CNTT - ưu thế của miền Trung?

Thứ hai, 25/08/2014 08:56

(Cadn.com.vn) - TS Vũ Ngọc Hoàng, Phó Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bí thư tỉnh Quảng Nam, tại Diễn đàn Kinh tế miền Trung vừa được tổ chức tại Đà Nẵng, đặt vấn đề: “Miền Trung hiếu học, cần cù tại sao vẫn cứ nghèo?”. Rồi vị Phó Ban Tuyên giáo Trung ương đặt câu hỏi tiếp theo, phải chăng câu chuyện ở đây là đi sai đường?

Công viên phần mềm Đà Nẵng. Ảnh: Internet 

Miền Trung không đi theo lợi thế riêng có, lợi thế đặc thù, lợi thế so sánh của mình, cứ "đâm đầu vào chỗ khó". Một trong những hướng đi lâu nay của các tỉnh miền Trung vẫn là nông nghiệp. Ngành này, với những bất lợi về thời tiết, cứ bỏ ra 100 đồng, sản xuất một thời gian thì thu về 92 đồng, mất đi 8 đồng, cứ mỗi héc-ta đất  nông nghiệp của miền Trung chỉ thu dưới 100 triệu đồng.

Trong khi đó, công nghệ cao, công nghệ thông tin (CNTT) có thể thu được 3 tỷ đồng/ha. Làm sao có thể mở rộng sản xuất được, nên cần giảm sản xuất nông nghiệp xuống! Ông Vũ Ngọc Hoàng gợi ý các đại biểu tại Diễn đàn, đặc biệt là lãnh đạo các địa phương miền Trung chú ý công nghiệp phần mềm, CNTT. Tại Hà Nội và TPHCM giá trị gia tăng của ngành CNTT rất cao, thậm chí tăng gấp 3 lần số đầu tư vật chất bỏ ra, thị trường thì mênh mông, các Cty CNTT không đủ sản phẩm để cung cấp cho thị trường.

Theo ông Hoàng, người miền Trung phù hợp với lĩnh vực CNTT, nó không phải là khai thác tài nguyên hữu hạn trong lòng đất mà là khai thác tài nguyên chất xám mênh mông của con người vùng đất hiếu học, cần cù này. Lời gợi ý của ông Hoàng được hầu hết các đại biểu dự diễn đàn vỗ tay tán thưởng...  

Nhìn lại thành tựu của Tập đoàn FPT đầu tư cho CNTT tại Đà Nẵng có thể thấy những đề nghị của TS Vũ Ngọc Hoàng hoàn toàn có cơ sở. Mới đầu tư 10 năm vào Đà Nẵng về phần mềm nhưng đến nay, FPT Đà Nẵng đã không ngừng lớn mạnh và trở thành Cty CNTT có quy mô lớn nhất tại Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung nói chung.

Đồng thời, FPT cũng đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển KT-XH chung của khu vực này, tạo ra 3.000 lao động thu nhập ổn định; tốc độ tăng trưởng doanh thu trong 2 năm gần nhất đạt hơn 30%, gần 2.000 tỷ đồng năm 2013 và là một trong số ít doanh nghiệp CNTT tại Đà Nẵng đủ sức nhận các đơn đặt hàng lớn từ những thị trường lớn và khó tính như Nhật Bản, Bắc Mỹ.

Đất hiếu học miền Trung được xem là nơi có nguồn nhân lực dồi dào về công nghệ thông tin (trong ảnh: Bạn trẻ Đà Nẵng tham dự ngày hội việc làm).

Ông Bùi Quang Ngọc, Tổng Giám đốc FPT cho biết, chỉ trong một thời gian ngắn FPT Đà Nẵng đã có sự trưởng thành vượt bậc và có những đóng góp lớn vào sự phát triển chung của miền Trung.

Đặc biệt, trong 3 năm gần đây, mảng xuất khẩu phần mềm của FPT Đà Nẵng luôn đạt con số tăng trưởng trung bình 50-60%/năm, đội ngũ kỹ sư CNTT cũng tăng lên nhanh chóng, từ con số gần 400 người trong năm 2011, dự kiến đạt 1.500 người trong năm 2014 và kỳ vọng FPT Đà Nẵng sẽ trở thành một trung tâm phát triển lớn của FPT tại khu vực miền Trung trong các lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, viễn thông, giáo dục, hạ tầng viễn thông... tiến tới là thủ phủ của Tập đoàn FPT trong tương lai.

Theo ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, trong 10 năm trở lại đây lĩnh vực CNTT của Đà Nẵng có bước đột phá ngoạn mục, tăng trưởng cao nhất trong cơ cấu các ngành nghề, cụ thể năm 2013 đạt 3.693 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với năm 2003.

Để phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm dịch vụ, tạo điểm nhấn quan trọng trong việc phát triển liên kết Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong chặng đường phát triển tiếp theo, Đà Nẵng hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm khoa học công nghệ cao của miền Trung nhằm phát huy vai trò “đầu tàu”, trở thành động lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Xuân Đương