quyết phần nào những khó khăn trước mắt. Cũng trong chuyến đi này, đoàn thiện nguyện cũng đã đến thăm, trao quà áo quần ấm chống rét mùa đông cho các học sinh mẫu giáo và tiểu học trên địa bàn xã miền núi Trà Bui, huyện Bắc Trà My. Chị Hồ Thị Láng (1975, trú thôn 3, Trà Nam) tâm sự: Do chồng bị bạo bệnh mất đã lâu, một mình lo gồng gánh nuôi 3 con nhỏ đang đi học nên phải “chạy” ăn từng bữa. Với phần quà được nhận, gia đình sẽ bớt lo chuyện cơm nước trong thời gian gần 15 ngày…
Đại diện Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng và Cty CP Tư Vinh trao quà cho bà con.
Tương tự, ông Hồ Văn Xanh (1950, trú thôn 2, Trà Nam) cho biết: Vợ chồng đứa con “bỏ” gia đình đi theo ông bà từ năm 2015, bản thân ông già yếu nhưng phải lo nuôi 5 đứa cháu nên kinh tế gia đình vô cùng khó khăn. Với phần quà vừa nhận được, những ngày sắp đến gia đình sẽ vơi đi phần nào nỗi lo cơm áo. Dù khổ cực đến đâu, bản thân ông cũng cố gắng để các cháu kiếm ít con chữ để mai này thoát khỏi cảnh nghèo khổ như cha mẹ. Một hoàn cảnh khác cũng vô cùng bi đát là gia đình chị Trần Thị Thiện (1985, trú thôn 4, Trà Nam). Chẳng may, chồng mất năm 2015 vì bạo bệnh, một mình chị nuôi 4 con nhỏ. Đến khi có thể nhờ vả được, 2 đứa lớn là Hồ Văn Thúc (2004) và Hồ Thị Thanh Thở (2006) bị tai nạn, qua đời vào đêm 18-11-2021. Hoặc trường hợp 2 cháu Hồ Thị Hằng Nga (2015), Hồ Văn Trí (2018) phải sống trong hoàn cảnh không có cha, còn mẹ bị bệnh nặng…
Theo ông Trần Ngọc Hiên- Phó chủ tịch UBND xã Trà Nam, Trà Nam là một trong những xã được Nhà nước xếp diện đặc biệt khó khăn, kết cấu hạ tầng nông thôn thấp và thiếu đồng bộ. Tuy nhiên, với truyền thống lâu đời, người dân nơi đây luôn đoàn kết, vượt qua khó khăn để vươn lên. Từ năm 2003 đến nay, Đảng và Nhà nước đã có nhiều Chương trình, chính sách hỗ trợ thiết thực cho miền núi cộng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và của từng người dân nên cuộc sống khó khăn đang dần được khắc phục. Ông Nguyễn Thành Phương- Chủ tịch UBND xã Trà Nam, cho biết: thời gian qua, Nhà nước quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng, khoa học, giáo dục… giúp người dân đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đặc biệt phát triển các cây đặc sản vùng như sâm Ngọc Linh, Nam, Đẳng sâm, Quế Trà My… kết hợp với việc khai hoang, phục hóa ruộng lúa nước, chăn nuôi nhằm chủ động đáp ứng 80% lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, do mới thực hiện nên thu nhập vẫn còn thấp, bình quân thu nhập đầu người năm 2021 chỉ đạt 2 triệu đồng/người. Do đó, về lâu dài địa phương chú trọng phát triển công tác giáo dục để người dân có điều kiện tiếp cận khoa học kỹ thuật. Hiện tại, nhiều gia đình được hướng dẫn phương pháp trồng các loại cây mang lại giá trị cao, như: sâm, quế… Hy vọng, từ 3 năm đến 5 năm đến địa phương sẽ có nhiều hộ thoát khỏi cảnh nghèo.
Đoàn thiện nguyện thăm, trao quà áo quần ấm chống rét mùa Đông cho các học sinh mẫu giáo và tiểu học trên địa bàn xã miền núi Trà Bui, huyện Bắc Trà My.
Tạm biệt Trà Nam khi mây trắng giăng khắp những đỉnh núi nhưng hình ảnh những chiếc gùi tạm bằng bao tải trên lưng theo chân đoàn người về từng thôn, từng nóc như níu chân chúng tôi. Hy vọng, khi có dịp trở lại đây, những hình ảnh trên sẽ không còn nữa và đời sống người dân sẽ dần đổi thay khi biết nuôi trồng những giống cây bản địa mang lại lợi ích kinh tế cao.
M.T