Chuyện về nữ gián điệp nguy hiểm nhất nước Mỹ
(Cadn.com.vn) - Dù mang quốc tịch Mỹ nhưng Ana Monters lại bị gắn mác "phản bội dân tộc" do bàn giao nhiều bí mật quốc gia cho Cuba. Theo giới chuyên gia Mỹ, những thiệt hại do Monters gây ra trong suốt thời gian làm điệp viên là vô cùng nghiêm trọng.
Sự bất mãn của Ana Montes đối với chính sách ngoại giao của Mỹ đối với Cuba khiến bà nhanh chóng lọt vào tầm ngắm phía La Havana. Khi làm việc với tư cách là một trong những chuyên gia phân tích hàng đầu của Cơ quan Tình báo quốc phòng thuộc Lầu Năm Góc (DIA) từ năm 1985 đến ngày 11-9-2001, bà Montes chuyển giao những bí mật quân sự của Mỹ cho La Havana. Cho đến nay, Ana Montes được xem là một trong những điệp viên hai mang gây thiệt hại nhiều nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại.
Gián điệp 2 mang
Chào đời tại một căn cứ quân sự của Mỹ ở Puerto Rico, Đức, vào năm 1957, Ana là chị cả trong gia đình có 4 người con và có cha làm bác sĩ quân y.
Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1984, bà làm việc tại văn phòng Sở Tư pháp ở Washington và tiếp tục học để lấy bằng thạc sĩ tại Đại học Johns Hopkins. Bà Montes thường xuyên bị phát hiện chỉ trích, chống đối chính quyền Tổng thống Ronald Reagan - nhà lãnh đạo vốn ủng hộ cho các lực lượng nổi dậy chống lại La Havana. Một số người ở Đại học Johns Hopkins đã nhận thấy quan điểm ủng hộ Cuba của bà Montes và bà nhanh chóng đồng ý hỗ trợ Cuba. Cùng thời gian đó, bà Montes bắt đầu làm việc tại DIA - nơi phụ trách xử lý những bí mật quân sự Mỹ. Trong quãng thời gian làm việc tại đó, sự nghiệp của bà thăng tiến rất nhanh và vào năm 1977, bà được trao giấy chứng nhận danh dự. Danh tiếng xuất sắc khiến Montes được các đồng nghiệp ở DIA gán cho danh hiệu "Nữ hoàng Cuba".
Bà Ana Montes được Giám đốc CIA lúc đó George Tenet trao tặng một giải thưởng danh dự. |
Khi "Nữ hoàng Cuba" sa lưới
Trong thời gian làm việc tại DIA, bà Montes chọn một kỹ xảo hoạt động gián điệp, thứ đã giúp bà không bị phát hiện trong suốt 16 năm. Một nguyên nhân nữa giúp bà có thể giữ bí mật được lâu đến thế là vì bà chưa bao giờ mang bất kỳ tài liệu hay tập tin điện tử nào từ nơi làm việc về nhà. Thay vào đó, bà ghi nhớ toàn bộ chi tiết của những tài liệu nhạy cảm đó vào bộ óc, và gõ lại toàn bộ vào máy tính xách tay khi về nhà.
Bước tiếp theo, nữ điệp viên này sao chép thông tin đã đánh máy lên đĩa đã được mã hóa. Sau đó, bà nhận được hướng dẫn đã được mã hóa thông qua đài phát thanh sóng ngắn về nơi bàn giao các đĩa cho phía Cuba. Tuy nhiên, vụ việc bắt đầu vỡ lở vào năm 1996 khi nhân viên phản gián Scott Carmichael nghi ngờ những hành vi của Montes. Ông bắt đầu so sánh một số chứng cứ của FBI điều tra được với hệ thống dữ liệu về nhân viên DIA. Cuối cùng, sau vài tháng sàng lọc đối tượng, trên màn hình máy tính của Carmichael hiện lên cái tên hết sức quen thuộc với cộng đồng tình báo Mỹ - đó là "Ana Montes". Carmichael bắt đầu lập hồ sơ chi tiết về bà Montes và cùng FBI lên kế hoạch theo dõi, bắt giữ nữ gián điệp này. Cuối cùng, bà bị bắt giữ vào ngày 21-9-2001, lãnh mức án 25 năm tù giam và 5 năm bị quản chế.
Nói về vụ việc này, bà Montes cho biết đã chấp nhận làm gián điệp cho Cuba bởi vì tin rằng Mỹ "đã làm nhiều điều hết sức tàn độc và không công bằng" đối với chính quyền La Havana. Hiện nay, bà Montes, 59 tuổi đang ở Trung tâm Y tế Liên bang Carswell tại Fort Worth, Texas - nơi giam giữ những tù nhân nữ nguy hiểm nhất nước Mỹ.
Tuệ Khanh
(Theo CNN)