Chuyện người bỏ phố lên rừng

Thứ năm, 20/12/2018 16:00

Trong những năm qua, việc phát triển rừng trồng với những loại cây gỗ nhỏ, như: bạch đàn, keo lá tràm… đã mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho người nông dân. Tuy nhiên, việc trồng cây gỗ nhỏ chỉ được xem là giải pháp tạm thời, giải quyết bài toán kinh tế trước mắt và xét về lâu dài vẫn còn nhiều hạn chế trong việc cải tạo đất, chống biến đổi khí hậu…Theo khuyến cáo của các nhà chuyên môn, để phát triển rừng theo phương thức lâu dài, bền vững và nâng cao giá trị kinh tế rừng cần phải chuyển từ việc trồng cây gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn. Thực hiện tâm nguyện của mình, anh Nguyễn Hữu Hoàng (1969), trú P. Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu trở về quê  tại thôn Trường Định, Hòa Liên, Hòa Vang, TP Đà Nẵng tự bỏ vốn mua lại rừng của một số người dân, lập hồ sơ dự án trình các cấp phê duyệt để trồng rừng cây gỗ lớn với diện tích hơn 79 ha thuộc khoảnh 1, tiểu khu 22, Hòa Liên với 2 loại cây bản địa là Lát hoa và Xoan nhừ. Theo tìm hiểu, anh Hoàng là người con của quê hương Trường Định. Sau khi lớn lên, Hoàng rời quê xuống phố làm ăn. Với công việc kinh doanh các mặt hàng lâm sản, Hoàng sớm nhận ra các loại gỗ bản địa Việt Nam có chất lượng tốt gấp nhiều lần gỗ các nước khác. Tuy nhiên, những năm trước đây việc khai thác diễn ra ồ ạt nên tài nguyên rừng ngày càng cạn kiệt, trở thành tác nhân gây nên nhiều thảm họa khác, như sạt lở đất, lũ lụt… làm cho cuộc sống người dân ngày càng khó khăn.

Anh Nguyễn Hữu Hoàng (bên phải) đang kiểm tra diện tích rừng vừa được trồng.

Làm giàu từ việc buôn bán các loại hàng lâm sản, Hoàng sớm nhận ra bản thân mình cũng có một phần lỗi trong việc làm cho rừng quê mình chóng nghèo đi. Để “trả nợ” cho rừng, đầu năm 2018 Nguyễn Hữu Hoàng quyết tâm bỏ phố về quê trồng cây, gây rừng. Với nhiều người, chuyện anh Hoàng trồng rừng cây gỗ lớn là chuyện khó tin vì nếu trồng cây gỗ nhỏ dễ có lãi, nhanh thu hồi vốn. Hơn nữa, dự án trồng rừng của Hoàng mang tính dài hơi phải 20 đến 30 năm sau cây mới cho gỗ, có thể thu hoạch và vốn đầu tư cũng quá lớn. Tuy nhiên, những khó khăn đó không làm nhụt chí của người đàn ông có ý tưởng “trả nợ cho rừng”. Được sự hậu thuẫn, đồng tình từ vợ con, anh lặn lội ra tỉnh Thanh Hóa tìm mua giống từ Công ty CP giống lâm nghiệp. Tháng 10-2018, những cây giống đầu tiên được vận chuyển về Hòa Liên và khi những cơn mưa đầu mùa năm 2018 xuất hiện cũng là lúc những cây con bắt đầu bén rễ, vươn những lá đầu tiên trên  diện tích gần 50 ha. Anh Hoàng cho biết, với diện tích rừng này sẽ tạo thu nhập ổn định cho 10 lao động và sau 20 năm sẽ có giá trị gỗ thương phẩm khoảng 300 đến 500 tỷ đồng nhưng điều đặc biệt là trả lại cho rừng màu xanh vốn có của nó và tạo ra sự cân bằng sinh thái, nâng độ che phủ, bảo vệ  nguồn nước…Ông Phan Thế Dũng-Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng, đánh giá: đây là mô hình trồng cây gỗ lớn đầu tiên tại TP Đà Nẵng nhằm tạo ra những cánh rừng cây gỗ lớn, giống bản địa phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương mang tính ổn định, lâu dài nhằm góp phần cải thiện môi trường sống. Hiện ngành đang nghiên cứu, đề xuất lãnh đạo thành phố có cơ chế để hỗ trợ người dân và mở rộng mô hình này trên địa bàn toàn thành phố. Theo ông Đặng Phú Hành-Phó Chủ tịch UBND H. Hòa Vang: về lâu dài, việc trồng cây gỗ lớn sẽ đem lại lợi ích lớn cho người dân vừa phục vụ cho mục đích nâng cao độ che phủ rừng, tạo cảnh quan môi trường…Vì thế, chính quyền địa phương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, doanh nghiệp thực hiện dự án.   

Từ bỏ việc kinh doanh chốn phố thị để lên rừng trồng cây gỗ lớn của anh Nguyễn Hữu Hoàng đã chứng tỏ được tư duy về phát triển kinh tế đang dần một thay đổi theo hướng bền vững hơn. Mạnh dạn đầu tư trồng cây bản địa để phát triển rừng theo hướng lâu dài sẽ tạo ra khối lượng vật chất mang tính bền vững và phát huy được thế mạnh vốn có của rừng… Với những ưu điểm đó, các cấp chính quyền cần chung tay với người dân, doanh nghiệp để rừng chúng ta ngày càng xanh tươi.

M.T