Chuyện ghi ở Non Nước

Thứ sáu, 06/12/2013 22:20

(Cadn.com.vn) - Trong cái se lạnh đầu đông, dưới chân núi Ngũ Hành, đôi ba câu chuyện bên ấm trà nóng với ông Lê Quang Tươi - Trưởng Ban quản lý Khu Du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, tôi thấy ở ông niềm vui và cả những trăn trở về mục tiêu lớn được đặt ra là xây dựng thương hiệu của Khu Danh thắng Ngũ Hành Sơn “An toàn, văn minh và thân thiện”.

CHUYỆN VUI...

Ông Tươi bảo, so với trước đây, khu danh thắng đã thực sự “lột xác”, bởi được đầu tư, trùng tu, tôn tạo cảnh quan, cùng với Công viên văn hóa, làng đá mỹ nghệ đang dần hình thành.

Sức hấp dẫn của khu danh thắng được chứng minh bằng lượng khách tìm đến: Nếu năm 2007, có hơn 311.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan thì năm 2012 đã chạm mức 553.000 lượt khách, tổng doanh thu đạt 8,136 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, đón 302.014 lượt khách; trong đó có 84.161 lượt khách nước ngoài, tổng doanh thu trên 4,63 tỷ đồng, đạt 55% kế hoạch; hơn 164.000 lượt khách tham quan Thủy Sơn bằng dịch vụ thang máy, doanh thu gần 2,5 tỷ đồng.

Ngoài sức hấp dẫn mà thiên nhiên ban tặng cho Non Nước, yếu tố con người đã góp phần cực kỳ quan trọng, là sợi dây kết nối, thuyết phục được du khách. Hơn 60 cán bộ, nhân viên luôn nêu cao trách nhiệm phục vụ du khách bằng những cử chỉ, hành động có văn hóa, cầu thị, cần mẫn, thân thiện là “hấp lực” thực sự, tạo nên ấn tượng tốt về hình ảnh Ngũ Hành Sơn.

Một điểm nữa, đó là Làng điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước được hình thành từ giữa thế kỷ XVII, đến nay, qua hơn 400 năm xây dựng và phát triển với gần 500 cơ sở SXKD và 3.500 lao động. Bằng trí tuệ và tài hoa của người thợ đã phát huy được nghề điêu khắc đá truyền thống, tạo ra những tác phẩm nghệ thuật được giới mỹ thuật trong nước và quốc tế đánh giá cao, sản phẩm làm ra được bán rộng rãi và xuất khẩu sang các nước trên thế giới. Đây cũng là hấp lực đối với du khách. Sự thú vị ở đây là sau khi tham quan hang động, chùa chiền, vãn cảnh nước non, du khách được tận mắt xem các nghệ nhân “thổi hồn” cho những bức tượng, những sản phẩm từ đá mỹ nghệ và chọn cho mình một món quà lưu niệm ý nghĩa...

Thợ điêu khắc “thổi hồn” cho đá.

CHUYỆN 24 NGƯỜI

“Chúng tôi đã kiểm soát được nạn đu bám, chèo kéo du khách, nhưng nói triệt để thì chưa” - ông Tươi bắt đầu chuyện không vui. Ông bảo, bây giờ không còn nạn chèo kéo nữa, mà chỉ còn một nạn khó giải: cò! Chúng tôi nắm rõ 24 trường hợp sống bằng nghề “cò” ở đây. Tất nhiên, họ chỉ cò khách nước ngoài, còn khách nội thì không. Biết, nhưng không dễ để dẹp.

Ông Tươi lý giải, đây là những người sống bằng nghề này từ lâu và họ biết cách “lách luật”. Có vốn ngoại ngữ, khi có du khách ngoại, họ ra mời chào, giới thiệu vào những cửa hàng “phên” với mình để kiếm hoa hồng. Họ không đeo bám, không xô đẩy hay ép buộc khách mà chỉ đơn giản là giới thiệu như “hướng dẫn viên”.

Chúng tôi, Đội 01 có 11 người, với nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn cho du khách, sắp xếp phương tiện, trật tự vỉa hè và tất nhiên nhiệm vụ quan trọng là đẩy đuổi “đội quân” 24 người này. Khó, đó là chắc chắn vì lực lượng này không đứng đường mà “nằm” trong nhà, cửa hàng bán hàng lưu niệm, Đội 01 không thể vào đó mà đuổi. “Phải có chế tài”, ông Tươi bảo nếu muốn dẹp triệt để nạn cò ở đây.

Vậy phải làm gì trong khi chế tài chưa có và quan trọng là sinh kế của 24 người này sẽ thế nào? Ông Tươi bảo, UBND quận, UBND phường và các ngành chức năng đã và đang phối hợp giải quyết, tìm sinh kế cho lực lượng này. Đó là vừa tuyên truyền, vừa đào tạo nghề và cải tạo điều kiện bố trí cho họ những ki-ốt tạm thời để bán hàng kiếm sống. Nhưng, gần như “nhiễm vào máu”, họ vẫn “cò”, vì như thế có tiền tươi, thu nhập khá. Mà nói thật, theo tìm hiểu của tôi, hoàn cảnh gia đình của đội quân “cò” này không phải là quá khó khăn. “Tôi nói lại, chúng tôi kiểm soát được tình hình, nhưng triệt để thì rất khó” - ông Tươi nhấn mạnh.

Khu Danh thắng Ngũ Hành Sơn thu hút nhiều du khách quốc tế.

CHUYỆN THƯƠNG HIỆU

“Thực tế là dù có thay đổi nhiều, hấp dẫn được du khách trong và ngoài nước, nhưng Danh thắng Ngũ Hành Sơn vẫn còn nhiều việc phải làm lắm” - ông Tươi nói về mục tiêu xây dựng thương hiệu. Đầu tiên là cảnh “nắng bụi, mưa lầy”. Đó là những con đường dẫn vào khu danh thắng xuống cấp trầm trọng.

Tiếp đến là những hàng quán, ki-ốt còn lộn xộn. “Nguyên do là theo quy hoạch Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ hành Sơn, một lượng lớn hộ dân phải giải tỏa, nhưng chưa thể chuyển đi vì còn rất nhiều hàng tồn. Nhiều nhà đã đập để bàn giao mặt bằng, nhưng chúng tôi phải tạo điều kiện để họ bán hết hàng. Vậy là căng bạt, bày hàng nên đã tạo nên cảnh quan chung nhếch nhác.

Vấn đề căn cơ nhất để đem đến thành công trong xây dựng được “Văn minh du lịch”, xây dựng được thương hiệu, sức hút cho Non Nước là việc triển khai DA Công viên văn hóa lịch sử. DA hoàn thành sẽ tạo nên cảnh quan tuyệt vời, các khu vực trưng bày bán hàng, khu chế tác sẽ nằm đúng chỗ, sẽ là những con đường đẹp, những ngôi nhà khang trang, làm nền để tôn thêm vẻ đẹp tự nhiên cho Ngũ Hành Sơn.

Cũng phải nói thêm, khi phố đẹp, nhà đẹp, các khu vực quy củ thì sẽ không thể có chị nào, bà nào hay ông nào ăn mặc lếch thếch, bịt khẩu trang chạy ra chèo kéo, cò khách. Lạc lõng lắm! - ông Tươi hy vọng.

DA không thể hoàn thành trong ngày một ngày hai, chắc chắn BQL sẽ còn vất vả? “Đúng là vất vả, nhưng tôi tin, cùng với chính quyền các cấp, Khu Danh thắng Ngũ Hành Sơn sẽ khẳng định được thương hiệu của mình, sẽ là điểm đến an toàn, văn minh và thân thiện” - ông Tươi tin tưởng.

Nhật Minh