"Cô du kích lái đò trên dòng Thạch Hãn": Bức ảnh & cuộc đời
(Cadn.com.vn) - Cuộc chiến 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị là khúc ca bi tráng vang mãi trong ký ức chiến thắng hào hùng của dân tộc ta. Trên dòng Thạch Hãn mùa hè năm 1972 ác liệt ấy, có cô du kích ngày đêm cùng cha chồng tránh bom, vượt đạn vững tay chèo lái con đò nhỏ tiếp tế lương thực, vũ khí và chở bộ đội vào Thành cổ chiến đấu, đưa thương binh về hậu tuyến. Hình ảnh ấy được nhà nhiếp ảnh Đoàn Công Tính "khắc" lại cho mai sau, giờ được trưng bày tại Bảo tàng Thành cổ.
Khoảnh khắc lịch sử
Tên đầy đủ của bức ảnh là: "Cha con lão ngư dân Triệu Phong chở bộ đội và vũ khí tiếp sức cho Thành cổ". Cũng như bao người, nhìn ảnh, tôi tự hỏi: liệu hai cha con lão ngư dân ấy còn sống hay đã chết? Khi biết cô du kích vẫn còn sống, tên là Nguyễn Thị Thu (1954) ở Tiểu khu 5, TT Ái Tử, Triệu Phong, Quảng Trị, không do dự, tôi lên đường tìm. Tiếp chúng tôi, cô du kích bây giờ đã là... bà Thu- hào hứng mang những bức ảnh kỷ niệm một thời chiến đã ố vàng ra ôn lại quá khứ...
Năm ấy, cô bé Thu 18 tuổi. Cuộc chiến Thành cổ đang diễn ra ác liệt. Với lợi thế vừa là bàn đạp để thực hiện âm mưu "Bắc tiến" khi có điều kiện vừa là lá chắn bảo vệ "biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17" nên địch dốc toàn bộ lực lượng với vũ khí hiện đại hòng chiếm Thành cổ trong vòng 10 ngày. Để bảo vệ Thành cổ và đánh bật các cuộc phản công của địch, quân đội ta phải huy động, bổ sung một số lớn lực lượng... Nhưng để bộ đội vào Thành cổ một cách nhanh nhất, an toàn mà lại hiệu quả chỉ có một đường duy nhất là dùng đò vượt sông Thạch Hãn.
Ngày ấy, ông Nguyễn Con (ông lão ở trần trong bức ảnh) là cha chồng tương lai của bà Thu. Hai nhà đã dạm hỏi. Song chiến tranh ác liệt, nam nữ thanh niên xung phong vào trận tuyến. Thế là cô nữ du kích Nguyễn Thị Thu xung phong lên đường, tình nguyện cùng cha chồng tương lai lái đò rẽ sóng bổ sung lực lượng cho trận chiến.
Vậy là, ngày cũng như đêm, hai cha con ông Con - cô bé Thu vượt bom, tránh đạn cùng chiếc đò để tiếp tế lương thực, vũ khí và đưa bộ đội vào Thành cổ chiến đấu, rồi lại đưa các chiến sĩ bị thương về hậu phương chữa trị suốt 81 ngày đêm đỏ lửa ấy.
"Ngày ấy, bom đạn của địch trút xuống như mưa, bay vùn vụt qua mặt, qua người là chuyện hằng ngày. Trên trời, bom của máy bay B52 dội xuống dòng Thạch Hãn khiến nước vàng ố, đục ngầu, cuồn cuộn chảy như thác lũ. Chiếc đò lắc lư, ngả nghiêng như chực chìm", bà Thu nhớ lại.
Mưa bom bão đạn là vậy nhưng bà cùng cha chồng vẫn vững chắc tay lái. Nhiệm vụ không phân biệt đêm ngày. Bà không còn nhớ là đã bao nhiêu lần chở bộ đội sang sông trong 81 ngày đêm ấy. Trung bình mỗi ngày chiếc đò ấy cứ phăm phăm sóng nước 30 - 40 lần vượt sông đưa bộ đội vào trận tuyến chiến đấu, rồi cũng trên chiếc đò ấy không biết bao nhiêu tấn vũ khí, lương thực được tiếp tế cho Thành cổ.
"Cả 81 ngày đêm năm 1972 ấy, chưa một ngày cha con tôi nghỉ chèo, chưa đêm nào được ngủ xuyên giấc, nhiệm vụ mà chú"-bà Thu tâm sự.
Cũng nhiều lúc địch phát hiện, chúng bắn phá chiếc thuyền, bà và cha phải nhảy sông lặn xuống nước bơi vào bờ. Dòng Thạch Hãn vẫn in bóng hai cha con lão ngư dân chân chất không nề hà hiểm nguy cùng con đò nhỏ lắc lư chở bộ đội và vũ khí vào Thành cổ.
Bà Thu cùng tác giả Đoàn Công Tính chụp ảnh kỷ niệm trên dòng sông Thạch Hãn.
Bình dị cuộc đời
Chiến thắng Thành cổ đã tạo đà lợi thế cho ta trên hội nghị đàm phán Hiệp định
Bà Thu bồi hồi: "Anh Tính và anh Dương tình cảm lắm, cứ đến ngày 22-7 hằng năm, hai anh lại về nhà tôi thăm hỏi, chụp ảnh kỷ niệm rồi chở tôi vào Thành cổ thắp hương và ra dòng Thạch Hãn thả hoa".
Và khi không có ai, còn lại một mình. Bà lại ra dòng Thạch Hãn ngắm nhìn. Hình như, đâu đó trên mặt nước hiền hoa ấy, vẫn lung linh bóng một ông lão mình trần ngửa mặt cười vào đạn bom Mỹ, một nữ du kích ôm súng e lệ khép nép bên những anh bộ đội trẻ măng vượt sông vào tuyến lửa...
Đình Văn