Chuyện giáo dục - từ vỉa hè đến nghị trường

Thứ sáu, 14/08/2015 09:00

Từ chuyện vỉa hè...

(Cadn.com.vn) - Cách đây một tuần, khi ghé vào quán ăn sáng, tôi tình cờ nghe hai phụ nữ trò chuyện về việc học hành của con em họ. Một chị nói: "Đừng xin cho con vào học trường đó. Con tôi học ở đó nên tôi biết, thành tích lắm! Có lần, cháu về nhà kể: "Cô giáo con nói với cả lớp rằng, nếu bài nào các con không làm được, các con cứ để trống cho cô là xem như giúp cô rồi đó".

Chưa hiểu ý, tôi hỏi con "Vì sao cô lại nói vậy?", con tôi liền trả lời: "Thì để cô dùng bút mực điền vào phần bài mà bạn nào đó không làm được, để cả lớp ai cũng đạt điểm cao. Có thế mà mẹ không hiểu à!?". Nghe vậy, tôi hoảng hồn. Thôi chết rồi, cứ cái bệnh thành tích này thì chất lượng học hành của con mình như thế nào sao mà biết được. Thế nên, tôi khuyên bà cứ học... trường gần nhà cho khỏe, đỡ phải chạy chọt xin xỏ, đỡ phải chạy theo thành tích của trường, của lớp, tội con mình. Bây giờ tôi nghĩ khác rồi, chính những ngôi trường không được gọi là "điểm" sẽ giúp các cháu phát triển đúng với năng lực của nó đấy...".

Tò mò, tôi tìm cách bắt chuyện: "Trường nào vậy chị? Sao lại có giáo viên thiếu trách nhiệm với học trò đến thế?". Nghe tôi hỏi, hai phụ nữ nọ quay sang nhìn, rồi không hiểu sao họ bỗng im bặt, trả tiền và rời khỏi quán...

Một lần khác, trong quán nước, tôi nghe hai mẹ con trao đổi chuyện học. Thằng bé trạc 13, 14 tuổi đề nghị với mẹ: "Mẹ nè, năm học mới này con nghe nói cô X chủ nhiệm lớp con đó. Cô ấy thì dạy Văn hay lắm nhưng nếu ai không đi học thêm và không học theo văn mẫu của cô là cô "đì" đó mẹ. Con không thích làm Văn theo khuôn mẫu. Nếu năm tới, điểm môn Văn của con thấp, mẹ có trách con không?".

Sau một hồi đăm chiêu, người mẹ góp ý: "Chắc chỉ là đồn thổi thôi con à. Cứ học xem sao đã. Hay là... đi học thêm cho chắc ăn, con à". "Nhưng con không muốn đi học thêm Văn cô ấy, dù cô ấy dạy hay. Văn phải làm theo suy nghĩ, nhận thức, cảm thụ của mình chứ, sao lại học mẫu...". Lại một hồi suy nghĩ, người mẹ đáp: "Rứa thì tùy con. Mẹ không buồn nếu điểm con không cao, miễn là con phải nắm chắc kiến thức cơ bản là được. Nhưng con hứa với mẹ một điều, có được không? Dù cô ứng xử với con không được công bằng, con cũng không được có thái độ vô phép, hỗn xược với cô nghe chưa. Việc gì chưa phải, con phải nói với mẹ, mẹ sẽ nói chuyện với cô. Tuy nhiên, mẹ tin là những chuyện con nghe được cũng chỉ là lời đồn thổi mà thôi...". Thằng bé vui vẻ nói: "Dạ! Con cũng mong như lời mẹ nói".

Chứng kiến câu chuyện, tôi chợt táy máy, tham góp: "Chị khuyên phải đó. Thế cháu nắm chắc các kiến thức về môn học đó không ạ?". Người mẹ quay sang nhìn con một lát rồi quay sang trả lời: "Cảm ơn chị! Mấy năm học trước, cháu luôn xếp vị trí nhất lớp môn học này. Điều đó với tôi cũng không quan trọng lắm, cái tôi mừng là cháu nắm kiến thức khá chắc và có niềm đam mê với môn học này...". Nói rồi người mẹ từ tốn chào tôi... Nhìn theo hai mẹ con, tôi cảm thấy thực sự quý trọng người mẹ nọ và thầm nghĩ, thằng bé ngoan, học giỏi cũng phải...

Cũng lại chuyện vỉa hè. Mới đây, khi chứng kiến cảnh con trai có một thái độ hành xử không đúng với một con vật, bà mẹ đã kéo tay cháu lại mắng và khuyên không được làm điều xấu, điều ác với bất cứ ai, kể cả con vật. Nghe mẹ dạy xong, đứa trẻ gật đầu nhưng vẫn cố vớt vát một câu: "Cô con nói, ác mới sống lâu. Con muốn sống lâu nên con phải ác". Người mẹ nghiêm mặt hỏi: "Sự thể ra sao mà cô nói vậy?".

Đứa trẻ kể, vì cô giáo hay la, hay mắng nên học sinh trong lớp nói sau lưng cô rằng "cô giáo mà... ác". Chuyện đến tai cô, cô nói trước lớp rằng "Ừ! Cô ác rứa đó. Ác mới sống lâu". Nghe xong câu chuyện con kể, người mẹ vội giải thích ngay: "Điều đó không đúng đâu. Các con sai, chưa đúng, cô la mắng để các con nên người, nhưng các con lấy đó để trách cứ, rồi gán cho cô là ác, nên cô buồn, tự ái. Trong lúc giận, cô buột miệng nói thiếu suy nghĩ thế thôi, chứ thực ra không có ý nói vậy đâu...". Thằng bé không cãi nữa nhưng có vẻ không phục!

Chất lượng giáo dục có tốt hay không phụ thuộc vào đội ngũ thầy cô giáo (ảnh có tính chất minh họa).

...đến nghị trường giáo dục

Tại hội nghị tổng kết của ngành GD-ĐT được tổ chức ngày 12-8 vừa qua, trong phần phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề cập nhiều vấn đề còn hạn chế của ngành GD-ĐT. Khi nói về giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HS, Phó Thủ tướng đề cập đến vấn đề làm gương của người thầy. Phó Thủ tướng cho rằng, thực trạng nhiều người khi tham gia giao thông vượt đèn đỏ, vi phạm giao thông, vệ sinh công cộng bừa bãi, hay cảnh chen lấn, không có ý thức xếp hàng, tội phạm trong thanh thiếu niên ngày một gia tăng... là vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Đương nhiên đây là trách nhiệm của toàn xã hội, nhưng theo Phó Thủ tướng, rõ ràng có phần trách nhiệm rất quan trọng của ngành GD.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: "Có một điều chắc chắn rằng, nếu người thầy mà không gương mẫu thì cho dù tuyên truyền như thế nào đi chăng nữa thì ảnh hưởng đối với các cháu cũng sẽ giảm đi rất nhiều... Dạy các cháu gọn gàng ngăn nắp, sạch sẽ nhưng bản thân trong trường vệ sinh không sạch, dây điện lôm côm, mạng nhện giăng... thì làm sao các em nghe lời cho được".

Đề cập đến việc có nhiều thí sinh bị điểm liệt trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trăn trở cho rằng: Điều đó cho thấy chất lượng giáo dục có vấn đề. Phó Thủ tướng cho biết, có một người đã nói với ông rằng, môn ngoại ngữ thì thôi không bàn, nhưng các môn còn lại mà bị điểm liệt là học sinh đó không nên được học lớp 12. Đáng lý, học sinh đó phải lưu ban, phải học lại, chứ sao để các cháu hỏng kiến thức như vậy được lên lớp để rồi bị điểm liệt với một đề thi không đến nỗi quá khó... Đấy cũng chính là bệnh thành tích khi để học sinh lên lớp không đúng với năng lực của mình...".

Sự nghiệp GD-ĐT là vô cùng gian khó. Ai cũng có thể tham góp, nhưng không phải ai cũng làm tốt được công việc gian khó này. Tuy nhiên, bất luận là gì đi chăng nữa thì đối với người làm công tác trên lĩnh vực này cũng không được phép làm sai, nói sai. Và nếu khi đã phát hiện ra sai thì cần phải sửa sai ngay...

Khánh Yên