Chuyện học của học sinh đồng bào Dao

Thứ tư, 02/11/2016 10:02

(Cadn.com.vn) - Để được đến trường, các em nhỏ đồng bào Dao ở Đắc Nông phải sống xa gia đình hàng tuần, thậm chí cả tháng trời, tự túc mọi sinh hoạt trong những túp lều được che chắn tạm bợ, cùng ăn những bữa cơm đạm bạc rồi dắt díu nhau đến lớp...

Đường về những túp lều tạm bợ của các em lầy lội khi mưa. 

Nhọc nhằn đường đến trường

Điểm trường phân hiệu của trường tiểu học Trần Bội Cơ nằm vắt vẻo trên một khu đất nhô cao thuộc thôn E 29I, xã Đắc Môl, H. Đắc Song, tỉnh Đắc Nông. Chỉ cách điểm trường chính chưa đầy 2km nhưng cơ sở vật chất cũng như mọi sinh hoạt của thầy trò nơi đây gặp vô vàn khó khăn. Điểm trường phân hiệu chỉ có 4 phòng học được xây dựng khá lâu, sơn đã ngả xanh rêu, mái ngói nhuộm màu đen ngòm vì mưa nắng. Toàn trường vỏn vẹn chưa đầy 100 học sinh, trong đó có 40 em là người đồng bào Dao. Số lượng học sinh ít ỏi chia đều cho 5 khối học, có lớp  chỉ trên dưới 10 học sinh.

Để đến được trường học, các em học sinh đồng bào Dao phải vượt qua hơn 12km đường đất đồi núi khúc khuỷu. Mùa nắng, việc đi lại còn thuận tiện, nhưng mỗi khi mưa về, con đường này trở nên trơn trượt, lầy lội, xe máy, xe đạp không thể “lết” nổi. Muốn đến trường, các em chỉ còn một cách là xắn quần lên và xách dép đi bộ.

Sau khi tìm những chiếc ghế nhựa cho khách ngồi tạm, thầy giáo Doãn Huy Hùng - giáo viên chủ nhiệm lớp 5, người có 13 năm ròng rã công tác ở đây, mở đầu câu chuyện: “Tôi rất khâm phục ở các em tính tự lập, ý chí vượt qua mọi khó khăn để được đến với con chữ”. Rồi thầy Hùng nói, quãng đường từ nhà đến trường khá xa mà các em còn quá nhỏ nên không tự mình hằng ngày đến trường. Để con em mình được “nhìn mặt” con chữ, các bậc phụ huynh phải tự xin những mảnh đất nhỏ, ké cận các hộ dân ở gần trường để dựng lều tạm bợ, làm nơi trú ngụ cho các em ở lại ăn học. Hàng ngày, sau khi tan lớp, các em phải cuốc bộ gần 1km để về “phòng trọ” của mình. Khác với những đứa trẻ cùng trang lứa, tại đây, các em học sinh đồng bào Dao phải tự mình làm tất cả những công việc của người lớn. Những em học lớp 4, 5 phải làm công việc từ nấu cơm, giặt giũ, tắm rửa đến chăm lo giấc ngủ cho các em nhỏ hơn mình.

Dẫn chúng tôi vào căn lều chưa đầy 10 mét vuông, thầy Hùng thỏ thẻ: “Các anh thấy đấy, ngôi nhà nhỏ vầy nhưng ở đây có 7 em cùng chung sống. Thương lắm!”. Giường ngủ các em được kết từ những tấm ván gỗ cũ kĩ, ọp ẹp. Phía trên là những chiếc chiếu cói đã ngả màu đen sậm. Quần áo, mũ nón của các em cũng để trên chiếc giường đa năng này.

Vừa thả vội chiếc cặp ra khỏi vai, em Lý Gia Lâm (học sinh lớp 5) đã bắt tay ngay vào công việc “nội trợ” của mình. Công việc đầu tiên của em là phải nhóm thành công bếp lửa, sau đó mới vo gạo nấu cơm. Thức ăn hàng ngày chẳng có gì ngoài cá khô, rau khoai, bắp sú được bố mẹ các em mang từ nhà ra trước đó. “Cháu biết nấu cơm từ năm học lớp 3, vì ở nhà mẹ bày cho nấu. Mẹ nói muốn học cái chữ thì phải biết nấu cơm rồi mới ra đó học được”, em Lâm bộc bạch.

Thầy Doãn Huy Hùng bên các em học sinh trong nơi ở tạm bợ.

Quyết tâm học được con chữ

Cô Nguyễn Thị Minh Trang (chủ nhiệm khối lớp 1) chia sẻ: “Tôi về công tác được hơn 3 năm nên rất hiểu hoàn cảnh của các em đồng bào dân tộc Dao ở đây. Các em còn quá nhỏ vì thế cuộc sống xa gia đình quả là một khó khăn thách thức. Tuy nhiên, tôi thấy ở các em lòng ham học và sẵn sàng vượt qua mọi rào cản để đến được với con chữ”.

Trong tất cả các khối học thì lớp do cô Trang làm chủ nhiệm là lớp đặc biệt nhất của trường, cả lớp có 15 em học sinh, nhưng có tới 11 em là đồng bào Dao. Hầu như các em chưa học qua lớp mầm non, mà tuyển thẳng vào lớp 1. Vì vậy, việc bắt đầu học con chữ là vô cùng khó khăn. Đa phần các em chưa biết nói tiếng phổ thông, việc giao tiếp, truyền thụ kiến thức rất vất vả. Cách duy nhất để tập đọc, tập viết cho các em là hướng dẫn đi hướng dẫn lại nhiều lần, thậm chí bỏ mấy ngày liền để các em nhớ và thuộc được những con chữ. “Đã có nhiều em vì không thể chịu nổi cuộc sống xa gia đình nên đã nghỉ học. Cũng có nhiều trường hợp các em sau khi được ba, mẹ đưa về nhà cả 2, 3 tuần sau mới chịu ra lại học. Có nhiều em lên lớp không chịu học hành, gương mặt cứ mơ hồ nhìn xa xăm, khi hỏi ra mới biết là em nhớ mẹ...”, Cô Trang kể.

Em lâm vừa đi học về là bắt tay ngay vào công việc nội trợ . 

Trao đổi về những khó khăn của trường, cô Hoàng Thị Hải Yến – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Tại điểm trường phân hiệu có 5 thầy cô giáo chủ nhiệm và 4 giáo viên chuyên ngành. Những em đồng bào Dao học ở đây xa gia đình phải sống tự lập, đó là những nỗ lực phi thường mà không phải đứa trẻ nào cũng có thể làm được. Điều kiện cơ sở vật chất của trường còn khó khăn nên không đủ kinh phí xây dựng nhà bán trú cho các em. Nhìn các em ở trong những túp lều tạm bợ, lụp xụp, ăn uống kham khổ thấy xót xa lắm...”.

Những năm qua, thầy Doãn Huy Hùng không ngừng tìm kiếm, kêu gọi các Mạnh Thường Quân quan tâm giúp đỡ nhà trường, đặc biệt là việc xây dựng các ngôi nhà bán trú cho các em đồng bào Dao. “Nghe thông tin ở đâu có người giúp đỡ dù xa đến mấy tôi cũng phải tìm đến cho bằng được. Nhiều năm vận động nhưng vẫn chưa thể xây được một căn phòng nào cho các em”, thầy Hùng trăn trở.

Ngọc Giang