Chuyện vị tướng cho áo chiến sĩ
(Cadn.com.vn) - 8 năm nay, Trung tướng Phạm Minh Tâm, nguyên Phó Tổng Thanh tra Quân đội, sinh năm 1930, quê ở Điện Ngọc (Điện Bàn, Quảng Nam) phải nằm một chỗ sau một cơn đột quỵ. Căn bệnh ngày càng biến chứng làm vị tướng dạn dày trận mạc, tung hoành khắp cả Nam, Bắc này không thể nào nói được mà chỉ còn biết nghe và thể hiện biểu cảm qua nét mặt...
Ông tham gia du kích từ năm 15 tuổi, rồi nhập ngũ vào Đại đội 5- bộ đội địa phương H. Điện Bàn, sau đó vào Trung đoàn 93, Quảng Nam đánh trận Bồ Bồ nổi tiếng. Tập kết ra Bắc, ông là một trong số ít cán bộ được học nhảy dù tại Học viện quân sự Nam Kinh-Trung Quốc. Về nước, ông làm tiểu đoàn trưởng, huấn luyện viên nhảy dù một thời gian ngắn, rồi chuyển qua làm phó phòng tác chiến Quân khu 4, sau đó chính thức bước vào Mặt trận Quảng Trị (B5) với cương vị Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27... Mới đây, Thượng tướng, Viện sĩ, AHLLVTND Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đến thăm ông, đã kể với gia đình về mùa hè đỏ lửa năm nào. Ngày đó, trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị (3-1972), Trung đoàn trưởng Phạm Minh Tâm đã lên kế hoạch tỉ mỉ và giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 Nguyễn Huy Hiệu tiêu diệt tiểu đoàn 2 của ngụy trong thời gian ngắn nhất. Y như phương án đã đề ra, đơn vị đã đập tan tuyến phòng thủ kiên cố của địch ở phía bắc, góp phần giải phóng hoàn toàn thị xã. Chiến thắng như chẻ tre này phải kể đến tầm nhìn sắc bén của vị chỉ huy Phạm Minh Tâm. Rời Trung đoàn 27, ông được phân công làm Sư đoàn phó Sư đoàn 325 (sau này thuộc Quân đoàn 2). Đảm nhận những mũi trọng yếu, ông chỉ huy các lực lượng với những bước chân thần tốc giải phóng Huế, Đà Nẵng và tiến vào tận dinh Độc Lập. Kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh, ông được giữ cương vị Sư đoàn trưởng Sư đoàn 325 lừng danh, sau đó làm Sư đoàn trưởng kiêm Chính ủy Sư đoàn 968. Đang làm nhiệm vụ bên Lào thì chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra (1979), ông được điều về làm Phó Tư lệnh và Tư lệnh Quân đoàn 14. Sau này, ông về làm Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 1, rồi Phó Tổng Thanh tra Quân đội cho đến năm 1995 thì về hưu.
![]() |
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu thăm và tặng hoa Trung tướng Phạm Minh Tâm. |
Thiếu tướng Trần Minh Hùng, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5 vẫn nhớ mãi kỷ niệm với thủ trưởng đồng hương. Đó là thời điểm bước qua đầu năm 1973. Tiểu đoàn 5 do đồng chí Trần Minh Hùng làm tiểu đoàn trưởng được Phó Sư đoàn trưởng Phạm Minh Tâm trực tiếp giao nhiệm vụ tấn công Đồi Chè (Quảng Trị). Trên đường hành tiến, bị hỏa lực chặn, 2 khẩu cối 82 rơi xuống sông, Phó Sư đoàn trưởng Tâm lệnh đơn vị phải lặn xuống nước lấy cho bằng được 2 khẩu cối này để đánh chiếm cửa mở, tiêu diệt địch ở Đồi Chè. Kết thúc trận đánh, tiểu đoàn 5 toàn thắng, địch bị đẩy xuống phía Nam sông Thạch Hãn, vùng giải phóng tây Quảng Trị được giữ vững. Thiếu tướng Trần Minh Hùng nói: "Trung tướng Phạm Minh Tâm là người táo bạo và quyết đoán nhưng cũng là người luôn nghĩ trước sau để chiến sĩ ít thương vong nhất. Có lần tiểu đoàn tôi được giao đánh Ngã ba Phước Môn, khi đã vào sát căn cứ địch thì thủ trưởng Tâm lệnh phải lui quân gấp vì có tin báo 3 đại đội dù và thám báo của địch đang đi ngay vào trận địa của tiểu đoàn. Chúng tôi đã rút ra kịp thời. Gặp lại nhau sau đó, ông ôm lấy tôi rất mừng: "Mình sợ không gặp lại được các cậu!".
Cả cuộc đời binh nghiệp rong ruổi theo các chiến trường, nên tình đồng đội luôn sâu nặng trong ông. Đại tá Phạm Đới, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu 5 kể: "Lúc này tôi là trợ lý đối ngoại của Bộ Tư lệnh đi cùng Tư lệnh Quân đoàn 14 Phạm Minh Tâm kiểm tra tác chiến Sư đoàn 327 ở Lộc Bình, Lạng Sơn. Bỏ xe, đi bộ xuống phía đông chân núi Mẫu Sơn thì thấy một người ăn mặc rách nát chạy đến ôm thủ trưởng Tâm. Thì ra nông dân này từng là chiến sĩ của ông ở Trung đoàn 27. Đến thăm nhà, thấy gia cảnh quá nghèo, vị tướng đã cởi bộ quần áo đang mặc (sau khi tháo quân hàm, quân hiệu) cho đồng chí ấy. Thấy vậy tôi và lái xe cũng cởi nốt quần áo tặng. Nhiều người đã ngạc nhiên khi cả 3 chúng tôi chỉ mặc đồ cộc về lại Quân đoàn. Sau đó thủ trưởng Tâm nhờ may 2 bộ nữa gửi vào cho người lính dân tộc Nùng của mình. Lại có lần, anh Lương, một cán bộ của đơn vị xin phép về thăm vợ sinh. Tư lệnh mở ba lô ra xem thấy chẳng có gì bèn bảo công vụ về phòng lấy cân đường và mấy lon sữa tiêu chuẩn của ông cho anh Lương. Trường hợp như thế nhiều lắm".
Theo bà Võ Thị Mai, vợ ông, thì chuyện thương lính của Trung tướng Phạm Minh Tâm có lẽ kể cả ngày không hết. Như cái tên ông đã mang, làm được gì cho đồng đội là ông không từ nan. Khi là Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 1, ông huy động bộ đội làm nhà cho các cựu chiến binh hoàn cảnh khó khăn; mua sắm trang bị cho các phòng ban, không để quá thiếu thốn. Biết anh em đi công tác xuống cơ sở rất vất vả, trong khi địa bàn chủ yếu rừng núi, đồi dốc, ông bàn với Bộ Tư lệnh mua cho mỗi phòng, ban một xe máy. Chủ trương này lúc đó chưa nơi đâu làm, ông bảo không thanh toán được thì cứ trừ dần lương của ông. Sau này ông nghỉ hưu, đi đến đâu, cán bộ cũ (nay đã làm cương vị lớn) đều rất quý mến. Ai cho đồng nào, chẳng mấy khi ông mang về nhà, mà luôn hỏi thăm đồng đội nào khó khăn để tặng lại họ, có lần cả chục triệu đồng. Kính trọng ông đặc biệt phải kể đến Thiếu tướng Go-đin, chuyên gia Liên Xô (cũ) sát cánh cùng Quân đoàn 14 trên mặt trận biên giới phía Bắc. Bà vợ ông Go-đin làm bác sĩ chỉ qua mấy lần gặp cũng đã dành nhiều thiện cảm cho người chỉ huy Quân đoàn. Bà lặn lội từ Hà Nội vào Đà Nẵng thăm vợ con ông. Ngày đó, nhà cửa sơ sài lại ẩm thấp nhưng bà vẫn ngủ cùng gia đình đến mấy ngày. Hơn 30 năm về nước và mất liên lạc, nhưng vợ chồng chuyên gia vẫn không quên người bạn Việt Nam. Cách đây không lâu, vợ chồng ông Go-đin đã đăng tải trên mạng tấm hình chụp chung với Tư lệnh Phạm Minh Tâm với mong muốn được gặp lại người mà họ từng gắn bó.
Còn nhớ khi ông vừa đột quỵ, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã cử ngay một bác sĩ giỏi của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cấp tốc vào Đà Nẵng chữa trị ban đầu cho ông. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên, nguyên Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN (nay đã mất), đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng..., những người từng là cấp dưới hoặc cùng đơn vị trong chiến đấu năm xưa, khi có dịp đều vào thăm ông. Nhiều chiến sĩ trước đây làm công vụ hoặc lính thông tin, có người ở với ông lâu nhưng cũng có anh chỉ mới phục vụ vài ngày rồi qua đơn vị khác, vậy mà nghe tin ông ngã bệnh, cũng lặn lội từ Bắc vào Nam thăm thủ trưởng của mình và tặng quà cho gia đình mua thêm thuốc men cho ông.
"Quan nhất thời, dân vạn đại", về hưu mà vẫn được đồng đội yêu quý mình đến thế, đâu mấy ai có được như Trung tướng Phạm Minh Tâm, người con của mảnh đất 7 Dũng sĩ Điện Ngọc anh hùng.
Hồng Vân