Cơ hội mong manh
(Cadn.com.vn) - Có thể nói, cơn bão Rammasun là nguyên nhân gần nhất buộc Trung Quốc rút giàn khoan và các lực lượng hộ tống trái phép khỏi vùng biển Việt Nam, có người bảo đó là... ý trời!
Bên lề hội thảo quốc tế mới đây ở Đà Nẵng, giáo sư Carl Thayer (Australia) cho rằng: Cả Việt Nam và Trung Quốc sẽ phải rút tàu khi có bão lớn trên Biển Đông. Đây là cách giảm căng thẳng mà vẫn giữ được thể diện. Khác với những gì giới phân tích quốc tế đưa ra, phía Trung Quốc làm ra vẻ rút giàn khoan sau khi đã đạt được mục đích.
Ngày 15-7, Tân Hoa xã tuyên bố, giàn khoan Hải Dương 981 đã “hoàn tất quá trình khoan thăm dò”. Tiếp đó, tại cuộc họp báo ngày 16-7, ông Hồng Lỗi, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói: “Các cơ quan hữu quan sẽ căn cứ trên những tư liệu địa chất cơ bản mà đánh giá và phân tích, nghiên cứu để đưa ra phương án hoạt động tiếp theo cho giàn khoan Hải Dương 981”.
Có thể nói, cơn bão Rammasun là nguyên nhân gần nhất buộc Trung Quốc rút giàn khoan và các lực lượng hộ tống trái phép khỏi vùng biển Việt Nam (có người bảo đó là... ý trời). Thế nhưng, có một thực tế phải nhìn nhận khách quan rằng, trong hai tháng rưỡi Trung Quốc tiến hành hành động đơn phương trên Biển Đông, nước này đã gánh chịu những tổn thất không hề nhỏ, nhất là tổn thất về hình ảnh Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới.
Hành động của Trung Quốc đã bị Mỹ, Nhật, EU, ASEAN và nhiều quốc gia, định chế lớn trên thế giới lên án, bày tỏ quan ngại sâu sắc. Trong đó, các quan chức Chính phủ, các nghị sỹ Mỹ thậm chí đã không ngần ngại dùng đến những ngôn từ mạnh mẽ, “phi ngoại giao” để lên án Trung Quốc.
Trong thế bị lên án gần như khắp thế giới, Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng, táo tợn, nhưng qua đó cũng phần nào cho thấy sự lúng túng của giới cầm quyền nước này. Đỉnh cao là việc ấn hành bản đồ khổ dọc, biến yêu sách sai trái “đường chín đoạn” bấy lâu thành “đường mười đoạn” sai trái hơn, và cũng nực cười hơn. Trong hơn hai tháng rưỡi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam, hình ảnh một Trung Quốc “trỗi dậy trong hòa bình” dường như đã sụp đổ ở quy mô toàn cầu.
Để vớt vát, một cách hoàn toàn bất lực, Bộ Ngoại giao Trung Quốc liên tục đưa ra những tố cáo thiếu thuyết phục rằng tàu Việt Nam chủ động đâm húc tàu Trung Quốc, để mong có một điều gì đó thuộc về chính nghĩa, thế nhưng, tiếc thay, họ không thể nào chứng minh được. Đáp lại những lời lẽ vu khống, xuyên tạc của Trung Quốc, ông John Mccain, Thượng nghị sỹ Mỹ, đã dùng một từ rất dân dã mà dễ hiểu: Lố bịch!
Ở một khía cạch khác, hành động của Trung Quốc không chỉ ở Biển Đông mà cả ở biển Hoa Đông, một cách hết sức tự nhiên, đã thúc đẩy các nước có tranh chấp chủ quyền với nước này xích lại gần nhau hơn trong sự hậu thuẫn của các nước khác, nhất là các cường quốc có lợi ích quốc gia tại Biển Đông, nhằm bảo đảm tự do hàng hải và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển. Đó là “diện mạo chính trị” rõ ràng đối lập với những yêu sách và hành động đơn phương nguy hiểm mà Trung Quốc thực hiện, hoàn toàn không phù hợp với các chuẩn mực cũng như lợi ích của cộng đồng quốc tế.
Tóm lại, việc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi vùng biển Việt Nam không chỉ là tránh bão Rammasun (như GS Carl Thayer nói) hay đã hoàn thành mục tiêu (như Trung Quốc nói) mà còn bởi áp lực quốc tế và những tổn hại ngày càng gia tăng đối với nước này.
Bất luận vì nguyên nhân gì đi chăng nữa, đó cũng là điều đáng mừng, tạm thời giải tỏa những căng thẳng và nguy cơ xung đột trên Biển Đông. Tất nhiên, không thể ngây thơ, vội vã tin rằng, giàn khoan Hải Dương 981 “một đi không trở lại”.
Trả lời Báo Giáo dục Việt Nam, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ CA) có lý khi nói rằng: Đây chưa phải là kết thúc. Thời gian tới có thể Trung Quốc sẽ đưa thêm một hoặc nhiều giàn khoan mới ra, lúc đó chúng ta còn căng thẳng, mệt mỏi hơn.
Hẳn nhiên, giới cầm quyền Trung Quốc không thể dễ dàng từ bỏ âm mưu độc chiếm Biển Đông, dứt ra khỏi hàng loạt vấn đề đã gây ra, chỉ với những lý do mang tính “tức thời” nêu trên. Họ cũng không dễ dàng hiểu và nhất là càng khó lòng đáp ứng được khát vọng hòa bình, thịnh vượng của phần còn lại của thế giới trong lúc đã rất sốt ruột vươn lên trở thành cường quốc, sốt sắng thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa” với những lý lẽ và cách thức không giống bất kỳ ai.
Thế nhưng, việc rút lui trong lúc này cũng có thể tạo ra cơ hội (dù có vẻ khá mong manh nhưng quý giá) để Trung Quốc nhìn nhận lại vấn đề, đánh giá thiệt hơn, từ đó có cách tiếp cận khác, chí ít cũng giảm bớt mức độ đe dọa hòa bình, an ninh, luật pháp, dư luận quốc tế... như thời gian qua.
Nguyễn Lê