CIA: Hamza bin Laden vẫn còn sống!
23 năm sau khi xảy ra vụ khủng bố nhắm vào Tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại New York (11/9/2001 - 11/9/2024), Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã xác nhận Hamza bin Laden, 43 tuổi, con trai của Osama bin Laden vẫn còn sống, trái ngược với những thông tin trước đó cho rằng nhân vật này đã chết trong cuộc không kích hồi năm 2019.
Vẫn theo sự xác nhận của CIA, Hamza hiện đang ẩn náu tại Dara Abdullah Khel, thung lũng Panjshir, Afghanistan, nơi được xem là trung tâm thánh chiến của al-Qaeda…
1. Ngày 14/9/2019, Tổng thống Mỹ lúc ấy là ông Donald Trump tuyên bố rằng Hamza bin Laden, con trai của trùm khủng bố Osama bin Laden “đã bị tiêu diệt trong một cuộc không kích tại tỉnh Ghazni, gần biên giới Afghanistan, Pakistan”. Ông Trump cũng nói thêm rằng “việc tiêu diệt Hamza không chỉ làm mất đi các kỹ năng lãnh đạo quan trọng của al-Qaeda cũng như sự kết nối mang tính biểu tượng, mà còn làm suy yếu các hoạt động của tổ chức khủng bố này…”.
Tuy nhiên thời điểm ấy, theo nhận định của một quan chức CIA, không có bằng chứng cụ thể nào đủ để khẳng định Hamza đã chết: “Ngay sau vụ không kích, các điệp viên của chúng tôi đã cố gắng thu thập một phần nào đó từ thi thể của những kẻ bỏ mạng ở hiện trường để xét nghiệm DNA. Nhưng kết quả chỉ là con số 0. Không một mẫu DNA nào trùng khớp với DNA của Hamza mà chúng tôi đã có. Dẫu vậy, việc tiêu diệt con trai trùm khủng bố vẫn được thông báo rộng rãi, chủ yếu nhằm thực hiện cuộc chiến tranh tâm lý, gây hoang mang trong hàng ngũ al-Qaeda cùng các chi nhánh của nó ở nhiều nơi trên toàn cầu”.
Được mệnh danh là “thái tử khủng bố”, Hamza bin Laden sinh năm 1989 tại Jeddah, Saudi Arabia. Là con của một trong 3 người vợ của Osama bin Laden. Hamza được Osama bin Laden chọn làm người lãnh đạo al-Qaeda ngay từ khi ông ta còn sống, thể hiện qua những tài liệu thu được ở Abbotabad, Pakistan, khi Đội 6, Lực lượng đặc nhiệm Hải quân Mỹ (SEAL) tập kích vào nơi này, giết chết ông trùm khủng bố hôm 2/5/2011. Trong những tài liệu ấy, Osama bin Laden đánh giá Hamza cao hơn con trai trưởng của ông ta là Abdullah bin Laden.
Cũng trong một bức thư bị tịch thu sau cuộc đột kích được viết bởi Osama bin Laden, gửi cho tham mưu trưởng al-Qaeda là Atiyah Abd al-Rahman, ông trùm khủng bố mong muốn “Hamza sẽ được giáo dục ở Qatar như một học giả tôn giáo để có thể bác bỏ những nghi ngờ sai lầm nảy sinh xung quanh phong trào thánh chiến”. Một bức thư khác cũng xác nhận rằng Osama bin Laden đã chọn Hamza làm người kế thừa sau cái chết của Saad bin Laden, anh trai Hamza, bị máy bay không người lái Mỹ tiêu diệt năm 2009: “Tôi tin rằng các chiến binh thánh chiến ở mọi nơi trên thế giới sẽ vâng lệnh Hamza như đã vâng lệnh của chính tôi…”.
Cuộc thẩm vấn những người vợ còn sống của Osama bin Laden, thực hiện bởi Cơ quan tình báo Pakistan cho thấy sau cuộc đột kích của SEAL vào Abbottabad, Hamza không có mặt và trong khu nhà nơi Osama bin Laden ẩn náu cũng không hề có đường hầm thoát hiểm nào khả dĩ để Hamza và những kẻ sống sót có thể trốn thoát.
8 năm sau ngày Osama bin Laden chết, ngày 31/7/2019, một quan chức Quốc phòng Mỹ giấu tên nói rằng Hamza đã “bị thổi bay khỏi mặt đất” nhưng không nêu cụ thể về thời gian, nơi chốn. Trước đó, hồi tháng 2/2019, Bộ Ngoại giao Mỹ đã treo thưởng 1 triệu USD cho bất cứ ai cung cấp thông tin dẫn đến nơi ẩn náu của Hamza. Đến tháng 8/2020, Maryam, một trong 4 người vợ của Hamza và đồng thời cũng là con ruột của Abdullah Ahmed Abdullah, chỉ huy cao cấp thuộc chi nhánh al-Qaeda Ai Cập đã bị giết tại Tehran, Iran.
Trong vụ này, cả Abdullah Ahmed Abdullah cũng thiệt mạng nhưng một lần nữa vẫn không có Hamza mặc dù điệp viên nằm vùng của CIA ở Iran khẳng định “Hamza cùng vợ và cha vợ sẽ đi ăn tối”. Chỉ đến khi Ayman al-Zawahiri, kẻ thay thế Osama bin Laden trong vai trò thủ lĩnh al-Qaeda, bị người Mỹ tiêu diệt ngày 31/7/2022 thì CIA mới xác định Hamza vẫn còn sống và sẽ trở thành người lãnh đạo tối cao của tổ chức khủng bố này.
Các thông tin tình báo do CIA thu thập cho thấy sau khi Ayman al-Zawahiri chết, Hamza cùng 3 người vợ đã mai danh ẩn tích tại Iran trong nhiều năm trước khi quay lại Afghanistan. Được Taliban che chở, Hamza sử dụng những “nhà an toàn” ở nhiều khu vực khác nhau để điều hành các hoạt động của al-Qaeda, chủ yếu là tập hợp lực lượng, thành lập những trại huấn luyện mới, chờ thời cơ tung ra một làn sóng tấn công khủng bố nhắm vào các nước phương Tây.
Vẫn theo các nguồn tin tình báo, 8 trại huấn luyện đã được Hamza xây dựng ở các tỉnh Ghazni, Laghman, Parwan, Uruzgan và Helmand, bên trong lãnh thổ Afghanistan. Thành viên tham gia thánh chiến đến từ các nước Arab, châu Phi, châu Âu, Trung Á…, vào Afghanistan bằng cách băng qua Pakistan theo các đường dây do tổ chức khủng bố Tehrik-e Taliban Pakistan (TTP), thường được gọi là Taliban Pakistan thiết lập.
Một quan chức CIA nói: “Sự hợp tác này không phải là mới. TTP và al-Qaeda đã chia sẻ mối quan hệ sâu sắc từ những năm 1990 khi Osama bin Laden lần đầu tiên thành lập căn cứ ở Pakistan. Sau đó, khi al-Qaeda xây dựng những trại thánh chiến ở Afghanistan, nó tiếp tục được Taliban ủng hộ. Tại một trong những trại này, Osama bin Laden đã lên kế hoạch và trực tiếp chỉ đạo vụ tấn công khủng bố tòa tháp đôi, Trung tâm Thương mại thế giới ở New York. Bất chấp cuộc chiến tranh do Mỹ dẫn đầu hồi năm 2001 cho đến ngày lính Mỹ rút khỏi Afghanistan năm 2021, những trại thánh chiến ấy vẫn tồn tại và giờ đây, chúng lại càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.
Ngoài 8 trại nêu trên, Hamza còn chỉ đạo thành lập 5 trường tôn giáo ở tỉnh Kunar và Nangarhar. Đây là nơi tuyển mộ và đào tạo các chiến binh thánh chiến tương lai. Bên cạnh đó, ngoài việc được sự yểm trợ tích cực của TTP dưới hình thức tiếp nhận những tân binh đến từ nước ngoài rồi chuyển giao họ cho các trại huấn luyện, Hamza còn nhận vũ khí, tiền bạc từ những nhóm Hồi giáo cực đoan ở Trung Đông, Trung Á. Đổi lại, Hamza cho phép những tay súng của mình tham gia cùng TTP trong những cuộc tấn công nhắm vào quân đội, cảnh sát Pakistan.
Chưa hết, báo cáo tình báo của CIA còn cho thấy Hamza được sự che chở và hỗ trợ từ Sirajuddin Haqqani, kẻ cầm đầu mạng lưới Haqqani khét tiếng, liên quan trực tiếp đến nhiều vụ tấn công khủng bố ở Afghanistan khi lính Mỹ và liên quân còn hiện diện tại quốc gia này.
Vẫn theo báo cáo tình báo của CIA, hiện có tới 21 mạng lưới khủng bố khác nhau đang hoạt động ở Afghanistan, trong đó ngoài al-Qaeda thì đáng kể nhất vẫn là chi nhánh Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K), Tehrik-e Taliban Pakistan (TTP) và Phong trào Hồi giáo Uzbekistan, khiến Afghanistan trở thành điểm nóng nhất về khủng bố trên thế giới. Một quan chức cao cấp của CIA cho biết trước đây, al-Qaeda và IS-K là đối thủ của nhau nhưng hiện tại, đã có “một cuộc hôn nhân đằm thắm giữa hai nhóm, phản ánh sự gác lại những bất đồng trong quá khứ giữa các nhà lãnh đạo chủ chốt. Nó báo hiệu một mối đe dọa mới với các nước phương Tây…”.
Các bức không ảnh do máy bay không người lái của CIA chụp được cho thấy ở thung lũng Panjshir, một số điểm tập kết vũ khí và đạn dược đã được al-Qaeda xây dựng hoàn chỉnh cùng các doanh trại mà theo đánh giá, mỗi doanh trại có thể chứa được vài trăm người. Đại tá Richard Kemp, cựu chỉ huy lực lượng Anh tại Afghanistan bày tỏ sự lo ngại của ông về vai trò của Hamza trong sự hồi sinh của al-Qaeda: “Hamza bây giờ như con sói trên cánh đồng Afghanistan vắng bóng thợ săn, với ý định trả thù cho cha mình, đồng thời tái lập Nhà nước Hồi giáo. Anh ta không những vẫn còn sống mà còn tích cực vực dậy cái di sản do Bin Laden dựng lên với sự hỗ trợ của Taliban…”.
2. Hiện tại, thông tin mới nhất về nơi ẩn náu của Hamza được cho là ở quận Dara Abdullah Khel, tỉnh Panjshir, miền Bắc Afghanistan dưới sự bảo vệ của một lực lượng khoảng 450 tay súng gồm cả người Arab lẫn Pakistan. Để tránh bị tiêu diệt như cha mình, Hamza không sử dụng điện thoại, cả hữu tuyến lẫn di động. Mọi mệnh lệnh của Hamza đều được truyền miệng bởi các liên lạc viên sử dụng xe gắn máy. Cẩn thận hơn, Hamza cũng không dùng máy tính, có lẽ sợ rằng người Mỹ sẽ định vị được vị trí của anh ta.
Một thành viên al-Qaeda khi bị Cơ quan An ninh Pakistan bắt hồi tháng 6/2024 đã nói rằng “từ bên trong ngôi mộ, thủ lĩnh của chúng tôi sẽ truyền lệnh tạo ra địa ngục cho các người…”. Và mặc dù thành viên này không nói rõ “bên trong ngôi mộ” là ai nhưng ai cũng hiểu đó là Osama bin Laben, còn Hamza là người được “truyền lệnh”.
Một sĩ quan tình báo cao cấp tại Islamabad, Pakistan nói với trang tin Inside Politics: “Mặc dù đã hơn một năm sau cuộc không kích bằng máy bay không người lái giết chết Ayman al-Zawahiri nhưng đến nay, chính quyền Taliban vẫn chưa chính thức xác nhận cái chết này. Điều đó làm gia tăng mối lo ngại về quan hệ của Taliban với al-Qaeda vì phải chăng, Taliban vẫn muốn che giấu thông tin về việc Hamza đã trở thành thủ lĩnh? Sự che giấu ấy là lớp màn ngụy trang cho những gì Taliban đang làm với al-Qaeda...”.
Phản bác lại, Zabihullah Mujahid, người phát ngôn của Taliban ở Afghanistan nói: “al-Qaeda không hoạt động trên đất Afghanistan. Chúng tôi hoàn toàn tuân thủ Hiệp định hòa bình Doha và chưa bao giờ cho phép, cũng như sẽ không cho phép bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào sử dụng lãnh thổ Afghanistan cho mục đích của họ. Tất cả những thông tin nói rằng Taliban bảo trợ al-Qaeda chỉ là sự tuyên truyền do những kẻ thù địch với chúng tôi phát tán…”.
Theo các nhà quan sát địa chính trị, sự tái xuất hiện của Hamza bin Laden với tư cách thủ lĩnh al-Qaeda là điều đặc biệt đáng lo ngại do ảnh hưởng của Hamza với các mạng lưới khủng bố. Mối liên hệ cha con giữa Hamza và Osama bin Laden đã mang lại cho Hamza sự tín nhiệm đáng kể trong hàng ngũ chiến binh. Sự có mặt của Hamza sau nhiều tin đồn rằng anh ta đã chết sẽ là vầng hào quang, truyền cảm hứng cho một thế hệ cực đoan trong tương lai và nếu Hamza thành công trong việc thống nhất các lực lượng khủng bố ở Afghanistan, Pakistan, châu Phi, Trung Đông, Trung Á…, có thể dẫn đến một kỷ nguyên mới của hoạt động thánh chiến toàn cầu.
Một sĩ quan cao cấp thuộc Bộ chỉ huy trung tâm, Mỹ (CENCOM) nói: “Sự trỗi dậy của al-Qaeda ở Afghanistan đã đặt ra những thách thức đáng kể cho các chính phủ phương Tây. Bất chấp sự cam kết của Taliban rằng họ sẽ ngăn chặn, không để Afghanistan trở thành thiên đường khủng bố nhưng thực tế đã cho thấy những điều ngược lại. Nước Mỹ cùng các đồng minh giờ đây phải đánh giá lại chiến lược của mình, đặc biệt là khi Hamza xây dựng cơ sở hạ tầng và tăng cường liên minh với các nhóm Hồi giáo cực đoan khác…”; còn với CIA, Hamza là kẻ khủng bố bị truy lùng gắt gao nhất ở thời điểm hiện tại và việc tiêu diệt hắn là mục tiêu hàng đầu...
Theo CAND