Cơ hội mới cho người học đam mê cơ khí hàng không

Thứ hai, 24/02/2020 12:27

Một trong hai chuyên ngành mới được Trường ĐH Bách khoa- ĐH Đà Nẵng (ĐHBKĐN) sẽ mở trong năm 2020 là chuyên ngành Cơ khí hàng không (thuộc ngành Kỹ thuật Cơ khí). ĐHBKĐN cũng là trường ĐH đầu tiên ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên mở chuyên ngành đào tạo này. Điều đáng nói, chuyên ngành này được mở theo đơn đặt hàng của Tập đoàn Universal Alloys Corporation - UAC (tập đoàn chuyên sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Mỹ).

SV Trường ĐHBKĐN với các công trình nghiên cứu khoa học (ảnh có tính chất minh họa).

PGS.TS Nguyễn Hồng Hải- Trưởng Phòng Đào tạo trường ĐHBKĐN- cho biết, từ lâu, Trường ĐHBKĐN đã ấp ủ dự định mở chuyên ngành này nhưng do lúc đó đội ngũ giảng viên giảng dạy chuyên ngành còn thiếu, cơ sở vật chất chưa được đầy đủ, đầu ra chưa có. Năm 2019, Tập đoàn UAC có dự án sản xuất linh kiện máy bay và thiết bị hàng không vũ trụ tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Dự án này có tổng vốn đầu tư lên đến 170 triệu USD. Trong giai đoạn 1, UAC khởi công xây dựng nhà xưởng để phục vụ cho việc sản xuất các bộ phận, chi tiết dùng trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. Sản phẩm từ nhà máy này sẽ được cung ứng cho việc lắp ráp, chế tạo các bộ phận thân máy bay 787, 777, 737 của  Tập đoàn hãng Boeing; phục vụ chế tạo động cơ cho Rolls Royce.

Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có trình độ cao này, năm 2019, tập đoàn đã nhiều lần đến làm việc với nhà trường. Đích thân Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng cũng đã giao nhiệm vụ cho trường ĐHBKĐN là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật-công nghệ chất lượng cao của TP, trong đó có dự án của tập đoàn UAC. Đó chính là cơ hội cũng là điều kiện thuận lợi để Trường ĐHBKĐN mở chuyên ngành mà nhà trường ấp ủ bấy lâu nay. "Đây có thể được xem là chương trình đào tạo theo đơn đặt hàng và hợp tác của DN. Theo đó, từ khâu xây dựng chương trình đào tạo đến đầu ra đều có sự tham gia từ phía Tập đoàn UAC. Tập đoàn sẽ cử chuyên gia cùng tham gia giảng dạy với nhà trường, đồng thời sẽ hỗ trợ cho SV từ điều kiện thực tập tại nhà máy, đến điều kiện thực hiện dự án..."- PGS.TS Nguyễn Hồng Hải chia sẻ thêm.

Cũng theo Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐHBKĐN, theo dự thảo của Bộ GD-ĐT, chỉ tiêu tuyển sinh với ngành mới mở tối đa là 50, nhưng trong năm đầu tiên tuyển sinh này, nhà trường chỉ lấy 40 chỉ tiêu ở chuyên ngành này (40/3180 tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2020 của toàn trường). "Quan điểm của Trường ĐHBKĐN là phải đảm bảo được chất lượng đầu vào, nhằm đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Theo yêu cầu của DN, chuyên ngành mới mở này đòi hỏi chuẩn đầu ra về tiếng Anh rất cao, tối thiểu phải đạt TOEIC 600 theo chuẩn quốc tế. Vì thế, trong quá trình theo học chuyên ngành này, SV sẽ được giảng dạy bằng tiếng Anh ở nhiều môn học..."- PGS.TS Nguyễn Hồng Hải giải thích.

Được biết, các môn dùng để xét tuyển chuyên ngành này nằm trong tổ hợp xét tuyển A hoặc A1, thời gian học 4 năm. Ngoài ra, tùy theo nhu cầu, Trường ĐHBKĐN cũng sẽ có phương án để chuyển những SV có kết quả học lực khá giỏi từ chuyên ngành khác sang chuyên ngành này (với điều kiện SV cũng có nguyện vọng được chuyển sang ngành mới này).

Năm 2021, Tập đoàn UAC dự kiến cần khoảng 650 nguồn nhân lực để phục vụ cho việc sản xuất 4000 chi tiết/5 triệu chi tiết máy bay tại Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ ở Khu công nghệ cao Đà Nẵng; và cần khoảng 1.000 người vào năm 2023.

PHAN THỦY