Chuyện về người công vụ của bác Tám Tâm

Thứ sáu, 20/04/2018 13:20

Trong một lần về chùa Phước Định, xã Đại Đồng (H.Đại Lộc, Quảng Nam) chúng tôi được nghe câu chuyện lạ: một doanh nhân đang thành đạt bỗng dưng quy y vào cửa Phật và làm nhiều việc có ích cho cộng đồng. Bước ngoặt thay đổi cuộc đời sư thầy bắt nguồn chính từ những ngày tháng làm công vụ cho một cán bộ lão thành ở Đà Nẵng. 

Đại đức Thích Nguyên Tịnh và khách vãn chùa.

Ấm áp tình cha

37 năm trôi qua, Đại đức Thích Nguyên Tịnh (thế danh Võ Ngọc Hậu) vẫn nhớ như in ngày mình từ núi về phố. Quê Tam Phước, Phú Ninh, Quảng Nam, đang làm công nhân lái xe cho một công ty mở đường Trường Sơn, năm 1981, chàng trai Võ Ngọc Hậu được lãnh đạo gọi lên giao nhiệm vụ mới. Đó là về lái xe kiêm công vụ cho đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ (còn được gọi là Tám Tâm), quê Điện Bàn, nguyên Thường vụ Khu ủy 5, đại biểu Quốc hội các khóa I, II, III và là Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội khóa VI, Huân chương Hồ Chí Minh. Lý do Hậu được chọn là có tính cẩn thận, điềm đạm, trẻ, chưa vợ con. Trong ngôi nhà ở đường Quang Trung, Đà Nẵng, vị lão thành đón anh với cái ôm ấm áp rồi vỗ vào lưng, nói khẽ: "Tốt rồi. Con ở đây với ta". Mồ côi cha mẹ từ thuở ấu thơ, chỉ sống với các anh trai, nên chàng trai xúc động trước tình cảm mới lạ. Từ lúc nào không hay, anh gọi ông bằng tiếng ba ngọt ngào... Ông Nguyễn Hồng Nam, con trai của đồng chí Tám Tâm đến bây giờ vẫn dành những tình cảm đặc biệt về người công vụ của ba mình: "Tôi là con trai duy nhất nhưng đi học xa, anh Hậu lo cho ba hết. Ba tôi thương lắm, nhận anh làm con nuôi. Sau khi ba mất, hàng năm vào ngày 2-9, anh đều về thắp hương, dù sau này đã quy y không còn gần nhà"...

Lúc ấy tuổi cao, không còn đảm nhiệm các chức vụ, nhưng cuộc sống của ông Tám Tâm vẫn không ngơi nghỉ. Ông nghiên cứu tài liệu, đi nói chuyện, hội thảo, họp hành, thăm, viếng đồng đội... Vợ ông làm ở Viện Kiểm sát tỉnh, công việc luôn bận rộn. Hàng ngày anh công vụ qua Bệnh viện C nhận tiêu chuẩn ăn uống bệnh nhân về cho thủ trưởng, đến Thông tấn xã lấy báo đọc cho ông nghe, lái xe đưa ông đi nếu có sự kiện. Hai thầy trò từng rong ruổi tận Nha Trang. Ông Tám Tâm hay sống với quá khứ. Những chuyến đi xa là dịp ông thường kể về ngày vào Đảng năm 1930, hai lần tù đày, chứng kiến đồng chí mình lần lượt hy sinh vì địch tra tấn hay thời gian hoạt động ở Tây Nguyên được đồng bào hết lòng che chở. Chính vì luôn đau đáu công lao của nhân dân đã cưu mang mà tuổi cao sức yếu, ông vẫn luôn về chiến trường xưa. Nhiều khi đến làng, thấy bà con rét lạnh, ông cởi áo ấm của mình cho họ dù chỉ có một cái trên người. Trà nước khi thủ trưởng tiếp khách, anh công vụ được dịp gặp các bác Võ Chí Công, Hoàng Minh Thắng, Phạm Đức Nam..., hiểu được điều mà các bậc lãnh đạo lo cho Đảng, cho dân. Bác Tám Tâm sau khi đi tập kết được tiêu chuẩn ở lại miền Bắc, được cấp xe, cấp nhà ở, song ông từ chối với lý do: "Nếu như nhận đi rồi để cho bà ấy ở cũng được nhưng bà ấy ở cơ quan. Tôi trở vào Nam biết có gặp vợ nữa không, lúc đó lại chưa có đứa con nào. Giống nòi là của cả dân tộc Việt Nam chứ riêng gì của ông Nhĩ...". Nghe câu chuyện ấy, Hậu thêm kính trọng đức độ của một người cộng sản chân chính.

Hành trình đến với cửa Phật 

3 năm sống trong tình thương của ba nuôi, từ một chàng trai non trẻ, Hậu dần trưởng thành. Năm 1983, bác Tám Tâm phải ra Hà Nội chữa trị ung thư. Trên giường bệnh khi còn minh mẫn, bác Tám kịp viết tờ giấy nhận xét gửi về Đà Nẵng cho người công vụ của mình. Đó là "giấy thông hành" vô cùng thuận lợi để Hậu bước vào cuộc sống mới, đi đâu cũng được mọi người thương yêu, giúp đỡ. Bác Tám mất sau đó, cấp trên bố trí chàng trai trẻ lái xe con, rồi xe Hải Âu chở khách. Chiếc xe trị giá 120 tấn lúa này cả thành phố chỉ vài chiếc. Tích cóp thời gian, Hậu mua luôn xe, chở công nhân qua Lào làm việc. Cả chục năm như thế, tiền bạc dồi dào, ông về quê vợ mở xưởng điêu khắc đá Hồng Hậu duy trì đến nay. Ông còn có nhân duyên là người đầu tiên đưa tượng Phật Quan Âm nặng gần 20 tấn theo tàu thủy qua Mỹ, sau đó là nhiều chuyến hàng khác. Người bạn Mỹ mộ đạo đặt hàng làm tượng sau này đã trở thành người bạn thân thiết của ông. Tri ân với các thế hệ tiền bối, không vì lợi nhuận, ông nhận công trình xây tượng đài nghĩa trang liệt sĩ Hội An và nhiều công trình khác khi mà thời điểm này tìm nguyên liệu rất khó khăn.

Khi được hỏi tại sao đang có cơ ngơi nhiều người mơ ước dưới chân núi Ngũ Hành lại quyết định quy y, Đại đức Thích Nguyên Tịnh khẽ khàng: "Hồi lái xe qua Lào, đường xấu lắm, cường độ đi liên tục, có lần xe đứt thắng, chỉ kịp dừng bên bờ vực. Nhiều lần khác nữa tôi đều thoát nạn. Cứ như bác Tám Tâm luôn dõi theo và phù hộ cho tôi. Tôi nghĩ rằng, mình được bác dành cho mọi sự tốt đẹp thì bây giờ phải làm gì đó cho đời. Với gia đình tôi đã tròn bổn phận. Vợ và 4 con có cuộc sống ổn định. Tôi không vướng bận gì nữa". Năm 2012, người cựu công vụ của bác Tám Tâm vào học một trường Trung cấp Phật giáo ở Tiền Giang suốt 4 năm. Ra trường, một dịp theo đạo hữu về Đại Đồng, nghe kể về nguồn gốc chùa Phước Định, ông quyết định làm trợ giúp cho sư trụ trì là Đại đức Thích Hạnh Quang, tuổi trên 80, sức khỏe đã yếu. Chùa nhỏ, cũ kỹ, nằm khuất trong xóm vắng, cơ sở vật chất hầu như không có gì. Hai sư thầy cứ thế nương tựa vào nhau... Đến thăm chùa hôm đó có cựu chiến binh Nguyễn Văn Cứ, trước từng làm ở Huyện đội Đại Lộc, là người sinh ra ở làng An Định này. Ông Cứ nói: "Chùa Phước Định có từ thời Pháp, không có sư nào đến, là nơi nhân dân tránh bom. Có lần quả bom nặng đến nửa tấn rơi ngay ngoài sân, ai nấy đều hú vía. Cùng với hang Dơi, đây là địa chỉ liên lạc, nơi che chở cho cán bộ đi về hoạt động. Năm 1969, địch phát hiện, ném bom hư một góc chùa. Từ khi thầy Bốn về trụ trì rồi bây giờ thầy Hậu, chùa thay đổi nhiều lắm, đẹp lên nhiều. Đạo hữu về đây đông dần. Các sư thầy còn giúp dân lúc thiên tai, ai cũng phấn khởi".

Đại đức Thích Nguyên Tịnh cho biết, chọn tu tại ngôi chùa có bề dày lịch sử trên vùng đất cách mạng, ông muốn tôn vinh di tích này. Từng hiểu nghề điêu khắc, ông tin sẽ tạo dựng nơi đây một gương mặt mới, là chỗ dựa tâm linh bình yên sống tốt đời đẹp đạo của người dân trong vùng. Trong đợt lũ cuối năm 2017, nhiều nhà bị mất sạch hoa màu, tài sản. Sư thầy đã vận động nhiều doanh nghiệp điêu khắc đá trước đây từng là bạn bè, anh em như Quốc Hiệp, Út Lan, Xuất Ánh, Vạn Thành và các nhà chùa ở Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh giúp đỡ tiền, gạo, quà, làm giếng nước với tổng trị giá gần 100 triệu đồng. Hiện nay nhiều đạo hữu có ý sẵn sàng hỗ trợ kinh phí tu bổ ngôi chùa, đồng thời tham gia các dự án vì cộng đồng. Vào cửa Phật khi nhận ra cuộc sống vô thường, Đại đức Thích Nguyên Tịnh đang có những ngày tháng ý nghĩa khi làm được điều mình ấp ủ là mang đạo đức sáng ngời của bác Tám Tâm đến với mọi người như đã từng nhận được thời trai trẻ. Cái thời ông từ núi về Đà thành sống ở ngôi nhà 87- Quang Trung...

HỒNG VÂN