Chuyện người con gái Châu Sơn

Thứ hai, 13/02/2017 09:32

* Kỳ 1: Cô gái "đi ở"

(Cadn.com.vn) - Trên tấm Bia di tích tại ngã tư Chợ Cồn TP Đà Nẵng có ghi:  "13 giờ ngày 9-2-1971, chiếc xe Jeep chở tên trưởng ban mật vụ "Nha Cảnh sát Vùng 1 chiến thuật" cùng 2 sĩ quan an ninh ngụy đã bị nổ tung tại ngã tư chợ Cồn TP Đà Nẵng.Chiến công diệt ác này do đồng chí Hồ Thị Phương, chiến sĩ ban An ninh quận III TP Đà Nẵng đã mưu trí tiếp cận gài chất nổ dưới gầm xe của chúng". Người chiến sĩ an ninh nội thành Đà Nẵng đã lập nên chiến công vang dội ngày đó quê ở  thôn Châu Sơn, xã Điện Tiến, Điện Bàn (Quảng Nam)...

Ông Trần Công Dũng và Đặng Văn Khá, những người giao nhiệm vụ
cho cô bé "giúp việc" Hồ Thị Phương.

Căn cứ vùng lõm K20, P.Bắc Mỹ An, quận 3, Đà Nẵng (cũ) là một địa bàn có vị trí chiến lược để đánh địch ngay trong lòng  Đà Nẵng nên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Đà giao cho Quận ủy và Ban An ninh quận 3 (BANQ3) tập trung xây dựng mạng lưới cơ sở bí mật đồng thời tiến hành nhiều biện pháp nghiệp vụ nhằm bảo vệ và đưa cán bộ từ bên ngoài vào đây để lãnh đạo trực tiếp phong trào cách mạng. Ngược lại địch cũng xác định nơi đây là địa bàn xung yếu, có vị trí hết sức quan trọng trong việc phòng thủ, do đó chúng tăng cường các lực lượng, binh chủng ngày đêm lùng sục đàn áp rất ác liệt. Đặc biệt, sau Tết Mậu Thân 1968, địch điên cuồng mở nhiều đợt càn quét nhằm tìm và diệt các cơ sở cách mạng, bắn giết bất cứ những người dân nào chúng nghi là cộng sản. Trong thời gian này, tại khu vực P. Bắc Mỹ An cũng như các xã vùng đông H. Hòa Vang thường xuất hiện một số người lạ mặt đi rao bán đủ thứ hàng rong, cắt tóc dạo, thả lưới, câu cá... Họ lùng sục hầu hết các ngõ ngách, xóm thôn và chỉ ít ngày sau đó  một số hầm bí mật của ta bị địch phát hiện, không ít cơ sở cách mạng bị bắt bớ, tra tấn dã man. Từ nghi vấn số người lạ mặt này có nhiều khả năng là bọn thám báo, chỉ điểm, mật báo viên của địch tung về các vùng ven để theo dõi, nắm tình hình hoạt động của cách mạng, do đó BANQ3 cử các trinh sát  hóa trang dưới nhiều dạng khác nhau bí mật theo dõi số người lạ mặt này. Sau một thời gian dày công bám theo mọi di biến động của một số đối tượng, các trinh sát phát hiện đa số những người đi bán hàng rong, cắt tóc dạo, thả lưới.... đều tập trung về khu gia đình bên cạnh khu gia binh An Cư 3, P. An Hải Đông, quận 3, Đà Nẵng. Đây là khu gia đình, vợ con các đối tượng chính trị của chính quyền Sài Gòn sinh sống, trong đó có nhiều sĩ quan và không ít đối tượng giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy ngụy quyền tại Đà Nẵng, được lực lượng dân vệ và nhiều sắc lính lăm lăm súng ống bảo vệ nghiêm ngặt. Đến đây, BANQ3 có cơ sở kết luận những kẻ giả dạng đi bán hàng rong, cắt tóc... chính là những tên chỉ điểm hết sức nguy hiểm đối với phong trào cách mạng.

Chạng vạng tối một ngày đầu năm 1970, các ông Đặng Hồng Vân, Bí thư Quận ủy quận 3, Đặng Văn Khá, Trưởng BANQ3 và ông Trần Công Dũng, Đội trưởng trinh sát vũ trang, BANQ 3 ra cánh đồng Hồ Tre, An Thượng, Bắc Mỹ An nắm tình hình địch và đào hầm bí mật để ẩn nấp mỗi khi lâm vào tình huống khó khăn. Trong bóng đêm bao phủ, cánh đồng hiu hắt, vắng tanh, chỉ râm ran tiếng ếch nhái xa xa vọng lại đều đặn, ông Vân và ông Dũng giật thót khi thấy lờ mờ trong rặng tre phía trước mặt cách mình vài mét thấp thoáng bóng người. Ông Dũng chĩa súng, nói như hét: "Đứng im, giơ tay lên!". Tiếng hô như vỡ toạc màn đêm yên ắng, làm cho kẻ lạ mặt hoảng hốt vứt vội chiếc cần câu rồi giơ  hai tay lên trời. Qua kiểm tra thì chiếc cần câu không có...lưỡi, đồ mồi để câu cá cũng không có? Ngoài giấy căn cước do ngụy quyền Sài Gòn cấp, kẻ lạ mặt còn có tấm thẻ mang những dòng chữ rất lạ, khó hiểu: "Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Cơ quan phát triển kinh tế cấp cho đương sự... Nếu ai giả mạo giấy này sẽ bị xử phạt khổ sai hoặc tử hình".  Tiếp tục đấu tranh khai thác thì kẻ này chính là một thám báo cực kỳ nguy hiểm và hắn đã từng chỉ điểm cho bọn lính địa phương quân, cảnh sát phá vỡ không ít hầm bí mật của cán bộ cách mạng. Gia đình hắn cũng đang ở tại khu An Cư 3, P. An Hải Đông. Để có điều kiện nắm lai lịch toàn bộ những tên thám báo, chỉ điểm tại khu vực An Cư 3, Ban An ninh tỉnh giao cho ông Đặng Văn Khá  đưa nữ trinh sát trẻ đẹp Hồ Thị Phương, cô gái mới bước qua tuổi trăng tròn của thôn Châu Sơn, xã Điện Tiến, Điện Bàn, Quảng Đà tiếp cận ở cự ly gần mới nắm rõ được tổ chức địch. Với  vỏ bọc là người "lánh nạn cộng sản" từ quê nghèo rơm rạ ra,  Hồ Thị Phương được tung vào ở trong nhà một người quen gần khu gia binh An Cư 3, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của bà Mai Thị Luận, Phó BANQ3. Sau một thời gian ngắn, Hồ Thị Phương làm quen  một người đàn bà đầy thế lực, là vợ của một sĩ quan ngụy tại khu An Cư 3, thường buôn bán đô-la Mỹ.  Từ sự quen biết này, BANQ3 cung cấp cho Phương một số tiền để dễ dàng giao dịch, quan hệ với bà ta, từ đó nắm khá rõ mạng lưới thám báo, chỉ điểm của địch.  Một hôm, Hồ Thị Phương nói với người đàn bà buôn bán đô-la:

-Chị ơi! Bây giờ vốn em bị thâm hụt quá, chắc có lẽ phải nghỉ buôn bán thôi, mà nghỉ thì không biết lấy cái chi ăn, hay là chị biết ai cần người ở chị tìm giúp cho em!

-Được rồi, để chị hỏi thử cho- người đàn bà buôn bán  đô-la vui vẻ nhận lời giúp đỡ.

Vài ngày sau, bà ta dẫn Phương tới giới thiệu một gia đình ở gần đó cần người giúp việc. Đây là gia đình chỉ có hai ông bà già, tuổi ngoài thất thập.  Ngắm nhìn người con gái đang mơn mởn sức xuân, ăn nói nhỏ nhẹ, dịu dàng, toát lên vẻ hiền thục, lanh lợi, hai ông bà nhận Phương ngay. Hàng ngày Phương tỏ ra rất siêng năng đối với công việc của một người giúp việc, dần dà đã chiếm được sự thương yêu, quý mến của gia chủ, song họ đâu biết rằng người con gái của thôn Châu Sơn "đi ở" là làm theo mệnh lệnh của trái tim tràn đầy bầu nhiệt huyết về lòng yêu nước thiết tha, với mục đích nắm thật sâu vào hang ổ của kẻ thù. Trong thời gian làm người giúp việc,  Phương phát hiện ngôi nhà đối diện cổng kín, cao tường có nhiều dấu hiệu khác thường. Sáng nào người đàn ông khoảng ngoại tứ tuần, ăn mặc lịch lãm, giày bóng loáng bước lên chiếc xe jeep nhà binh sang trọng đi làm, trưa, chiều tự tay lái xe về nhà, buổi tối thường có nhiều người mặc trang phục dân sự tụ tập tại nhà đến tận khuya. Ngày chủ nhật thường có xe của sĩ quan Mỹ tới nhà người đàn ông này ăn uống, nhậu nhẹt. Những dấu hiệu lạ được Phương tìm cách bí mật báo với ông Đặng Văn Khá và bà Mai Thị Luận. Nhận định có nhiều khả năng đây là "con cá lớn" trong bộ máy đàn áp của ngụy quyền Sài Gòn nên trong một lần gặp Hồ Thị Phương, ông Đặng Văn Khá giao nhiệm vụ:

-Phải hết sức cẩn thận và cảnh giác Phương nhé! Có lẽ người đàn ông đi xe jeep đó có "mũ" rất bự của địch nên cần phải tiếp tục điều tra kỹ về lai lịch của hắn. Trước mắt em phải nắm cho được họ, tên thật, quê quán của hắn rồi sau đó tiếp tục khai thác thêm về vai trò của hắn trong hàng ngũ địch. Việc này rất khó khăn, phức tạp, nếu sơ sút một tý ắt bị lộ và cái giá phải trả sẽ đến với chúng ta.

-Em xin hứa với Ban, với tổ chức sẽ cố gắng hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nếu trong quá trình hoạt động bị bại lộ, địch bắt giữ, tra tấn, nhục hình dù tàn bạo, dã man đến mấy em cũng xin thề thà hy sinh chứ dứt khoát không khai báo đâu, anh hãy tin tưởng em-Hồ Thị Phương nói với ông Đặng Văn Khá giọng đầy vẻ cương quyết.

Mỗi buổi sáng hàng ngày, người con trai của ông bà chủ thường chở đứa con gái về gửi cho ông bà chăm sóc, chiều tối mới đến đón về. Nhìn cháu bé lẫm chẫm từng bước, Phương chợt nghĩ ra cách để tiếp cận với ngôi nhà có người đàn ông bí ẩn kia. Thế là hàng ngày sau khi làm xong mọi công việc của người "đi ở", Phương thường dắt cháu bé đi chơi để có điều kiện qua lại trước ngôi nhà của người đàn ông lạ. Chẳng bao lâu chị đã làm quen được với 2 cô con gái và bà vợ của người đàn ông nọ. Cánh cổng kín bưng của ngôi nhà phía đối diện dần dần hé mở để đón Phương ra vào như người trong gia đình. Một lần thấy Phương dắt cháu bé dạo chơi ở phía trước, cô con gái lớn vẫy tay gọi:

-Chị Phấn, chị Phấn! Vào nhà em chơi (Hồ Thị Phương được đổi tên thành Hồ Thị Phấn theo giấy căn cước giả trước khi được cài cắm vào).

Vào nhà, nhìn khắp căn nhà được trang hoàng khá sang trọng, Phương tranh thủ khai thác:

-Ba em tên gì? Làm việc ở đâu?

-Chị không biết thật hả? Ba em là H.D, làm việc với mấy ông cố vấn Mỹ bên Trung tâm thẩm vấn Thanh Bình. Chứ chị không thấy hàng tuần đều có nhiều cố vấn Mỹ từ bên tê (bờ tây sông Hàn) qua nhà làm việc với ba em đó sao?-cô con gái trả lời thật thà.

Phương cố làm ra vẻ không tin lời nên cô bé  nắm tay chị dắt vào căn phòng phía trong, kéo tấm màn, chỉ vào tấm bản đồ to tướng trên tường:

-Ba em thường cầm cây chỉ vào tấm bản đồ này với mấy ông cố vấn Mỹ đó.

Rồi cô bé mở tủ chỉ chiếc áo ngắn tay trắng đục, có đeo cầu vai màu đen, một sọc vàng ở giữa và mỗi cầu vai đều gắn 3 bông hoa mai màu bạc và lá liễu trên ve áo rồi nói:

-Ba em làm lớn lắm, chị thấy chưa? Cái áo này ba chỉ mặc để đi dự lễ thôi.

Liếc nhìn tờ giấy được đặt trên bàn làm việc, Phương đọc vội dòng chữ đánh máy: "Kính gửi ngài H.D, Trưởng ban mật vụ Nha Cảnh sát vùng I chiến thuật...".

Thái Mỹ
(còn nữa)