Cơ hội lớn cho thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2

Thứ bảy, 12/01/2019 11:39

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chấp nhận lời mời thực hiện chuyến thăm mang tính bước ngoặt đến Triều Tiên, một quyết định được cho là bước mở đường lớn cho hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần 2 khi cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều kêu gọi Mỹ đưa ra nhiều nhượng bộ hơn trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp lần đầu tiên ở Singapore hồi tháng 6-2018.   Ảnh: AP

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vừa kết thúc chuyến thăm Trung Quốc, sự kiện mà giới phân tích cho là nhằm đảm bảo mối quan hệ giữa hai nước đồng minh này được thắt chặt trước thềm hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ diễn ra trong vài tuần hoặc vài tháng tới.

Theo các nguồn tin, ông Kim và ông Trump dường như đang chuẩn bị cho cuộc gặp thứ hai của họ trong nỗ lực nhằm khơi thông bế tắc trong cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa của Triều Tiên để đổi lấy đảm bảo an ninh từ Mỹ và những hỗ trợ khác.

Sự lạc quan thận trọng

Thật sự, nhà lãnh đạo Triều Tiên có chuyến đi thành công khi ông rời khỏi Trung Quốc với việc vị thế được tăng cường trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ, ngay cả khi Seoul hối thúc ông phải làm nhiều điều hơn nữa.

Và chính chuyến thăm này càng làm tăng lạc quan thận trọng về thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2. Các nhà phân tích cho rằng, sự lạc quan thận trọng đang tăng lên về hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chính thức có được sự ủng hộ từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về kế hoạch gặp lại Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chủ tịch Tập Cận Bình đã chấp nhận lời mời thực hiện chuyến thăm mang tính bước ngoặt đến Triều Tiên trong bối cảnh cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều kêu gọi Mỹ đưa ra nhiều nhượng bộ hơn trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa.

Giới quan sát cho rằng, sự ủng hộ của ông Tập Cận Bình đối với các bước đi của Bình Nhưỡng về phi hạt nhân hóa - hoặc gián tiếp gây sức ép đối với sự tiến triển về vấn đề này - và mong muốn của ông Kim về kết quả khả quan từ cuộc đàm phán với ông Trump sẽ tạo động lực mới cho nỗ lực hòa bình trên bán đảo bị chia cắt. Yonhap dẫn lời ông Kim Heung-kyu - chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Ajou, nhấn mạnh: “Tóm lại, chuyến thăm của ông Kim Jong-un tới Bắc Kinh lần này có thể được hiểu như là ý chí của ông muốn tiến tới một bước lớn trong tiến trình phi hạt nhân hóa”.

Ông Kim Jong-un có nhiều lý do để thúc đẩy một thỏa thuận lớn với Washington trong năm nay. Đứng đầu trong số đó là cam kết phát triển kinh tế đất nước, vì điều này mà Bình Nhưỡng cần Washington nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Ông Tập Cận Bình có thể đã cố gắng thuyết phục ông Kim Jong-un thực hiện thêm các bước cụ thể hơn nữa trong việc phi hạt nhân hóa của nước này, vì việc thiếu những bước như vậy, có thể làm dấy lên những chỉ trích, Bắc Kinh đã không thể hiện được “vai trò xây dựng” như nước này cam kết trong nỗ lực kiến tạo hòa bình ở bán đảo Triều Tiên.

Bắc Kinh hiện là đồng minh lớn duy nhất, đồng thời là nhà cung cấp thương mại và viện trợ chính của Bình Nhưỡng. Quan hệ Trung-Triều đã trở nên xấu đi trong những năm gần đây khi Trung Quốc trở nên thất vọng với những hành động hạt nhân của nước láng giềng, nhưng đã ấm lên đáng kể trong năm 2018 khi ông Kim và ông Tập gặp nhau tới 3 lần, thường mỗi cuộc gặp như vậy đều diễn ra ngay trước thềm các cuộc gặp thượng đỉnh Triều-Mỹ và Triều-Hàn.

Diễn ra tại Việt Nam hay Singapore?

Địa điểm được lựa chọn cho cuộc gặp lần 2 giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un hiện đang nhận được nhiều sự chú ý. Ông Trump công khai nói rằng, địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh này có thể sẽ được công bố “trong tương lai không xa”.

Và theo các nguồn tin, Singapore và Việt Nam được cho điểm sáng giá nhất để tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2. “Một số địa điểm được truyền thông đề cập bao gồm Việt Nam, Singapore và Hawaii”, tờ Korea Herald dẫn lời một quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, Hawaii được cho là một địa điểm không thực tế vì không có Đại sứ quán Triều Tiên tại đó. Triều Tiên có đại sứ quán ở Singapore và Việt Nam. Ngoài ra, Singapore và cả Việt Nam đều nằm trong khoảng cách bay phù hợp với chuyên cơ Chammae-1 của lãnh đạo Triều Tiên, khi nó chỉ có thể bay được 7.000km. Điều này phù hợp với phát ngôn trước đó của ông Trump, rằng cuộc gặp sẽ được tổ chức ở nơi "nằm trong tầm bay của máy bay”. Tuy nhiên, Singapore là địa điểm đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần 1. Và Việt Nam được đánh giá là “ứng cử viên” số 1.

Trong khi đó, CNN cũng cho biết, các nhóm thăm dò của Nhà Trắng đã tới  Thái Lan, Việt Nam và Hawaii để khảo sát mức độ phù hợp.

KHẢ ANH