Chuyện quanh ly trà sữa

Thứ sáu, 17/11/2017 08:34

Những năm gần đây, Đà Nẵng và nhiều nơi trong cả nước xuất hiện trào lưu dùng trà sữa, khách hàng đông nhất là các bạn trẻ. Những tối cuối tuần, bạn trẻ rồng rắn hoặc có khi phải ngồi chờ vài chục phút để sở hữu ly trà sữa là chuyện thường thấy.

 Cuộc sống thay đổi từng ngày, việc tiếp thu, thừa nhận, sử dụng hay đơn giản là thích nghi với cái mới là cần thiết. Qua tìm hiểu được biết, trà sữa xuất hiện ở Đài Loan (TQ) từ những năm 1980, ban đầu chỉ là sự tình cờ trong việc pha sữa vào ly trà đá để dùng thử và được xem là hương vị mới lạ. Với hương vị thơm ngon, dễ uống và cũng dễ gây nghiện, trà sữa có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, lượng tiêu thụ trà sữa đang ngày càng tăng.

Nếu chuyện chỉ dừng lại ở đó thì chẳng có gì đáng bàn.

Theo dõi thông tin xung quanh ly trà sữa, thật không khỏi giật mình khi được biết đằng sau cốc trà sữa thơm ngon, sặc sỡ ấy là những “bí mật” về chiêu thức kinh doanh siêu lợi nhuận. Thật đáng lo ngại khi các chuyên gia về dinh dưỡng, y tế cho rằng do sản xuất, chế biến ở một số nơi không đảm bảo an toàn dẫn đến việc dùng trà sữa gây thiếu hụt dinh dưỡng trầm trọng, nếu sử dụng quá lâu và quá nhiều thì hệ thống cơ quan lọc chất thải, chất độc trong cơ thể như gan và thận sẽ bị tổn thương nặng nề. Các nghiên cứu dài hơi còn cho thấy trà sữa là một trong các thủ phạm ảnh hưởng đến chất lượng nòi giống, ảnh hưởng xấu đến lục phủ ngũ tạng,  gây ra các căn bệnh nan y.

Dùng công cụ tìm kiếm, với cụm từ khóa “tác hại của trà sữa”, chỉ trong 0,43 giây đã có đến 288.000 kết quả. Điều đó chứng tỏ “sức hút” của trà sữa với cộng đồng mạng  “nóng” như thế nào...

Nói vậy thì thức uống trà sữa có nên tồn tại hay không? Có đáng, có cần thiết để thu hút đông đảo bạn trẻ như vậy hay không? Tiếc thay chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm đứng ra công bố rõ ràng điều này. Các quán trà sữa vẫn nườm nượp khách trong khi các trang mạng vẫn ra rả về tác hại, các chuyên gia vẫn dõng dạc cảnh báo nguy cơ... Với thực trạng này thật khó có thể đào đâu ra được “người tiêu dùng thông thái” khi giữa lý thuyết và thực tiễn đối chọi nhau chan chát như thế nhưng vẫn song hành tồn tại. Người tiêu dùng không biết đâu mà lần, còn nhà kinh doanh không biết việc mình đang làm đúng hay sai, có được cổ súy hay sẽ phải dẹp tiệm?

Trong khi đó, thời gian qua khi kiểm tra phát hiện trà sữa có tạp chất hại sức khỏe, có ý kiến đổ lỗi rằng thực phẩm không an toàn có xuất xứ từ... nước này nước nọ để lái dư luận ngầm hiểu trách nhiệm không thuộc về họ. Phải thẳng thắn nhìn nhận lỗi chính thuộc về những cá nhân, cơ quan chức năng cho nhập hoặc không thể ngăn chặn thực phẩm không an toàn thẩm lậu vào Việt Nam. Rồi sau đó cả trách nhiệm của một số người kinh doanh đã bất chấp các quy định về VSATTP, bằng mọi giá hướng đến lợi nhuận đơn thuần. Thiết nghĩ đối với các loại thực phẩm đang tiêu thụ mạnh nhưng có dư luận xấu cần phải có biện pháp thích hợp làm công tác hậu kiểm, vào cuộc quyết liệt, sớm công bố kết quả để không ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh nếu thực sự không nguy hại. Còn nếu phát hiện không đảm bảo ATTP thì kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm.

Đọc những thông tin trà sữa là một trong các thực phẩm không an toàn, không giấu giếm rằng tôi đã dành nhiều thời gian trăn trở suy nghĩ. Cùng với việc nêu ra thực trạng để thúc đẩy sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, tôi mong được mang đến các bạn trẻ một lời nhắn gởi: Các bạn có thể nhanh chóng thích ứng với cái mới, có thể sành điệu trong thưởng ngoạn, ăn uống, nhưng đừng vì “cái bẫy sành điệu” này mà chủ quan về sức khỏe trong tiêu dùng và sử dụng các loại thực phẩm.

NGUYỄN ĐỨC NAM