Chuyện học ở vùng tâm hạn

Thứ tư, 27/04/2016 09:24

(Cadn.com.vn) - Cứ nghĩ, hạn hán khốc liệt diễn ra trên diện rộng lại kéo dài trong 2 năm liền sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự học của con em Ninh Thuận. Nhưng những gì  chứng kiến, ghi nhận trong chuyến công tác thực tế về vùng tâm hạn Ninh Thuận đã cho tôi có một góc nhìn khác về sự  dạy - học nơi đây.

Dù hạn hán, thiếu nước và còn nhiều khó khăn, nhưng sĩ số HS đến lớp tại Trường TH Từ Thiện thuộc xã Phước Dinh, H.Thuận Nam vẫn được duy trì.

1. Lúc 14 giờ 30 ngày 19-4, ngay trên cánh đồng được chuyển đổi cây trồng nhằm thích ứng với tình hình hạn hán tại thôn Vụ Bổn, xã Phước Ninh (H. Thuận Nam) - nơi được tỉnh Ninh Thuận công bố tình trạng hạn hán diễn ra trên toàn địa bàn, tôi bắt gặp hình ảnh 2 HS nam đang lúi húi hái đậu xanh. Nắng chói chang trên đầu, dưới chân đất nóng như rang, gió như quất vào mặt. Thấy tôi cầm máy ảnh tiến lại gần, 2 em xấu hổ tìm cách lảng tránh. Phải khó khăn lắm tôi mới bắt được chuyện...

Đổng Duy Thanh, tên cậu bé có vóc người bé như hạt tiêu, cho biết, em đang học lớp 8 trường THCS Võ Văn Kiệt. Buổi sáng đi học, chiều tranh thủ thời gian nghỉ đi hái đậu thuê, kiếm thêm tiền trang trải cho việc học tập. Khi tôi hỏi “có phải vì hạn hán nên em phải đi làm thuê không?”, Thanh lắc đầu cho biết: “Dạ không phải vậy! Thực tế, những buổi chiều nghỉ học nếu được ai gọi đi làm thuê cháu đều nhận lời, chứ không phải đợi đến hạn hán đâu ạ! Số tiền kiếm được từ việc làm thuê, cha mẹ cho cháu dùng vào việc ăn sáng, mua thêm vở, bút mực phục vụ cho việc học tập”.

Qua Thanh, tôi được biết cha mẹ em đều là nông dân. Tuy cuộc sống còn khó khăn nhưng họ vẫn cố gắng lo cho con ăn học. Góp lời, em Đàng Năng Khiêm - HS lớp 9 trường THCS Võ Văn Kiệt, cho biết việc hái đậu xanh này em chỉ mới làm gần 1 tuần nay với lý do rất đơn giản: “Buổi chiều, thấy chúng cháu được nghỉ học, đang cần người phụ hái đậu xanh nên cô hàng xóm gọi đi hái thuê. Chúng cháu bắt đầu công việc hái đậu từ 2 giờ chiều đến khoảng hơn 4 giờ chiều được trả 30.000 đồng. Số tiền này được dùng để phục vụ cho việc học tập chứ cha mẹ không lấy. Nhưng đây không phải là công việc thường xuyên, chỉ là làm thêm khi có ai gọi mà thôi!”. Tôi âu lo: “Đi hái thuê thế này có ảnh hưởng đến sức khỏe, đến việc học tập của các con không?”, cả Thanh và Khiêm đều cười: “Buổi sáng chúng cháu đi học, chiều nào không có ai gọi đi làm thuê thì ở nhà ôn và làm bài. Nếu đi hái thuê buổi chiều, việc tự học sẽ chuyển sang buổi tối, không ảnh hưởng gì đâu cô ạ! Ở đây, chúng cháu không có điều kiện để đi học thêm, nên phần lớn sau thời gian học tập ở trường là tự học ở nhà. Thời gian rảnh rỗi vì thế cũng nhiều... Việc đi hái thuê có gì mà khó nhọc. Chỉ hơi nắng chút thôi, nhưng chúng cháu quen rồi nên thấy cũng chẳng sao!”.

Các em cho biết, qua việc trực tiếp lao động tay chân càng giúp các em thêm yêu quý lao động, hiểu sâu sắc hơn những vất vả, nhọc nhằn của cha mẹ trong cuộc vật lộn mưu sinh để lo cho các em được ăn học nên người.

Sau giờ học, 2 HS Trường THCS Võ Văn Kiệt (Ninh Phước, Ninh Thuận) đi hái đậu xanh để kiếm tiền trang trải việc học tập.

2. Hôm sau, khi theo chân CBCS đoàn CA tỉnh về thôn Từ Thiện, xã Phước Dinh, H. Thuận Nam để cung cấp nước sạch miễn phí, tôi được trưởng thôn Nguyễn Văn Hùng dẫn đến trường TH Từ Thiện để tìm hiểu tình hình học tập nơi đây. Vào thời điểm tôi đến, Ban giám hiệu (BGH) đi vắng. Qua thăm hỏi trưởng thôn và các thầy cô, nhân viên đang công tác tại trường, được biết, trường TH Từ Thiện có 3 điểm trường, trong đó những điểm trường lẻ nằm cách xa điểm trường chính chừng 5km. Vì thế, mỗi buổi sáng, BGH đều tỏa về các điểm trường này để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc dạy-học. Sau đó họ mới quay về điểm trường chính làm việc.

Khi tôi đề cập đến vấn đề hạn hán có ảnh hưởng gì đến việc dạy-học không, ông Hùng khẳng định: “Đây là vùng bãi ngang ven biển được xếp vào diện đặc biệt khó khăn nên rất được Nhà nước quan tâm, có nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó có việc dạy-học. Chuyện HS bỏ học giữa chừng chỉ xảy ra từ nhiều năm về trước, chứ mấy năm trở lại đây, không có chuyện đó đâu cô ơi! Bà con giờ đã ý thức được tầm quan trọng vấn đề học hành của con em mình rồi!”.

Là người gắn bó với ngôi trường này được 16 năm, nhân viên Cao Thị Hoài Nghĩa cho biết, toàn trường hiện có 202 HS. Là vùng đặc biệt khó khăn nên HS không phải đóng bất kỳ khoản tiền nào ngoài tiền bảo hiểm y tế quy định bắt buộc mua. Tuy nhiên, chẳng năm nào nhà trường đạt được chỉ tiêu theo quy định được giao do bà con nơi đây còn nghèo. Cũng qua cô Nghĩa, được biết, hằng năm, HS được nhà trường cho mượn SGK để học. Riêng cặp, vở thì được dự án Điện Hạt nhân hỗ trợ. Chia sẻ thêm về tình hình dạy-học ở đây, cô Nguyễn Thị Thúy Hoa- GV dạy lớp 5, cho biết, trong lớp do cô chủ nhiệm có 4 HS thuộc diện khó khăn, tuy nhiên chẳng có HS nào vì lý do hạn hán, nghèo khó mà buộc phải bỏ học giữa chừng. “Tôi về nhận công tác tại đây được 3 năm nay nhưng chưa thấy có hiện tượng HS vì khó khăn mà bỏ học. Thi thoảng, một trong số 4 em này xin phép được nghỉ học 1 ngày để ở nhà phụ giúp cha mẹ dọn hàng mà thôi”, cô Hoa nói.

* QĐ số 901 do UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành quy định: Miễn thu học phí có thời hạn đối với HS đang theo học tại các trường mầm mon, phổ thông (công lập và ngoài công lập, bao gồm cả hệ thống GDTX) có hộ khẩu thường trú tại các huyện: Ninh Hải gồm các xã: Xuân Hải, Tri Hải, Nhơn Hải, Thanh Hải, Vĩnh Hải; Ninh Phước gồm có các thôn Hậu Sanh, La Chữ của xã Phước Hữu; Ninh Sơn gồm các xã: Mỹ Sơn, Hòa Sơn, Ma Nới, Lâm Sơn, Nhơn Sơn, Quảng Sơn và trên toàn địa bàn các H. Bác Ái, Thuận Nam, Thuận Bắc. Thời gian thực hiện từ ngày 1-3 đến 31-5-2016.

3. Cùng trong hoàn cảnh khó khăn do hạn hán kéo dài dẫn đến ruộng đồng khô cạn không thể trồng trọt gì được, nhưng người dân ở thôn Khánh Tân, xã Nhơn Hải, H. Ninh Hải vẫn cố gắng cho con em đi học. Điều này đã được ông Nguyễn Thành, Bí thư Chi bộ thôn Khánh Tân, khẳng định hôm tôi về đây để tìm hiểu thực tế đời sống của người dân vùng hạn đúng dịp nhà trường nghỉ dạy - học do nghỉ bù lễ giỗ Tổ Hùng Vương.

Qua trưởng thôn, được biết, Khánh Tân là thôn duy nhất của xã Nhơn Hải nước ngọt chưa về đến nơi do địa bàn khá xa. Hai năm nay, những cánh đồng nơi đây phần lớn bị bỏ hoang vì nguồn nước ngầm cạn kiệt. Thanh niên đi làm công nhân, làm thuê, lớp trung niên thì tập trung đi kiếm cỏ chăm lo cho đàn gia súc, gia cầm. Dù vậy, việc học vẫn được quan tâm. Theo đó, ngoài các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, mới đây, nhà trường được đoàn CA và Hội Phụ nữ CA tỉnh Ninh Thuận hỗ trợ nước uống tinh khiết. Khi nào hết nước ngọt sẽ có xe của CA tỉnh chở nước đóng chai đến tận nơi.

Những ngày đến Ninh Thuận công tác đúng dịp lãnh đạo đầu ngành GD-ĐT tỉnh bận dự họp, nên tôi không có điều kiện tiếp xúc để nắm thêm thông tin, tư liệu phục vụ cho bài viết này. Nhưng từ chuyến đi thực tế về vùng tâm điểm hạn nặng nhất ở Ninh Thuận, tôi đã có một góc nhìn khác hơn về sự dạy-học nơi đây. Rõ ràng, người dân Ninh Thuận đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn do hạn hán gây ra, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt, học tập... Nhưng từ những nỗ lực của toàn xã hội, trong đó có sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp, mà cụ thể nhất là việc miễn thu học phí có thời hạn của UBND tỉnh tại QĐ số 901, đã phần nào góp phần hạn chế đến mức thấp nhất việc HS bỏ học giữa chừng do hạn hán kéo dài trên diện rộng gây nên.

P. Thủy