TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Có được mời luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi trước khi có quyết định khởi tố không?

Thứ ba, 10/12/2024 12:52

*Bạn đọc hỏi: anh Quốc D., trú tại TP Hội An (Quảng Nam), hỏi: Vào năm 2022, tôi có vay mượn một người cô trong nhà số tiền 500 triệu đồng để kinh doanh. Tôi vẫn trả lãi đầy đủ hằng tháng cho cô. Tuy nhiên, đến khoảng giữa năm nay, không biết vì lý do gì cô tôi lại muốn tôi bổ sung thông tin của cô vào danh sách thành viên góp vốn, tôi đã không đồng ý với yêu cầu vô lý này. Vừa qua, tôi có nhận được giấy mời của Cơ quan cảnh sát điều tra mời lên làm việc liên quan đến đơn tố cáo của cô tôi. Hiện tôi vẫn không nắm được tôi đang bị tố giác về tội gì và không rõ quyền lợi của mình trong giai đoạn này. Tôi có thể mời Luật sư cùng tôi đến làm việc với Cơ quan cảnh sát điều tra trong buổi làm việc hay không?

*Luật sư Trương Đức Trung (Văn phòng Luật sư Phong & Partners) trả lời:

Khi đối diện với nguy cơ liên quan đến một vụ án hình sự, nhiều người thường lo lắng không biết nên làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Việc không am hiểu những quy định pháp luật có thể dẫn đến những quyết định sai lầm cũng như khiến chúng ta bỏ lỡ nhiều cơ hội để bảo vệ tối đa quyền lợi của chính mình. Trong bối cảnh này, việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ Luật sư không chỉ giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp mà còn góp phần đảm bảo cho quá trình tố tụng được diễn ra minh bạch, công bằng và đúng pháp luật.

Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLTTHS 2015) bổ sung chủ thể người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố là người tham gia tố tụng. Theo đó, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố là cá nhân, tổ chức bị tố cáo về một hành vi có dấu hiệu tội phạm, bị cơ quan có thẩm quyền kiến nghị khởi tố bằng văn bản. Điều 57 BLTTHS 2015 quy định:

Điều 57. Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố

1. Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền:

a) Được thông báo về hành vi bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố;

b) Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;

c) Trình bày lời khai, trình bày ý kiến;

d) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

đ) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

e) Tự bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;

g) Được thông báo kết quả giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố;

h) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Như vậy, trong trường hợp anh Quốc D. là người bị tố giác, anh Quốc D. sẽ có các quyền quy định tại Điều 57 BLTTHS 2015. Khi đó, một trong các quyền quan trọng nhất đó chính là tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Thông thường để bảo đảm tối đa quyền lợi của mình, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố thường yêu cầu Luật sư, một người có chuyên môn pháp lý và kinh nghiệm hành nghề để bảo vệ cho mình. Thông tư 46/2029/TT-BCA quy định rõ về thời điểm mà Luật sư có thể tham gia bảo vệ cho người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố:

Điều 7. Thời điểm người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố tham gia tố tụng

1. Thời điểm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố tham gia tố tụng kể từ khi có Quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và có căn cứ xác định tư cách tham gia tố tụng của bị hại, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.

Theo quy định này, Luật sư có thể tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho anh Quốc D. từ lúc anh nhận được giấy mời đến Cơ quan cảnh sát điều tra để làm việc. Để Luật sư tham gia vào vụ việc của mình, anh Quốc D. cần liên hệ đến cá nhân hoặc tổ chức hành nghề luật sư và yêu cầu cung cấp dịch vụ pháp lý cũng như yêu cầu Luật sư tham gia bảo vệ cho mình. Sau khi tiếp nhận và chấp nhận các yêu cầu đó, Luật sư sẽ thực hiện thủ tục đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác tại Cơ quan tiến hành tố tụng. Sau khi xem xét, Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền sẽ ra văn bản thông báo người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và ghi vào sổ đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Từ đó, Luật sư sẽ có đầy đủ các quyền được quy định tại Điều 83 BLTTHS 2015:

Điều 83. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố

3. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền:

a) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

b) Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

c) Có mặt khi lấy lời khai người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố và nếu được Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên đồng ý thì được hỏi người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Sau mỗi lần lấy lời khai của người có thẩm quyền kết thúc thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền hỏi người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố;

d) Có mặt khi đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố;

đ) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng

Khi trở thành người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, Luật sư được quyền có mặt trong quá trình cơ quan điều tra tiến hành lấy lời khai, đối chất. Có thể khẳng định, việc tham gia, hỗ trợ của Luật sư trong những buổi làm việc cùng cơ quan chức năng đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình giải quyết vụ việc. Bằng kỹ năng, nghiệp vụ của mình, Luật sư không chỉ giúp người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có cơ hội trình bày và làm rõ vấn đề bị tố giác mà còn giúp họ hiểu rõ tình trạng pháp lý của mình, từ đó phối hợp làm việc với cơ quan chức năng để tránh những bất lợi có thể xảy ra. Trong một số trường hợp, khi Luật sư được cho phép đặt câu hỏi đối với người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố, tức là đặt câu hỏi đối với người mà mình bảo vệ, Luật sư sẽ có cơ hội đặt những câu hỏi mang tính khai thác lợi ích để giúp người bị buộc tội có thêm phần lợi thế và góp phần giúp cho tình tiết vụ việc được sáng tỏ hơn.

Bên cạnh đó, pháp luật cho phép Luật sư được quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật cũng như kiểm tra, đánh giá, trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu. Bằng chuyên môn và nghiệp vụ của mình, Luật sư sẽ có khả năng để xác định được nguồn chứng cứ có phù hợp không, có khách quan không và cần thiết phải tiến hành thu thập thêm những chứng cứ gì để có thể giải quyết vụ án đúng người, đúng tội, tránh oan sai khi chứng cứ chỉ có lợi cho một phía.

Ở giai đoạn điều tra ban đầu, cơ quan có thẩm quyền sẽ thông qua những buổi làm việc, lấy lời khai, đối chất để xác định có hay không có sự việc xảy ra trên thực tế và làm rõ dấu hiệu tội phạm. Đây là những căn cứ để cơ quan có thẩm quyền quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Luật sư tham gia vào giai đoạn này có nghĩa vụ làm rõ sự thật khách quan của vụ án, giúp người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Trường hợp của anh Quốc D., khi tiếp nhận vụ việc, Luật sư sẽ tiến hành các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để thu thập thêm tài liệu chứng cứ, tiến hành đánh giá các khả năng pháp lý và đưa ra các kế hoạch bảo vệ cho anh. Khi Luật sư tham gia cùng anh Quốc D. trong những buổi làm việc với cơ quan cảnh sát điều tra, Luật sư sẽ trình bày với cơ quan cảnh sát điều tra và làm rõ các tình tiết vụ việc, đưa ra tài liệu, chứng cứ để bảo vệ cho anh Quốc D. Liên quan đến vấn đề giữa anh và cô của anh Quốc D., Luật sư làm sáng tỏ bản chất số tiền 500 triệu đồng là vay mượn hay hợp tác kinh doanh, từ đó có căn cứ để xác định đây thực chất tranh chấp dân sự hay có yếu tố cấu thành tội phạm.

Pháp luật có quy định rõ về việc mời Luật sư bảo vệ cho người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố trong giai đoạn cơ quan công an tiếp nhận và xử lý nguồn tin tội phạm, tin tố giác. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trường hợp người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố chưa nắm rõ các quy định này dẫn đến việc bỏ qua cơ hội nhờ Luật sư bảo vệ cho mình. Để bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của mình, anh Quốc D. cần tìm kiếm một Luật sư chuyên về hình sự ngay từ thời điểm này để có những hướng tư vấn phù hợp và chuẩn bị kĩ lưỡng cho buổi làm việc tại Cơ quan cảnh sát điều tra.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822.678 - 0905.102.425

Lao động nam người nước ngoài có được hưởng chế độ thai sản không?

*Bạn đọc hỏi: chị Lê Quỳnh, sinh năm 1986, trú tại Quận 7, TP.HCM hỏi: Tôi là người Việt Nam, kinh doanh tự do, không tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH). Tôi có chồng là người Anh, làm quản lý dự án cho một công ty ở Việt Nam, trụ sở ở TP.HCM theo hợp đồng lao động có thời hạn 2 năm. Chồng tôi có đóng BHXH bắt buộc theo quy định của công ty.

Làm gì khi cơ quan thi hành án chậm trễ trong việc thực hiện thi hành án

*Bạn đọc hỏi: chị Trần Thị D., ở TP Hồ Chí Minh, hỏi: Vợ chồng bà Thảo ông Quy (gọi tắt là vợ chồng bà Thảo) ở Q.Sơn Trà (TP Đà Nẵng) nợ tôi khoản tiền 1,1 tỷ đồng. Tôi kiện vợ chồng bà Thảo ra Tòa án và Tòa án đã tuyên buộc vợ chồng bà Thảo phải trả nợ cho tôi. Tuy nhiên, sau đó, vợ chồng bà Thảo không tự nguyện trả nợ. Tôi đã gửi đơn

Án treo và các điều kiện được hưởng án treo

*Bạn đọc hỏi: Anh Lê Văn T., trú tại Q. Cẩm Lệ ( TP Đà Nẵng ) hỏi: Tôi có con trai, sinh năm 2000, nơi thường trú tại Q.Cẩm Lệ. Vừa qua, con tôi đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt 100 triệu đồng của bà H., hiện con tôi đang bị cơ quan Viện kiểm sát truy tố theo Khoản 2 Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.