Cơ hội lớn, thách thức lớn

Thứ năm, 28/01/2016 11:00

(Cadn.com.vn) - Một Hội nghị Thượng đỉnh về vấn đề viện trợ nhân đạo đầu tiên trên thế giới sẽ diễn ra vào tháng 5 tới, mở ra cơ hội lớn cho các nước, các tổ chức trong kế hoạch giúp đỡ các nạn nhân dịch bệnh, đói nghèo và đặc biệt là nạn nhân chiến tranh. Nhiều người cho rằng, một cái nhìn mới của các nước đối với cuộc khủng hoảng nhân đạo như thế này là điều quan trọng cần thiết.

Nếu số người cần khẩn cấp viện trợ nhân đạo (hiện hơn 100 triệu người) sống trong một quốc gia, tự nó sẽ "hình thành một quốc gia lớn thứ 12 trên thế giới". Tất nhiên, đây chỉ là cách so sánh cho vui nhưng nó rất hữu ích vì hai lý do. Một là, kể từ sau Thế chiến II, đã có rất nhiều người buộc phải di dời do chiến tranh, thay đổi khí hậu, đói nghèo. Hai là, vào tháng 5 tới, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên về phản ứng nhân đạo cho các cuộc khủng hoảng, từ Burundi đến Yemen - trong đó, nếu tính toàn diện thì có ảnh hưởng tương đương với một đất nước rộng lớn.

Tổng chi tiêu viện trợ nước ngoài của chính phủ các nước đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua, đạt mức kỷ lục hơn 137 tỷ USD. Và tại Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới, LHQ sẽ nỗ lực kêu gọi các quốc gia tài trợ 20 tỷ USD để hỗ trợ các công việc liên quan khác của LHQ. Tuy nhiên, hội nghị này có thể đạt được một mục đích khác. Những người ủng hộ viện trợ hy vọng sẽ có những cải cách trong kế hoạch và chính sách về viện trợ của chính phủ các nước bằng cách nỗ lực kiểm soát các nhóm địa phương. Viện trợ quá nhiều, thậm chí nếu được tài trợ quá tốt, sẽ dẫn đến việc bỏ qua những biện pháp kiểm soát tập trung chặt chẽ.

Chẳng hạn như, sau vụ sóng thần kinh hoàng ở Ấn Độ Dương năm 2004, thế giới đã kêu gọi được rất nhiều tiền cho các nạn nhân. Tuy nhiên, một đánh giá sau cuộc khủng hoảng cho thấy, "các cơ quan quốc tế thường xuyên bỏ qua năng lực của chính quyền địa phương sang một bên"  và không quan tâm liệu hàng viện trợ có đến đúng nơi. Và một cuộc khảo sát sau trận động đất năm 2015 ở Nepal cũng cho thấy, viện trợ không đáp ứng các ưu tiên của hầu hết người dân địa phương. Chỉ có một phần nhỏ viện trợ trực tiếp đến được với các nhóm địa phương phi chính phủ.

"Các kiến trúc viện trợ chúng tôi xây dựng sau Thế chiến II không còn phù hợp với mục đích hiện nay", Cao ủy LHQ về người tị nạn Antonio Guterres thừa nhận đồng thời cho rằng, "trừ khi chúng ta sửa chữa hệ thống này, mọi thứ đang đi theo con đường khó khăn hơn". Nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề quan trọng là cần làm việc chặt chẽ với các nhóm địa phương có khả năng "thích hợp văn hóa" trong việc cung cấp viện trợ. Họ là những người đầu tiên tiếp xúc với nguồn viện trợ, có khả năng đánh giá nhu cầu và rủi ro.

Rõ ràng, với số lượng người cần viện trợ nhân đạo tăng gấp đôi trong thập kỷ vừa qua, việc xem xét lại quy trình viện trợ là điều cần phải bàn. Dĩ nhiên, đây không phải là việc dễ dàng.

Thanh Văn