“Cò” Hoa khuynh đảo dịch vụ đáo hạn ngân hàng như thế nào?
(Cadn.com.vn) - “Cò” Hoa, tức Nguyễn Thị Hoa (1970, trú xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc), từ một người mua bán nông sản đã “chuyển nghề” sang “chạy” thủ tục đáo hạn ngân hàng.
Thông qua sự tiếp tay của một số cán bộ ngân hàng và UBND xã, “cò” Hoa đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 33 tỷ đồng của nhiều hộ dân ở xã Hòa Thắng, xã Ea Kao (TP Buôn Ma Thuột) và xã Ea H'ding (H. Cư M'gar, Đắc Lắc) bằng cách vay lại, vay ké, lừa vay ké.
Giữa tháng 11-2013, TAND tỉnh Đắc Lắc đã xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với bị cáo Nguyễn Thị Hoa và đồng phạm. Tuy nhiên, sau phần khai mạc, HĐXX TAND tỉnh đã hoãn phiên tòa vì 31 bị hại và 13 nhân chứng vắng mặt.
Thủ đoạn lừa đảo của “cò” Hoa
Theo tìm hiểu của PV Báo Công an TP Đà Nẵng, Hoa bắt đầu làm “cò” dịch vụ đáo hạn ngân hàng từ năm 2005, cũng khoảng thời gian này, việc kinh doanh nông sản của thị bị thua lỗ nên nợ nần khá nhiều. Tính đến tháng 10-2008, Hoa đã nợ khoảng 9 tỷ đồng. Vậy nên Hoa cố “giật gấu vá vai” bằng việc buôn bán cà-phê và “chạy” thủ tục đáo hạn ngân hàng (chủ yếu tại phòng giao dịch (PGD) Tân Lợi, Ngân hàng NN&PTNT Đắc Lắc).
Bằng nhiều cách khác nhau, Hoa đã “cài” nhiều điều khoản có lợi vào hợp đồng đáo hạn để vay thêm tiền (số tiền đó Hoa nhận), hoặc Hoa đề nghị cho vay ké và chịu trách nhiệm trả lãi suất khoản vay thêm, vay ké. Ngoài ra, Hoa còn dùng thủ đoạn lừa vay ké một số trường hợp nhờ Hoa làm thủ tục đáo hạn. Cụ thể, lợi dụng sự tin tưởng của người vay, Hoa đã ghi thêm số tiền vay trong hợp đồng mà người vay không hề biết.
Để qua mặt chủ tài sản (người vay), từ khi họ ký hồ sơ (tại nhà Hoa) đến lúc gặp cán bộ tín dụng, Hoa luôn có mặt và trực tiếp cầm hồ sơ, lật từng trang để người vay ký mà không thể đọc nội dung. Đến lúc nhận tiền, Hoa để người vay ký biên nhận, còn tiền mặt thì Hoa nại ra các lý do rồi trực tiếp nhận tiền rồi sau đó mới đem tiền đưa cho người vay (động thái này để Hoa qua mặt người vay và lấy bớt số tiền lừa vay ké).
Như trường hợp của bà Nguyễn Thị Cận (thôn 1, xã Hòa Thắng) nhờ Hoa vay 200 triệu đồng, đến hạn, do không có tiền trả nên bà Cận nhờ Hoa làm thủ tục đáo hạn vay 250 triệu đồng đã bị Hoa lừa vay ké thêm 50 triệu đồng. Chỉ đến khi Hoa vỡ nợ, bà Cận mới biết mình bị Hoa lừa vay ké 50 triệu đồng.
Đến cuối năm 2009, Hoa tuyên bố vỡ nợ. Tổng số tiền mà Hoa đã chiếm đoạt từ việc “vay lại, vay ké, lừa vay ké” của 61 cá nhân lên đến hơn 33 tỷ đồng. Nhiều người “chết điếng” vì đã lỡ cho “cò” Hoa vay mượn tiền tỷ như: bà Chu Hồng Loan (xã Hòa Thắng) hơn 6,9 tỷ đồng, bà Dương Thị Thu Hương (P. Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột) gần 9 tỷ đồng...
Nghiêm trọng hơn, thủ đoạn của Hoa đã gây ra nhiều hệ lụy đau buồn, trong đó có gia đình người bị hại vì khủng hoảng đã tự tử như vợ chồng anh Nguyễn Hậu và chị Đào Thị Phúc. Bên cạnh đó, hành vi của thị Hoa còn gây khiếu kiện kéo dài nhiều nơi, nhiều cấp và làm mất ANTT tại địa phương.
Các đối tượng gây ra vụ lừa đảo hàng chục tỷ đồng do "cò" Hoa cầm đầu. |
Những ai tiếp tay “cò” Hoa lừa đảo?
Sau khi sự việc “cò” Hoa lừa đảo vỡ lở, vấn đề được đặt ra là vì sao “cò” Hoa chiếm đoạt tiền tỷ của hàng chục hộ dân một cách dễ dàng như vậy? Như đã đề cập ở đầu bài viết là do có sự tiếp tay của nhiều cán bộ ngân hàng và chính quyền xã Hòa Thắng.
Theo quy định, người có nhu cầu vay phải trực tiếp mang giấy tờ pháp lý về tài sản thế chấp gặp cán bộ tín dụng để lập dự án vay và phải được cán bộ tín dụng thẩm định tài sản có đảm bảo thế chấp rồi mới có thể lập thủ tục vay vốn ngân hàng. Nếu đảm bảo thủ tục được vay, thì hồ sơ phải được chứng thực của chính quyền địa phương trước khi giải ngân.
Tuy nhiên, “cò” Hoa đã móc nối với nhiều cán bộ liên quan trong hoạt động vay, đáo hạn như cán bộ PGD Tân Lợi và cán bộ UBND xã Hòa Thắng. Trên thực tế, trong thời gian làm dịch vụ vay, đáo hạn ngân hàng tại PGD Tân Lợi, Hoa liên hệ làm nhanh, lo trọn gói nên người cần vay chỉ cần đưa cho Hoa giấy tờ nhà đất, giấy CMND, sổ hộ khẩu... thủ tục còn lại đều do Hoa lo liệu.
Nhiều trường hợp, Hoa nhận luôn tiền từ ngân hàng, còn người vay chỉ cần ký vào các loại giấy tờ, chi 10% hoa hồng cho Hoa rồi cầm tiền về. Để làm thủ tục nhanh, Hoa còn thuê Hoàng Đức Thạch làm nghề chạy xe thồ đi làm thủ tục thay người vay.
Trong vụ án này, ngoài bị cáo Hoa còn có 7 bị cáo khác nguyên là cán bộ PGD Tân lợi và UBND xã Hòa Thắng, gồm: Nguyễn Văn Nhân (nguyên Tổ trưởng Tổ tín dụng), Trần Dũng (nguyên cán bộ tín dụng), Đoàn Thị Thu An (nguyên thủ quỹ), Trần Văn Lâm (nguyên Giám đốc PGD Tân Lợi) và Phan Văn Thịnh (nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng), Nguyễn Công An và Bùi Thị Hồng Sen (nguyên cán bộ tư pháp xã Hòa Thắng).
Kết quả điều tra xác định: Nhân, Dũng là người trực tiếp giải quyết việc cho vay nhưng không tiến hành thẩm định hoặc thẩm định sơ sài... Trong số 49 hồ sơ vay vốn mà Nhân, Dũng làm thì có đến 46 trường hợp cho vay sai mục đích. Riêng Đoàn Thị Thu An là thủ quỹ, thủ kho đã nhiều lần giao tài sản thế chấp cho cán bộ tín dụng để làm hồ sơ vay lại cho nhanh, chi tiền cho vay không đúng quy định trong hoạt động tín dụng.
Trần Văn Lâm, với tư cách là giám đốc PGD Tân Lợi đã thiếu trách nhiệm khi ký 53 hồ sơ vay vốn không đúng quy định, thiếu trách nhiệm kiểm tra cán bộ tín dụng, thủ quỹ, thủ kho khi thực hiện các công việc được giao, gây hậu quả nghiêm trọng. Đối với Phan Văn Thịnh với tư cách là Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng đã thiếu trách nhiệm kiểm tra ký chứng thực 31 hợp đồng thế chấp tài sản do cán bộ tư pháp UBND xã Hòa Thắng tham mưu, gây thiệt hại lợi ích hợp pháp của công dân.
Các đối tượng Nguyễn Công An, Bùi Thị Hồng Sen phạm tội lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Các đối tượng này được xác định đã nhiều lần làm trái công vụ, tham mưu trình lãnh đạo UBND xã Hòa Thắng ký chứng thực nhiều hợp đồng thế chấp tài sản không đúng quy định, gây thiệt hại lợi ích hợp pháp của công dân.
Bài, ảnh: Hữu Phúc