Cơ hội cho chính phủ Mỹ

Thứ hai, 14/10/2013 00:47

(Cadn.com.vn) - Hôm nay (14-10), Hạ viện dự kiến sẽ hoạt động trở lại trong khi Thượng viện đã có cuộc họp với Tổng thống Barack Obama, mở ra cơ hội cho chính phủ Mỹ.

Đã 13 ngày trôi qua kể từ khi chính phủ Mỹ buộc phải đóng cửa vì thế bế tắc trong chi tiêu ngân sách giữa hai đảng ở Quốc hội.

Trong tình thế khó khăn này và khi các cuộc đàm phán giữa Nhà Trắng và đảng Cộng hòa ở Hạ viện bị phá vỡ, mọi con mắt đổ đồn vào Đồi Capitol hướng đến Thượng viện, nơi duy nhất có thể đạt được thỏa thuận phá vỡ bế tắc ngân sách trong những ngày sắp tới. Hiện, Bộ Tài chính Mỹ thông báo sẽ cạn tiền mặt để thanh toán mọi khoản chi trả của đất nước vào ngày 17-10 tới nếu Quốc hội không nâng trần nợ công.

Tổng thống Mỹ Obama (giữa) gặp gỡ các nghị sĩ Dân chủ để bàn cách
tháo gỡ thế bế tắc hiện nay tại Quốc hội. Ảnh: AFP

Tháo gỡ bế tắc như thế nào?

Để phá vỡ bế tắc, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Susan Collins đề xuất, cấp ngân sách 6 tháng cho chính phủ mở cửa hoạt động trở lại và gia hạn quyền vay nợ cho Bộ Tài chính đến hết ngày 31-1-2014.

Thủ lĩnh phe Dân chủ tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Harry Reid hoan nghênh kế hoạch này song nói rằng, đề xuất vẫn chưa đáp ứng được yêu sách của phe Dân chủ. Ông Reid tiếp tục hối thúc Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát trước hết phải cho phép chính phủ mở cửa trở lại, đồng thời nhanh chóng tăng trần nợ công nhằm tránh đẩy nước Mỹ lần đầu tiên rơi vào tình trạng vỡ nợ khi thời hạn chót 17-10 đang đến gần. Khi được hỏi liệu ông nghĩ rằng, liệu sẽ có một giải pháp thay thế hay không, ông Reid nói: “Tôi nghi ngờ điều đó”. Nhưng hiện có dấu hiệu cho thấy, ông Reid và lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell đã nói chuyện về việc tìm kiếm một giải pháp cho cuộc chiến tài chính lần này.

Trong đề xuất của Thượng nghị sĩ Collins có một điểm muôn thuở mà phe Dân chủ kiên quyết bác bỏ, đó là trì hoãn 2 năm tăng thuế đối với ngành công nghiệp chế tạo thiết bị y tế trong Đạo luật ObamaCare. Hôm 12-10, chính Tổng thống Obama cũng gọi điện cho Chủ tịch Hạ viện John Boehner từ chối đề nghị này. Thế bế tắc vẫn hiện hữu.

Đáp trả, đảng Cộng hòa tại Hạ viện tẩy chay cuộc họp vào hôm 13-10 tại Quốc hội và chỉ ra rằng, Hạ viện sẽ không hoạt động cho đến khi Thượng viện trở lại với một giải pháp. “Không có thỏa thuận như chúng tôi nghĩ đến”, hạ nghị sĩ Paul Ryan, R-Wis, vừa nói vừa nhanh chóng rời khỏi cuộc họp. Trong khi đó, hạ nghị sĩ Raul Labrador cũng khẳng định với các phóng viên, “mọi việc bây giờ nằm trong tay Thượng viện”.

Nước Mỹ trong tình thế rất nguy hiểm

13 ngày sống trong tình trạng các công sở liên bang đóng cửa, các công viên Quốc gia im lìm, nhân viên liên bang nằm vật vờ ở nhà... nước Mỹ đang tự biến mình vào một “tình thế rất nguy hiểm” như nhận xét của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim.

“Chúng ta hiện chỉ còn 5 ngày là đến thời điểm rất nguy hiểm. Càng tiến gần đến thời hạn chót, tác động đối với thế giới đang phát triển sẽ càng ghê gớm... Đây có thể là sự kiện mang tính thảm họa không chỉ đối với thế giới đang phát triển, mà còn gây tổn hại cực kỳ to lớn đối với các nền kinh tế phát triển. Tôi hối thúc các nhà hoạch định chính sách Mỹ ngăn chặn cuộc khủng hoảng này”, ông Kim cảnh báo trong bài phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị thường niên giữa WB và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Washington hôm 12-10 (giờ địa phương). Theo vị lãnh đạo WB, nếu thảm họa xảy ra, các nền kinh tế thế giới và Mỹ sẽ đối mặt với tình trạng lãi suất cao hơn, niềm tin sụt giảm và tăng trưởng chậm lại.

Rõ ràng, cuộc đấu đá quyền lực dẫn đến kéo dài tình trạng đóng cửa công sở liên bang đang ngày càng khiến người dân Mỹ khổ sở và tức giận. Theo kết quả thăm dò mới nhất, có tới 60% những người Mỹ được hỏi ý kiến nói rằng, nếu được phép, họ sẽ thay thế toàn bộ lưỡng viện Quốc hội khóa 113 hiện nay. Nhưng một giải pháp cho việc mở cửa lại chính phủ hiện rất khó có thể đạt được cho đến ngày 15-10.                                              

Khả Anh