Chuyện kể trong hầm tối

Thứ hai, 22/12/2014 10:00

(Cadn.com.vn) - Chưa có một sự cố nào lại mang đến nhiều trạng thái cảm xúc như cuộc giải cứu thành công 12 công nhân trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo (Lâm Đồng). Đó là khoảng thời gian suốt 4 ngày 3 đêm hàng triệu trái tim bị bóp nghẹt trong lo âu và hồi hộp ngóng tin. Và, 16 giờ 35 ngày 19-12, thung lũng Păng Tiêng chìm trong âu lo chợt vỡ òa, vang dội những tiếng hò reo, vỗ tay không ngớt khi nạn nhân đầu tiên được đưa ra khỏi hầm. Niềm vui được sống của 12 nạn nhân “phủ sóng” đến hàng triệu người dân Việt đang ngóng chờ, hồi hộp từng giây phút trôi qua. Còn những công nhân bị mắc kẹt, họ đã nghĩ gì? Chúng tôi có cuộc trò chuyện với họ tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi bắt đầu với anh Phạm Xuân Đăng, công nhân lớn tuổi nhất (50 tuổi) trong vụ sập hầm. Anh Đăng kể: “Thời điểm hầm thủy điện sập, mọi người bỏ chạy vào phía cuối hầm trong màn đêm tối mịt. Vừa chạy, vừa khóc thét. Trong chớp mắt mọi thứ đều chìm trong bóng tối đến kinh hãi. Sau khi anh em trấn tĩnh thì tập hợp lại có 12 người mắc kẹt bên trong hầm. Thời gian đầu bị mắc kẹt, có công nhân khóc, có người than vãn sập hầm thế này chắc không thể nào thoát ra được. Nó quá đỗi kinh khủng. Đói, lạnh, mọi người bắt đầu tuyệt vọng. Tôi đã thuyết phục, động viên anh em hãy yên tâm. Chắc chắn mình sẽ được cứu”.

Ông Nguyễn Xuân Tiến - Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng tặng hoa và cảm ơn lực lượng Công binh
đã tham gia giải cứu thành công 12 nạn nhân vụ sập hầm.

Bên cạnh, anh Nguyễn Anh Tuấn (24 tuổi, quê Hương Khê, Hà Tĩnh) góp thêm: "Lúc đất đá đổ sập xuống, bít kín đường hầm tối om, em hoảng lắm, kêu gọi mọi người xem có ai bị đất đá đè không. Sau đó mọi người tập trung lại mới biết có tất cả 12 người bị kẹt. Lúc đầu mọi người đều nghĩ chắc chỉ bị sập mấy mét, anh em bên ngoài đào bới chừng vài tiếng là cứu được, nhưng chờ mãi không thấy động tĩnh gì. Mọi người đều hết sức lo lắng nhưng hầu như không ai nói ra, cứ động viên nhau. Ở trong hầm lúc này có xe trộn bê-tông đậu nên mọi người kéo nhau lại trèo lên đó ngồi chờ. Lúc này xung quanh tối đen như mực, yên ắng không một tiếng động, em đã nghĩ rằng có lẽ mình chết ở đây. Nghĩ thương bố mẹ, nước mắt muốn trào ra nhưng cố nén vì sợ ảnh hưởng đến mọi người. Em chưa có gia đình, xa quê đi làm ăn để kiếm tiền gửi về giúp bố mẹ, giờ chưa giúp được gì! Không biết ở nhà có biết tin không? Biết có cơ hội trở ra để báo hiếu bố mẹ hay không? Bao nhiêu câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu”.

Ngừng một lúc vì quá xúc động, anh Tuấn tiếp: "Cho đến khi thấy tiếng động của mũi khoan xuyên vào, mừng như phát điên, tưởng là được cứu ra ngay nhưng mọi người nói rằng chờ chút thời gian nữa. Ai cũng hồi hộp, dồn về phía cửa hầm, nhưng rồi chờ mãi, chờ mãi... Có lúc em đã tuyệt vọng. Em là thanh niên, còn khỏe nên cùng anh Nam thường xuyên ra lấy đồ ăn tiếp tế, có lúc lội nước ngập ngang ngực, ăn vào rồi nhưng lạnh quá lại ói ra, nghĩ đời mình chắc kết thúc ở đây. Những lúc như vậy lại được nghe tiếng nói chuyện của các anh em bên ngoài, lại thêm hy vọng”.

Ông Đoàn Văn Việt - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, thăm hỏi, động viên công nhân
đang điều trị tại bệnh viện.

Chị Nguyễn Thị Hồng Ngọc (26 tuổi, quê Nghệ An), nữ nạn nhân duy nhất bị mắc kẹt, kể lại: "Em là nữ nên được ưu tiên ngồi chỗ tốt nhất trên xe, không phải làm gì và luôn được mọi người động viên. Ngồi trong hầm tối, điều em nhớ nhiều nhất là đứa con trai 4 tuổi. Mới cách đây 1 tháng em về thăm con, giờ thấy thương nó quá chừng! Những lúc như vậy các anh em lại động viên, nói chuyện cho nguôi ngoai. Em may mắn là được nói chuyện với chồng 4 lần qua ống thông nên cũng biết được mọi người đang cố gắng và quyết tâm cứu chúng em nên cũng yên tâm. Nhưng khi ngồi một mình thì bao nhiêu ý nghĩ đáng sợ cứ quanh quẩn trong đầu. Suốt ngần ấy thời gian hầu như không ai ngủ, chỉ khi nào mệt quá thì gục đầu lên xe nhắm mắt một chút, nhưng cũng sợ vì nhắm mắt rồi không biết có mở ra nữa không?

“Trong màn đêm, chúng tôi hy vọng và chờ đợi lực lượng bên ngoài sẽ thông hầm vào cứu. Và niềm hy vọng đó đã trở thành hiện thực sau 12 tiếng đồng hồ, phía trong hầm có những âm thanh vang lên do lực lượng cứu hộ khoan hầm. Một mũi khoan hơi vào nơi khu vực hầm sập. Lúc đó, mọi người ai nấy mừng rơi nước mắt và nghĩ mình chắc chắn sẽ được cứu. Sau đó, sữa và thức ăn được chuyền qua đường ống này để tiếp sức chúng tôi. Phía bên ngoài thông báo chúng tôi sắp được cứu”, anh Phạm Viết Nam (40 tuổi, quê Nghệ An) kể.

Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ sập hầm.

Trong hầm tối, lạnh, nước lại dâng cao khiến mọi người vô cùng hoảng sợ. Nói về thời khắc này, anh Hoàng Anh Văn (34 tuổi, quê Nam Định) cho biết: “Lúc ấy chúng tôi đã nghĩ đến tình huống nếu nước tiếp tục dâng cao đến nóc trần hầm thì anh em sẽ đu vào những mảnh ván trong hầm bơi cầm cự được lúc nào hay lúc đó. Thực lòng, tôi đã nghĩ đến cái kết bi đát, nhưng còn hy vọng thì mình phải chiến đấu”...

Và, như đã biết, 16 giờ 35 ngày 19-12 - thời khắc sẽ đi vào tâm trí của tất cả những ai có mặt tại hiện trường vụ sập hầm công trình thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo và những người dân luôn quan tâm theo dõi, hướng về các nạn nhân trong suốt những ngày qua: Tất cả 12 công nhân đã được giải cứu an toàn. Niềm vui vỡ òa, những dòng nước mắt hạnh phúc đã rơi...

Lê Kiên