Chuyện từ tiếng còi xe

Thứ tư, 26/11/2014 07:27

(Cadn.com.vn) - Buổi sáng cách đây hơn tháng, mọi người đi trên đường Núi Thành (Đà Nẵng) ai nấy đều bất bình khi nghe tiếng còi inh ỏi cùng với tiếng động cơ ô-tô gào thét...

Trước mắt họ là chiếc xe buýt chạy tuyến Hội An - Đà Nẵng đang đánh võng, bất chấp đường phố đông người trong giờ cao điểm. Nhiều người luống cuống dạt vào lề đường chờ cho xe buýt đi qua. Có vẻ như anh lái xe này nghiễm nhiên xem đường phố là của riêng, chỉ lo chạy cho kịp giờ, kịp chuyến để thu lợi mà không cần biết mọi người xung quanh khổ sở như thế nào. Tôi bám theo và may mắn đuổi kịp khi chiếc xe này dừng lại bùng binh Trưng Nữ Vương – Trần Phú - Bạch Đằng và ghi hình...

Ở nhiều địa phương trong cả nước, hình ảnh khó nhìn về trật tự giao thông như vậy không khó tìm. Nếu như trên QL1A, các chuyến xe vào Nam ra Bắc lúc nào cũng bấm còi hơi đinh tai nhức óc phóng hối hả, vượt trái phép rồi đột ngột rít phanh đón khách; ở vùng ngoại ô, xe tải cơi nới trái phép chạy hộc tốc gây ra những vụ tai nạn kinh hoàng thì ở phố xá, tài xế taxi, người đi xe máy đột ngột rẽ, đột ngột quay đầu làm cho người đi đường hồn xiêu phách lạc diễn ra thường xuyên làm cho hoạt động giao thông trở nên bát nháo, tiềm ẩn nhiều tai họa. Những hành vi trên xuất phát từ lợi ích cá nhân, coi rẻ mạng sống của cộng đồng và sâu xa hơn, điều đó thể hiện văn hóa giao thông thấp kém dẫn đến việc cố tình vi phạm các quy tắc về TTATGT.

Thiết tưởng cũng cần nhắc lại con số thống kê xót xa: ở Việt Nam cứ mỗi ngày TNGT cướp đi sinh mạng của hơn 20 người và làm cho gần 70 người lâm vào cảnh tàn phế suốt đời. Di chứng TNGT là nỗi ám ảnh không thể xóa nhòa trong ký ức của mỗi người khiến xã hội cũng bị tổn thương nghiêm trọng. Hàng năm, gia đình nạn nhân và ngân sách quốc gia phải chịu thêm gánh nặng hàng ngàn tỷ đồng để khắc phục hậu quả của TNGT. Riêng tại TPĐN, mặc dù từ đầu năm 2014 đến nay TNGT đã giảm trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và bị thương), song vẫn còn xảy ra 161 vụ,  làm chết 86 người, 147 người bị thương. Trong đó qua phân tích của cơ quan chức năng, có đến 50% số vụ tai nạn do người điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ, sử dụng rượu bia, vượt đèn đỏ, không quan sát, đi không đúng phần đường, chuyển hướng sai quy định...

Trong chuyến công tác Thái Lan vừa rồi, một vị lãnh đạo Tòa soạn báo Thai New (ChiangMai) bất ngờ hỏi đồng nghiệp của Hội Nhà báo TP Đà Nẵng về những ấn tượng của ChiangMai, câu trả lời được đưa ra là: trong suốt một tuần lưu lại ChiangMai, đi thăm thú nhiều nơi, song điều thú vị là dường như không hề nghe tiếng còi ô-tô, xe máy trên đường. Sở dĩ có “chuyện lạ” đó là vì TTATGT rất đảm bảo, mọi người rất có ý thức tuân thủ các quy tắc về giao thông và điều đặc biệt là người điều khiển phương tiện rất lịch thiệp, từ tốn. Bởi vậy, tiếng còi xe dường như không còn cần thiết nữa. Đã thế mà đồng nghiệp ở Báo Thai New cho biết người dân ChiangMai vẫn chưa thực sự hài lòng về giao thông. Họ vẫn mong mỏi TTATGT phải tốt hơn nữa nhằm góp phần tạo dựng hình ảnh ChiangMai thật sự bình yên để thu hút du khách đến thành phố thân yêu của họ ngày càng nhiều hơn.

Tôi chợt nghĩ về Đà Nẵng và không khỏi nhói lòng nhớ lại tiếng tiếng còi ô-tô buýt hôm nọ. Chúng ta đã làm được rất nhiều điều để vươn đến mục đích xây dựng Đà Nẵng trở thành TP thanh bình, đáng sống, nhưng những điều chướng tai gai mắt ấy vẫn hiển hiện, không chỉ gây phản cảm mà còn tiềm tàng nỗi lo. Có rất nhiều tiêu chí để xây dựng thành phố thanh bình, đáng sống, trong đó có những tiêu chí không quá khó để thực hiện, vậy tại sao chúng ta chưa  làm được? Khi mỗi người tự giác nâng cao ý thức tuân thủ các quy định về giao thông, có cách hành xử phù hợp với văn hóa giao thông, văn minh đô thị, thì mong ước về một thành phố an lành không phải là ngoài tầm tay với. Đà Nẵng sẽ đáng yêu hơn rất nhiều khi dang tay đón bạn bè trong khung cảnh thanh bình. Chúng ta tự hào đã góp phần làm nên điều ấy và cũng chính chúng ta sẽ gặt hái, thừa hưởng những thành quả ấy, vậy thì không có lý do gì chúng ta trì hoãn thêm nữa!

Nguyễn Đức Nam