Cơ hội để chọn cán bộ có tâm, có tầm, có bản lĩnh
Đó là nội dung được Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nêu ra tại Hội nghị Thành ủy Đà Nẵng lần thứ 13 ngày 4-7. Cũng tại hội nghị này, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích tìm giải pháp thực hiện hiệu quả năm đẩy mạnh thu hút đầu tư, chấn chỉnh tinh thần nhiệt huyết làm việc của đội ngũ cán bộ công chức, siết chặt quản lý xây dựng, xử lý ô nhiễm môi trường...
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa phát biểu tại Hội nghị. |
Ngoài tìm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, quản lý đô thị thì một vấn đề rất “nóng” được Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đề cập ngay phần đầu hội nghị đó là tinh thần, thái độ làm việc của bộ máy cán bộ. Ông Nghĩa nói: Thời gian vừa qua tư tưởng, động lực, nhiệt huyết làm việc của một bộ phận không nhỏ cán bộ, kể cả cán bộ lãnh đạo có phần chững lại, một bộ phận cán bộ giảm sút về ý chí , tư tưởng giữ mình, sợ trách nhiệm, thiếu tích cực, thiếu chủ động tham mưu, đề xuất dẫn đến hiệu quả công tác một số sở ngành có nhiều giảm sút, hạn chế. Đây là vấn đề cần phải sớm đưa ra giải pháp khắc phục.
“Điểm nóng” trật tự xây dựng
Trong 6 tháng qua hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của TP tăng trưởng khá, tổng sản phẩm xã hội tăng 7,54% so cùng kỳ, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 52% dự toán, thu hút hơn 4 triệu lượt du khách, tăng hơn 29%. Với chủ đề trọng tâm của năm đẩy mạnh thu hút đầu tư, TP cũng bước đầu đạt được kết quả tích cực. Cụ thể như đã làm việc, ký kết biên bản ghi nhớ với Liên đoàn sản xuất Singapore và Tập đoàn Sakae Holdings về qui hoạch phát triển TP, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đầu tư, phát triển sản xuất. Qua 6 tháng, TP đã cấp giấy chứng nhận đăng ký cho 2.166 doanh nghiệp, tăng 8%, cấp mới 61 dự án FDI (tăng 150% dự án, tăng hơn 237% về vốn). Tuy vậy, theo Bí thư thành ủy Trương Quang Nghĩa, tình hình sản xuất, kinh doanh tại TP còn gặp nhiều khó khăn, một số chỉ tiêu nhiệm vụ chưa đạt kế hoạch đề ra như chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp, xuất khẩu phần mềm, doanh thu viễn thông, giải ngân vốn xây dựng cơ bản...Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực như xây dựng, môi trường còn bất cập. Cụ thể như việc xây dựng không phép, trái phép còn nhiều, cá biệt có dự án như Mường Thanh chủ dự án cố ý sai phạm nhiều lần, chây ỳ, chậm trễ trong việc khắc phục sai phạm.
Giám đốc Sở Xây dựng Vũ Quang Hùng cho biết, 6 tháng qua TP đã cấp 10,3 ngàn giấy phép xây dựng, các quận huyện kiểm tra 7.400 trường hợp và phát hiện vi phạm 149 trường hợp, xử phạt tiền gần 2 tỷ đồng. Ngoài ra, Sở Xây dựng kiểm tra 400 lượt, phát hiện vi phạm 43 trường hợp, tiền xử phạt tăng từ 700 triệu lên 1,7 tỷ đồng so với cùng kỳ. Điều đáng nói là ở các quận huyện kiểm tra nhiều nhưng tỷ lệ xử phạt ít, vì thế phải tăng cường, bám sát hơn. Ông Hùng cũng đề nghị TP sớm ban hành qui chế xử lý vi phạm trật tự xây dựng bằng hình thức cắt điện, nước và đề nghị sớm kiện toàn bộ máy qui tắc đô thị. Ngoài một số vụ vi phạm xây dựng xử lý nghiêm như Eden, The Song thì vi phạm của Mường Thanh, ông Hùng nói tháng 8 tới nếu chủ đầu tư không tự nguyện tháo dỡ TP sẽ cưỡng chế.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nói, vi phạm trật tự đô thị từ lấn chiếm đất công, xây dựng không phép, trái phép diễn ra khắp các địa bàn. Phần lớn các vụ việc diễn ra tại cơ sở nhưng chậm phát hiện. Vậy tại sao có tình trạng kiểm tra nhiều, phát hiện, xử lý ít? Tại dự án qui hoạch ga đường sắt mới, xây dựng trái phép hơn 1.000 trường hợp, vậy nhưng bao lâu nay cán bộ cơ sở vẫn yên vị, thậm chí thăng quan tiến chức. Rõ ràng, lãnh đạo địa phương phải thật “rắn”, không dung túng, bao che, quản không được thì phải xử lý cán bộ.
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nói, việc chấp hành pháp luật xây dựng trước hết thuộc về chủ đầu tư dự án, thanh tra xây dựng không thể suốt ngày đi dòm ngó người ta, cũng không có đủ người, thời gian để giám sát từng công trình. Để giảm thiểu phiền toái cho nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước chỉ tập trung vào khâu nghiệm thu, khi công trình xây xong không đảm bảo qui định pháp luật, sai phép chỗ nào thì phải đập bỏ chỗ đó, kiên quyết không cho đưa vào hoạt động. Đơn cử như Mường Thanh, ông Nghĩa nói sai phạm là phải xử lý nghiêm túc. Đây có phải ông lớn gì mà ở địa phương nào cũng vi phạm, đến Đà Nẵng vi phạm thì phải xử lý. Vừa rồi, họ dùng nạn nhân làm bình phong (hiện có 39/104 căn hộ vi phạm đã bàn giao cho khách hàng), thậm chí còn dựa vào thanh tra Bộ Xây dựng, một số tờ báo để đưa ra những thông tin làm dư luận hiểu không đúng về quá trình xử lý của TP. Có người rất khen ngợi Đà Nẵng nếu xử lý được vụ Mường Thanh, nhưng ông Nghĩa nói xử lý Mường Thanh không phải vì cái tiếng mà vì sự nghiêm túc trong thực thi pháp luật ở một TP đang phát triển.
Công trình Mường Thanh vi phạm trật tự xây dựng. |
Phải vì cộng đồng
Mở rộng công viên, mở lối xuống biển, xây dựng bãi đỗ xe công cộng, xử lý ô nhiễm môi trường ven biển... là những việc khó khăn, đòi hỏi nguồn lực lớn, tuy nhiên quan điểm của lãnh đạo TP sẽ phải nỗ lực hết sức để thực hiện, vì những việc đó là cấp thiết, cộng đồng đang trông chờ. Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, lối xuống biển dọc đường Hồ Xuân Hương sắp được mở (rộng 15m), lối xuống biển cạnh Furama hơn 12.700m2 đã công khai qui hoạch và sẽ triển khai trong năm nay, lối xuống biển đối diện đường Huyền Trân Công Chúa đã có phương án qui hoạch, sẽ thu hồi đất, chuẩn bị nguồn lực đầu tư. Ngoài ra, tuyến đường dạo dọc bờ biển đã có phương án, đã làm việc với các DN, sẽ có báo cáo lãnh đạo TP trong tháng 8-2018.
Với khu vực dự án tại Nam Ô tổ chức 3 lối xuống biển, giữ lại một phần diện tích làm làng nghề, giảm diện tích dự án từ 36ha xuống 26ha. Về các công viên, ông Tuấn cho biết TP đã phê duyệt công viên biển đường Nguyễn Tất Thành, mở rộng công viên APEC thêm khoảng 8 ngàn mét vuông theo hình thức hoán đổi đất.
Riêng với quảng trường trung tâm, TP đã vạch lộ giới, tổ chức các tuyến đi bộ. Dự án Vũ Châu Long bên nhà hát Trưng Vương sẽ thu hồi, 4 tầng hầm đã xây sẽ dùng để xe, bên trên làm công viên. Khu đất còn lại bên hông nhà hát Trưng Vương TP đang làm việc với nhà đầu tư để thu hồi lại. Riêng bán đảo Sơn Trà, hiện Thanh tra đang hoàn tất kết luận, khi có chỉ đạo của Thủ tướng, TP sẽ làm đúng theo chỉ đạo. Với dự án Công viên Đại Dương, TP cũng tổ chức các hội thảo ghi nhận ý kiến về những tác động tới môi trường, hệ sinh thái trước khi quyết định. Với Khu đô thị Đa Phước thanh tra Chính phủ đang triển khai, TP chờ có kết luận để thực hiện. Với nhà hàng bến du thuyền phía nam cảng Sông Hàn, TP đang tham vấn ý kiến luật sư để thu hồi dự án.
Hiện tại trung bình mỗi ngày Đà Nẵng có 50 ô-tô đăng ký, bình quân mỗi năm hơn 12 ngàn ô-tô đăng ký từ đó dẫn đến nhu cầu đậu đỗ xe rất bức bách, đặc biệt khu vực trung tâm. Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, hiện TP đã kêu gọi đầu tư 4 bãi xe công cộng theo hình thức xã hội hóa, tháng 8 này sẽ triển khai bãi đỗ xe thông minh, ngoài ra còn 16 bãi đỗ xe khác đang và sẽ triển khai. Ông Trung đề xuất TP nghiên cứu chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư khi đầu tư bãi đỗ xe công cộng, đồng thời đề nghị TP lập Cty khai thác các bãi xe này. Ông Huỳnh Đức Thơ cho biết, không phải cứ chỗ nào thấy trống là làm bãi đỗ xe công cộng đã phù hợp, mà quan trọng cần qui hoạch, đúng vị trí người dân cần đậu đỗ.
Vấn đề môi trường của Đà Nẵng cũng đang được người dân, du khách hết sức quan tâm. Ông Thơ nói, gần 1 tuần nay các bãi biển phía đông rất ngứa, diễn ra trên diện rộng, người ta nói do biển ô nhiễm, làm ảnh hưởng tới môi trường du lịch. Tuy vậy, Sở TN&MT, Sở Y tế vẫn chưa đưa ra công bố rõ ràng nguyên nhân hiện trạng này. Giám đốc Sở TN&MT Lê Quang Nam cho biết, ngày 26-6 quan trắc môi trường biển cho các thông số nằm trong tiêu chuẩn cho phép. Sau cơn mưa thì phát hiện sứa nổi lên nhiều, chủ yếu là sứa lửa, chạm vào người sẽ nổi mụn sần trùng với hình ảnh mà người dân tắm biển chụp đưa lên mạng xã hội. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn, theo ông Nam là dọc tuyến Võ Nguyên Giáp hiện còn 5 cửa xả không được thu gom nước thải mà xả thẳng ra biển. Năm 2019, TP sẽ đầu tư gần 1.000 tỷ đồng thu gom toàn bộ nước thải, nước mưa đưa về xử lý, không để xả thẳng ra biển khu vực Mỹ Khê, tránh tình trạng ô nhiễm và xé toang bờ biển.
Không để bộ máy trì trệ
Giám đốc Sở Nội Vụ Đà Nẵng Võ Ngọc Đồng cho biết, qua rà soát, sắp xếp lại bộ máy cán bộ đã phát hiện nhiều bất cập. Đơn cử như việc bố trí, công tác chuyên môn các phòng của quận huyện không phù hợp, phòng nào cũng có kế toán, có phòng lao động thương binh tới 7 kế toán. Bên cạnh đó, việc điều động, biệt phái không đảm bảo qui định, có phòng số lượng biệt phái cao hơn chỉ tiêu nhân sự được giao cho phòng đó. Người cần tuyển không có, nhưng người có trong bộ máy, do quen biết thì không cần.
Ông Đồng cũng cho rằng, việc tuyển dụng cán bộ ngoài khối chính quyền cần mời thêm Ủy ban kiểm tra vào tham gia, giám sát như thế sẽ hạn chế tiêu cực. Tuy vậy, theo ông Huỳnh Đức Thơ, điều đáng lo hơn là thái độ, tinh thần làm việc trì trệ của nhiều cán bộ, công chức, kể cả người đứng đầu một số đơn vị. Ông Thơ nói, cán bộ đứng đầu phải năng động, đề xuất nhiều sáng kiến, chứ không phải vin vào các qui định, với thái độ vo tròn, sợ kỷ luật, không dám làm. Trong tình hình TP thanh tra, kiểm tra nhiều, cũng có một bộ phận cán bộ lợi dụng việc đó, để thụ động trong công việc, không chịu làm, cứ để nước chảy bèo trôi. Đúng ra, người đứng đầu phải thể hiện được trách nhiệm, vai trò, chính kiến của mình, thì lại thụt lại, nhất là các lĩnh vực liên quan nhiều tới người dân, doanh nghiệp như tài chính, môi trường, xây dựng...
“Người ta cho rằng bộ máy mình đang trì trệ, không cho phép như thế được. Thái độ, động cơ, trách nhiệm làm việc của đội ngũ cán bộ công chức phải rõ ràng” – Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh. Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa thì cho rằng, trong bối cảnh này là cơ hội để TP chọn cán bộ có tâm, có tầm, có bản lĩnh. Trong tham mưu có 2 cách là làm được hay không, làm thế nào, và nên tiếp cận quan điểm làm như thế nào?
HẢI QUỲNH