Cô giáo có nhiều sáng kiến về điện

Thứ hai, 16/11/2015 10:23

(Cadn.com.vn) - Nhìn vóc dáng mảnh mai, ít ai nghĩ đại úy QN Chuyên nghiệp Nguyễn Thị Thanh Tâm, Phó bí thư Chi bộ, Phó Trưởng khoa Điện - Điện tử, Trường Cao đẳng nghề số 5 (Quân khu 5) lại có niềm đam mê kỳ lạ về điện. Hơn chục năm qua, chị là kỹ sư điện rất năng nổ, là giáo viên gặt hái nhiều giải thưởng trong quá trình giảng dạy. Chị Thanh Tâm tâm sự: “Giáo dục đào tạo nghề là một thành tố quan trọng nhất để phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, giáo viên dạy nghề giữ vai trò quyết định. Chính vì thế mà ngay từ khi bước chân vào trường, tôi luôn đặt cho mình mục tiêu phấn đấu, học tập rèn luyện, trở thành một giáo viên dạy nghề giỏi để góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho xã hội”. Là Phó chủ nhiệm khoa, khối lượng công việc khá nhiều, chị thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các tổ chuyên môn và giáo viên đưa ra những giải pháp để nâng cao chất lượng giảng dạy, đặc biệt là chỉ đạo việc dạy học theo phương pháp tích cực, gắn lý thuyết với thực hành, gắn thực hành với thực tế sản xuất.

Đại úy Nguyễn Thị Thanh Tâm giảng dạy các mô hình về điện với học trò của mình.

Chị đặc biệt say mê nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Ngoài thời gian lên lớp, quản lý, lại cặm cụi ở các phòng học thực hành, tìm hiểu thêm về trang thiết bị để liên tục cho ra các sáng kiến. Trước đây, khi chưa tự làm những mô hình học cụ, việc dạy học gặp rất nhiều khó khăn. Bởi sau mỗi giờ học lý thuyết, đòi hỏi học sinh sinh viên phải được tiếp cận với thực tiễn. Tuy nhiên, không phải lúc nào nhà trường cũng có điều kiện tổ chức cho các em nghiên cứu trực quan sinh động. Thậm chí, nếu có đi đến các cơ sở thì các em cũng chỉ được xem là chủ yếu chứ khó được thực hành do yêu cầu nghiêm ngặt ở đơn vị. Trong khi đó, việc mua các thiết bị, mô hình dạy nghề rất khó do kinh phí cao.

Mặt khác, thiết bị dạy học nghề vẫn còn một khoảng cách nhất định so với  quy trình sản xuất. Không phải thiết bị nào từ nhà sản xuất cũng hoàn hảo và phù hợp với nhu cầu của giáo viên trực tiếp giảng dạy. Chị cùng tổ bộ môn làm các mô hình như: “Băng chuyền vận chuyển và đếm sản phẩm” đạt giải nhì Quân khu 5, giải khuyến khích toàn quân, toàn quốc; mô hình “Điều khiển động cơ điện không đồng bộ 3 pha” đạt giải nhì thành phố Đà Nẵng. Là một cán bộ Đoàn, thường hay tổ chức các hoạt động phong trào, chị nghiên cứu và hướng dẫn các em nghề điện thực hiện mô hình “Hệ thống điều khiển, khống chế đèn chuông”... Chị cũng hoàn thành mô hình “Đường dây và trạm biến áp” không những giúp học viên nắm rõ hơn về nguyên lý truyền tải điện năng mà các em còn được thực hành lắp đặt hoàn thiện một trạm biến áp.

Đầu năm 2015, chị đã thiết kế và chế tạo mô hình “Điều khiển, giám sát hoạt động của băng chuyền bằng phần mềm WINCC 7.0 và PLC S7-200” phục vụ cho việc dạy học lý thuyết và thực hành cho các mô-đun tự động hóa, PLC, kỹ thuật lập trình, kỹ thuật cảm biến, bảo đảm các yêu cầu về công nghệ, kỹ thuật và mỹ thuật như sản xuất trên thị trường. Về kinh tế, mô hình có kích thước hợp lý, tiết kiệm không gian nhà xưởng khi bố trí lắp đặt và giá thành chỉ còn 1/5 so với thiết bị mua trên thị trường.

Nhờ được tiếp cận với nhiều mô hình thực tế, chất lượng học viên, sinh viên của Trường Cao đẳng Nghề số 5 được đánh giá cao, đồng thời giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí cho nhà trường. Chị Tâm cho biết: “Hạnh phúc của tôi là thấy các em tự tin trong học tập và ra trường đáp ứng được yêu cầu ngày càng khó tính của thị trường lao động. Ngoài nỗ lực của bản thân, tôi đã được sự quan tâm tạo điều kiện rất lớn của nhà trường, sự giúp đỡ từ đồng nghiệp. Trong nghiên cứu khoa học, có những công việc rất khó, tưởng chừng không thực hiện được, đặc biệt đối với phụ nữ, nhưng nếu ta có ý chí, nghị lực, dám đương đầu thử sức thì chắc chắn sẽ thành công”. Công sức của Nguyễn Thị Thanh Tâm được ghi nhận khi chị đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp trường năm 2014; Giáo viên dạy giỏi thành phố các năm 2004, 2007, 2011; phụ nữ điển hình tiên tiến 5 năm (2010 - 2015) cấp Quân khu.

Bài, ảnh: Hồng Vân