Chuyện về người đẹp tỷ phú dính kỳ án
* Kỳ 1: Bị người tình tố cáo trộm cắp
(Cadn.com.vn) - Oan khiên ập xuống bất ngờ khiến bà Đào Thị Hồng (1967, trú Hải Thượng, H. Hải Lăng, Quảng Trị) rơi vào tận cùng tuyệt vọng. Là người tài, sắc, được biết đến là tỷ phú buôn rừng trồng tại Quảng Trị nhưng trớ trêu thay, trong phút chốc bà thành nghi phạm trộm rừng và bị VKSND H. Hải Lăng (Quảng Trị) phê chuẩn lệnh bắt giam. Kỳ án thu hút sự quan tâm của dư luận đã được tòa hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm tuyên không phạm tội trộm cắp tài sản, VKSND H. Hải Lăng cũng công khai xin lỗi, bồi thường oan sai. Những tưởng đã bình yên đã tìm lại, ai ngờ tháng 4-2014, bà tiếp tục tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vì nó “dính” một phần nội dung quan trọng của án oan năm nào.
Bà Hồng từ đứng vành móng ngựa nghe luận tội đến vị trí là nguyên đơn trong vụ yêu cầu xin lỗi và bồi thường oan sai. |
Sau nhiều thăng trầm nhưng người phụ nữ đối diện với chúng tôi dù không hề điểm chút phấn son nào vẫn đậm nguyên nét đẹp đằm thắm. Nếu trở lại thời điểm khi chưa bị bắt, lúc ấy bà càng rạng rỡ gấp bội phần. Giàu có, chăm chỉ làm ăn, hai đứa con ngoan, khỏe mạnh và có mối tình lâu năm khăng khít sau khi ly hôn khiến bà lúc nào cũng căng tràn sức sống.
Theo lời bà, lúc mới ngoài 20 tuổi, bà đã lập gia đình. Trái ngọt của cuộc hôn nhân ấy là 2 công chúa xinh xắn. Vì nhiều lý do, sau đó vợ chồng chia tay nhưng họ vẫn là những người bạn tốt cho đến tận bây giờ, những đứa con của bà vẫn ấm áp trong tình cha. Sau một thời gian, bà được người quen giúp đỡ, bắt đầu bén duyên với nghề khai thác rừng trồng từ cuối thập niên 90 (thế kỷ trước). Những năm đầu, làm ăn suôn sẻ, nhanh chóng khấm khá, có ngày bà thu lãi giá trị cả lượng vàng. Chỉ chuyên kinh doanh rừng trồng, nhu cầu thị trường ổn định, lại làm ăn uy tín nên bà chưa bao giờ rơi vào khủng hoảng. Trước khi gặp ông Hoàng Trọng Độ (1962) và trao tình cho người này thì bà đã nổi tiếng trong giới làm ăn, giao hảo rộng rãi. Kể từ năm 2003, giữa hai người bắt đầu qua lại và tình cảm gắn bó. Người tình khiến bà Hồng cảm nhận được trọn vẹn chân tình. Tuy không danh phận nhưng bà bằng lòng với hoàn cảnh này, mặn nồng cũng kéo dài hơn 7 năm.
Hai người chung sống với nhau như vợ chồng và khăng khít hơn trong các cuộc làm ăn. Có nhiều hợp đồng mua rừng, giữa họ không có riêng tư, ông Độ đứng tên hoặc bà Hồng đều không thành vấn đề. Vào gần cuối năm 2007, bà Hồng và người tình đi coi rừng trồng và mua của nhóm hộ ông Hồ Thanh Xuân, Lê Cương, Nguyễn Bặm (gọi tắt là nhóm hộ ông Xuân) tại xã Hải Thượng. Ngày 25-12-2007, sau khi coi rừng về, hai bên tiến hành giao dịch bán rừng với giá 350 triệu đồng, có mặt cả bà Hồng và ông Độ. Ông Độ xin bớt lại 10 triệu đồng để ủi đường khai thác và đặt cọc trước 50 triệu đồng. Sáng 31-12-2007, ông Xuân nhận được điện thoại của bà Hồng đến trả thêm tiền. Theo như lời bà Hồng, vừa vay ngân hàng xong (có tài liệu chứng minh) là báo ông Xuân ngay. Lúc giao thêm 250 triệu đồng có bà Hồng và ông Độ.
Tháng 8-2009, ông Độ và nhóm hộ ông Xuân lập giấy mua bán rừng, với sự xác nhận của UBND xã. Nhưng việc này ông Độ giấu bà Hồng và cũng không ghi tên bà Hồng vào. Nhóm hộ ông Xuân đã giao cho ông Độ đầy đủ một bộ hồ sơ để phục vụ việc khai thác rừng. Hay tin này, bà Hồng choáng váng và nhận ra người tình đã đổi thay. Ngày 5-9-2009, bà Hồng yêu cầu nhóm hộ ông Xuân xác nhận quá trình đi mua bán rừng có bà đi chung và được đồng ý. Sau đó, bà Hồng đứng ra làm xong thủ tục khai thác và mở cửa rừng. Ngày 18-9-2009, khi chuyến xe chở hơn 21m3 gỗ đầu tiên ra khỏi rừng thì kiểm lâm tạm giữ vì thiếu thủ tục là giấy vận chuyển gỗ. Cũng ngày hôm đó, ông Độ đến báo án tại CAH Hải Lăng, rừng mình mua bị bà Hồng khai thác trộm. Đến phút này, chuyện tình của họ cũng chính thức chấm hết. CA vào cuộc điều tra, số lượng diện tích mà bà Hồng cho khai thác là 4ha, trị giá gần 33 triệu đồng.
VKSND H. Hải Lăng phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt để tạm giam đối với bà Hồng về hành vi “Trộm cắp tài sản” (tạm giam từ ngày 23-1-2010, đến 13-4-2010 thì được tại ngoại). 81 ngày bị bắt giam, bà Hồng đã có lần tự vẫn nhưng khi đến lằn giới mong manh của sự sống chết, hình ảnh 2 đứa con và nỗi oan chưa được gột rửa khiến bà bừng tỉnh. Trong thời gian khủng hoảng tinh thần này, chính những cán bộ CA tại nhà tạm giữ đã khuyên giải bà và “canh giữ” bà khỏi ý nghĩ dại dột.
Quá trình giải quyết án, nhóm hộ ông Xuân đều khẳng định họ nghĩ cặp đôi trên là một nên ý của họ là bán cho cả hai người. Bà Hồng khẳng định đi mua rừng của nhóm hộ ông Xuân là đi chung với ông Độ và tiền mua rừng do bà bỏ ra. “Thương con còn nhỏ dại nhưng tôi phải đành gác tình mẫu tử lại để đấu tranh đòi công lý đến tận cùng” - bà Hồng nghẹn ngào khi chúng tôi gợi nhớ đến ngày tháng khó khăn mà bà bị đẩy vào lao lý. Khi chưa có phán quyết cuối cùng, bà chịu bao điều tiếng, tủi nhục.
Ngày 30-8-2010, TAND H. Hải Lăng đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án. Người tình ngồi ở vị trí bị hại, còn bà đứng ở vành móng ngựa. Ông Độ cho rằng số tiền bỏ ra mua rừng nhóm hộ ông Xuân là của mình và nhóm hộ này chỉ bán riêng cho ông kèm giấy tờ chứng minh. Bà Hồng thì khẳng định ngược lại kèm theo giấy tờ vay ngân hàng cùng một số giấy tờ liên quan. “Đứng ở vành móng ngựa vừa run sợ, vừa ê chề và đau đớn tinh thần, nhưng tôi không thể gục ngã” - bà Hồng nói kiên quyết. Kết thúc phiên xét xử, Tòa tuyên bị cáo Đào Thị Hồng không phạm tội trộm cắp tài sản. Ông Độ kháng cáo và VKSND H. Hải Lăng có kháng nghị về phán quyết của tòa, không chấp nhận bị cáo vô tội.
Ngày 18-11-2010, TAND tỉnh Quảng Trị xét xử phúc thẩm và tuyên y án sơ thẩm. Theo đó, việc khai thác lô rừng của bị cáo Hồng là công khai, không phải lén lút và không có hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác. Hồ sơ vụ án cũng chưa chứng minh được tài sản đang tranh chấp là của một hay nhiều chủ sở hữu nên không có yếu tố chiếm đoạt tài sản của người khác. Tòa Hình sự TAND Tối cao cũng đã có ý kiến đây là một vụ án dân sự tranh chấp về mua bán rừng, không phải vụ án hình sự.
Tháng 1-2013, TAND tỉnh Quảng Trị mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án dân sự về “Tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”. Kết thúc phiên xét xử, Tòa yêu cầu VKSND H. Hải Lăng công khai xin lỗi bà Hồng và bồi thường hơn 680 triệu đồng cho bà. Nỗi oan được gột rửa, niềm tin trở lại với bà, nhưng đùng một cái, bà lại “dính” án. Điều kỳ cục gì xảy ra?
Bảo Hà
(còn nữa)