Có cơ hội từ bỏ nạn dạy thêm!
(Cadn.com.vn) - Các bậc phụ huynh và học sinh đang trong giai đoạn nước rút mùa thi. Đây cũng là lúc chuyện dạy thêm, học thêm trở nên sôi động, với tất thảy những nhược điểm được phơi bày.
Cách đây 30-35 năm không có chuyện dạy thêm, học thêm ở các cấp học phổ thông mà chỉ có phụ đạo học sinh yếu kém (mỗi lớp 3-5 em) và bồi dưỡng học sinh giỏi (mỗi lớp vài ba em), nhà trường thực hiện khi gần kỳ thi cử. Hồi đó, chương trình và nội dung học phổ thông (10 năm ở Miền Bắc, 12 năm ở Miền Nam) đúng nghĩa là phổ thông, cơ bản, thiết thực và chất lượng. Người làm thầy mẫu mực, dạy văn hóa và dạy đạo đức làm người. Học sinh thường học một buổi, một buổi về nhà học bài, làm bài, suy nghĩ và sáng tạo nên hiểu sâu, nhớ lâu. Ngày xưa ấy đã đào tạo ra nhiều người tài, đức cho đến ngày nay vẫn lưu danh tên tuổi. Bởi vậy, ai đó đã có câu nói đùa rất thâm thúy rằng: Bao giờ cho đến ngày xưa?
Còn bây giờ, dạy thêm, học thêm đã tràn lan rộng khắp cả nước, đến cả vùng sâu, vùng xa. Lúc đầu dạy thêm, học thêm chỉ với các môn toán, văn, nay môn nào cũng dạy. Dạy thêm ở tất cả các cấp học: tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học, và cả cấp mẫu giáo nữa. Buổi nào cũng tận dụng để dạy thêm: sáng, chiều, tối. Dạy thêm, học thêm nhiều ca, nhiều lớp, có nơi như chen chúc. Dạy thêm cả học sinh giỏi, vì nếu không học thêm thì sẽ có “vấn đề”. Bây giờ không dạy thêm, không học thêm mới là không bình thường.
Dạy thêm, học thêm ngày càng như ma lực, tràn lan, kéo dài, gây bức xúc và trở thành tệ nạn nhức nhối. Khi xã hội lên án nhiều thì có công văn, hướng dẫn đề nghị các trường, các Sở GD-ĐT tăng cường quản lý, kiểm tra dạy thêm, học thêm,v.v... nhưng tất cả chỉ là hình thức, thụ động và không thực chất.
Quản lý dạy thêm, học thêm ngày càng bất cập, phát sinh nhiều mâu thuẫn, vì cái gốc của vấn đề chưa được giải quyết. Phải cấm và xóa bỏ dạy thêm, học thêm mới đúng. Không phải vì quản lý không được mà cấm, mà vì dạy thêm, học thêm đã sinh ra nhiều tiêu cực và thành tệ nạn kéo dài, làm xói mòn đạo đức người thầy, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dạy và học, làm cho phụ huynh, học sinh và xã hội lo âu, mất niềm tin vào nền giáo dục nước nhà. Dạy thêm, học thêm không phải là giải pháp của ngành GD-ĐT, tại sao không mạnh tay, không dứt khoát?
Nói khách quan và công bằng thì không cần dạy thêm mà chỉ cần học thêm. Đã là học sinh thì tự học thêm là đương nhiên, học bất cứ đâu, học những gì cần thiết, học văn hóa, học làm người, học điều hay, điều tốt, học cái mới, cái tiến bộ, học mà chơi, chơi mà học, hưng phấn, sáng tạo, bổ ích, hiệu quả. Nếu chương trình giáo dục phổ thông thì chỉ cần dạy và học những gì là phổ thông, không ôm đồm, không lạm dụng. Cần đề cao sự trong sáng và mẫu mực người thầy, coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, đào tạo ra những lớp người “vừa hồng vừa chuyên” như Bác Hồ đã dạy.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) của Đảng về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo đã nêu rõ mục tiêu, quan điểm, chín nhóm nhiệm vụ và giải pháp, trong đó nhấn mạnh nhiều vấn đề trọng tâm, như: đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp; đổi mới quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ nhà giáo; đổi mới chính sách, cơ chế; nâng cao chất lượng, hiệu quả; chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế,v.v... thì không có lý do gì để ngành GD-ĐT dứt khoát với dạy thêm, học thêm. Mới đây, Bộ GD-ĐT giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề án chi 34.000 tỷ đồng cho in sách giáo khoa. Xem ra còn nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ.
Cũng phải thẳng thắn nói rằng, ngành GD-ĐT nhiều năm rồi tồn tại rất nhiều yếu kém và hạn chế, có cả sai lầm nữa. Nghị quyết T.Ư8 (khóa XI) là cơ hội và điều kiện không dễ gì có được để ngành giáo dục sửa sai, cải tiến và đổi mới thực sự. Trong đó, phải xem xét nghiêm túc để loại bỏ nạn dạy thêm nhằm trả lại sự trong sáng và những giá trị nhân văn cao cả của nền giáo dục Việt Nam. Chúng ta hãy chờ đợi.
Phan Thanh