Chuyện người cựu tù Phú Quốc

Thứ ba, 24/05/2022 17:53
Dẫu đã 72 tuổi, cựu chiến binh Nguyễn Hữu Sơn ở phường Phước Ninh (Hải Châu, Đà Nẵng) vẫn tích cực tham gia các chương trình gặp mặt nhân chứng lịch sử. Những chuyện kể của ông về cuộc đấu tranh trong lao tù đế quốc có tác dụng sâu sắc về giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. 
Ông Sơn và biểu trưng lưu niệm Hội nghị gặp mặt các đồng chí tham gia cấp ủy trong nhà tù và trại giam của địch thời kỳ chống Mỹ cứu nước, do Ban Bí thư Trung ương tổ chức vào tháng 12-2014.
Ông Sơn và biểu trưng lưu niệm Hội nghị gặp mặt các đồng chí tham gia cấp ủy trong nhà tù và trại giam của địch thời kỳ chống Mỹ cứu nước, do Ban Bí thư Trung ương tổ chức vào tháng 12-2014.

Lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở xã Đại Quang (Đại Lộc, Quảng Nam), ông Sơn tham gia lực lượng du kích xã khi mới 15 tuổi. Sau đó, ông trở thành chiến sĩ Tiểu đoàn V25 Quảng Đà, rồi cán bộ của Đại đội Đặc công Biệt động Lê Độ. Hồi ấy, ông tham gia nhiều trận đánh trên chiến trường Quảng Đà, cùng đồng đội bao phen làm quân thù khiếp sợ. Ông nhớ mãi đêm đơn vị vượt sông Cẩm Lệ tấn công chi khu Hòa Châu vào mùa hè năm 1968. Trận đánh máu lửa tại thôn Giáng Đông, xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) trong Chiến dịch X2 năm ấy còn khắc sâu trong lòng ông hình ảnh hàng trăm đồng đội kiên cường chiến đấu hy sinh giữa vòng vây của Mỹ, ngụy. Ngày 5-12-1969, trong khi làm nhiệm vụ chuẩn bị hành lang tại xã Bình Giang (Thăng Bình, Quảng Nam), ông đã bị sa vào tay giặc.

Mặc dù bị địch tra tấn dã man nhưng ông Sơn vẫn một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng, không hề khai báo nửa lời. Chúng chuyển ông qua nhiều lao tù, rồi đày ra nhà lao Phú Quốc vào ngày 19-5-1972. "Tôi và hơn 600 anh em tù binh bị địch đưa lên tàu vận tải tại Cảng Quân sự Đà Nẵng, hầu hết bị chúng còng tay. Tàu chạy liên tục 7 ngày đêm mới đến Phú Quốc. Chúng tôi rỉ tai động viên nhau vững vàng bước vào cuộc chiến đấu mới ở nơi địa ngục trần gian", ông Sơn nhấn mạnh.

Tại Phú Quốc, ông Sơn bị giam ở phân khu 11 trong khu A là khu dành cho tù binh từ Đà Nẵng ra, nhưng bọn cai ngục gọi là trại giam "Phiến quân Cộng sản". Hằng ngày, quân thù hung hăng đánh đập, tra khảo, hành hạ tù nhân với nhiều cực hình man rợ và nhiều đồng chí đã hy sinh. Đảng ủy trại giam lãnh đạo tù nhân kiên quyết phản đối. Nhiều cuộc đấu tranh nổ ra. Những tiếng hô "đả đảo" vang to, kéo dài. Nhiều cuộc tuyệt thực, nhiều người tự mổ bụng phản đối, yêu cầu Mỹ, ngụy thực hiện đúng Công ước quốc tế về tù binh chiến tranh. Có những lần quân thù nhượng bộ, nhưng cũng lắm phen chúng điên cuồng đàn áp, đánh đập, ném lựu đạn cay, bỏ đói, không cấp nước uống… Máu của tù nhân loang đỏ khắp nơi, bắn cả lên mặt bọn cai ngục.

Khi còn ở Trại tù binh Non Nước, ông Sơn đã được bầu làm Bí thư chi bộ. Đến Phú Quốc, ông vẫn tiếp tục làm Bí thư chi bộ và được bầu vào Ban chấp hành Liên chi ủy, phụ trách thanh niên. Hội họp hoàn toàn không có ghi chép, chỉ bằng cách rỉ tai nhau, nhưng nghị quyết của chi bộ, từng đảng viên, đoàn viên đều nghiêm chỉnh thực hiện, dù có phải đầu rơi máu chảy. Bọn địch âm mưu dùng cụm từ "Phiến quân Cộng sản" hòng dễ bề đàn áp và bắt tù binh đi làm tạp dịch như dồn bao cát, đào công sự, đan lưới thép gai. Anh em tù nhất quyết đấu tranh, khẳng định mình là tù binh chiến tranh chứ không phải "Phiến quân Cộng sản"! Ông Sơn nhớ rõ: "Bọn địch dùng dùi cui, lưỡi lê, súng đạn cưỡng ép những người trong tay không một tấc sắt, nhưng chúng tôi vẫn kiên quyết tiến hành nhiều cuộc đấu tranh, tuyệt thực, mổ bụng để phản đối"…

Vị nhân chứng lịch sử kể lại việc anh em kịp thời phát hiện tên chỉ điểm và đã tổ chức trùm mền đánh hội đồng. Các chi bộ đều mạnh tay trừng trị những tên chỉ điểm để bảo vệ tổ chức Đảng đang hoạt động trong nhà tù. Đặc biệt, đồng chí Võ Đức Niên, chiến sĩ Đội Quân giới 74 Quảng Đà, cùng phòng giam với ông Sơn, theo chỉ đạo của cấp ủy đã bí mật làm một loại vũ khí nhỏ gọn, trang bị cho những đồng chí lãnh đạo trong tù nhằm sẵn sàng sống mái với quân thù khi cần thiết. "Trong cuộc đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ năm 1972, anh Võ Đức Niên đăng ký với chi bộ mổ bụng đấu tranh và anh đã dùng dao tự mổ bụng mình trước mắt bọn cai ngục. Hành động dũng cảm của anh Niên đã làm địch chùn tay và chấp nhận một số yêu sách của ta", ông Sơn khẳng định…

Ngày 17-3-1973, ông Sơn và nhiều bạn tù được trao trả tại Tây Ninh theo tinh thần Hiệp định Paris. Người cựu tù Phú Quốc lại tiếp tục chiến đấu và hăng hái tham gia làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Ông về hưu năm 2008 với quân hàm đại tá và nhiều năm công tác tại Hội CCB thành phố Đà Nẵng. Hiện nay, dù đã 72 tuổi, ông vẫn nhiệt tình công tác với cương vị Phó Chủ tịch Hội Tù yêu nước thành phố Đà Nẵng, Bí thư chi bộ khu dân cư An Lạc 1 phường Phước Ninh (quận Hải Châu). Ông được chọn đi dự Hội nghị gặp mặt các đồng chí tham gia cấp ủy trong nhà tù và trại giam của địch thời kỳ chống Mỹ cứu nước, do Ban Bí thư Trung ương tổ chức hồi tháng 12-2014. Thời gian qua, nhiều lần ông Sơn được mời tham dự các buổi gặp mặt nhân chứng lịch sử. Những chuyện kể của ông về cuộc đấu tranh trong lao tù đế quốc có tác dụng sâu sắc về giáo dục lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ".

LÊ VĂN THƠM