Có một lễ hội âm nhạc cùng pháo hoa

Thứ ba, 28/04/2015 09:04

(Cadn.com.vn) - Bên cạnh những màn trình diễn ánh sáng rực rỡ, phần âm nhạc trong DIFC Đà Nẵng 2015 cũng đặc sắc và quyến rũ không kém. Với nhiều nét mới mẻ, nhạc hội pháo hoa mùa này sẽ mang đến nhiều thú vị cho du khách.

Trong 5 mùa pháo hoa trước, phần âm nhạc được giao cho Cty Sơn Lâm (Hà Nội) đảm trách, nhưng lần này lại được giao cho Đoàn ca múa nhạc nhà hát Trưng Vương (Đà Nẵng) thực hiện. Việc “đổi chủ” này tất nhiên sẽ tạo ra khác biệt hơn từ cách dàn dựng, tổ chức tới thiết kế sân khấu. Nhạc sĩ Đình Thậm-Giám đốc nhà hát Trưng Vương nói: Ngoài các nghệ sĩ quen thuộc của Đà Nẵng chúng tôi còn mời một đơn vị tổ chức sự kiện hàng đầu của TPHCM là Legato và một đạo diễn chuyên nghiệp rất nổi tiếng khác là Đinh Anh Dũng. Bên cạnh ekip tổ chức chuyên nghiệp, các ca sĩ được mời biểu diễn cũng quy tụ được nhiều tên tuổi từ Bắc tới Nam, nổi bật như Đăng Dương, Phương Linh, Hà Anh Tuấn, Nguyên Vũ, Thảo Trang, Đàm Vĩnh Hưng, nhóm Bee-T, MTV... Đặc biệt, nghệ sĩ Violon nổi tiếng Hàn Quốc là J.Miko cũng góp mặt. Dự kiến khoảng hơn 100 nghệ sĩ được huy động biểu diễn.

Do lễ hội pháo hoa năm nay trùng với kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam nên nội dung phần âm nhạc cũng hướng vào chủ đề này. Theo đó, trong đêm 28-4, chủ đề âm nhạc chính là Khúc ca khải hoàn gồm 12 tiết mục ca ngợi quê hương, đất nước, về quá khứ hào hùng của dân tộc. Nổi bật như Tình ca mùa xuân, Đà Nẵng thành phố tôi yêu, Tiếng hát từ thành phố mang tên Người, Những trái tim Việt Nam... Trong đêm 29-4, chủ đề chính là Bài ca thống nhất với 11 tiết mục như Tổ quốc gọi tên mình, Quê hương tôi, Đất nước trọn niềm vui, Biển trời quê hương. Nhạc sĩ Đình Thậm cho biết, trong mỗi đêm, chương trình nghệ thuật âm nhạc sẽ diễn ra khoảng 1 giờ trước khi vào phần chính của Cuộc thi trình diễn pháo hoa để phục vụ người dân, du khách. Đây đều là các tiết mục được chọn lọc, đầu tư khá công phu với hy vọng khán giả trong lúc chờ đợi “Bản giao hưởng sắc màu” vẫn có thể đắm mình, cuốn hút trong “bữa tiệc” âm nhạc thịnh soạn.

Buổi tổng duyệt chương trình văn nghệ DIFC 2015. Ảnh: C.K

Như thường lệ, khi những màn pháo hoa rực rỡ tỏa sáng trên bầu trời, thì hiệu ứng âm nhạc cũng tác động sâu sắc góp phần đưa khán giả đắm chìm vào khung cảnh của đôi bờ Hàn giang huyền diệu. Vì là cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế, quy tụ các đội pháo hoa đến từ 5 nước đại diện cho 5 châu lục nên những ca khúc, hình ảnh văn hóa đặc trưng của mỗi đất nước cũng được khắc họa thông qua những tiết mục hát múa đặc sắc, giúp khán giả phần nào hiểu về đất nước đó trước khi thưởng thức câu chuyện mà họ kể bằng pháo hoa. Chẳng hạn trước phần thi của đội Nam Phi thì điệu nhảy truyền thống Kwaito trong trang phục, âm nhạc đặc trưng văn hóa Nam Phi sẽ được thể hiện. Tương tự trước khi đội Ba Lan trình diễn “Đam mê của chúng tôi- cảm xúc của các bạn” thì bản Valse của thiên tài người Ba Lan là Chopin sẽ cất lên, 14 diễn viên múa xuất hiện từng đôi trong điệu Valse lãng mạn và tình tứ sẽ dìu khán giả du dương về thăm đất nước Ba Lan xinh đẹp. Có thể nói, chính phần âm nhạc và những vũ điệu đã mang thông điệp hòa hợp, gắn kết, dang rộng vòng tay đón chào du khách, đón chào những người bạn phương xa về với Đà Nẵng để cùng chìm đắm trong “đại tiệc” ánh sáng hân hoan.

Theo đạo diễn Đinh Anh Dũng, hiệu ứng sân khấu tác động rất lớn đến chất lượng chương trình nghệ thuật, nhưng đòi hỏi sân khấu vừa phải đáp ứng cho biểu diễn các tiết mục nghệ thuật, vừa phải tạo không gian thoáng đãng để tránh che chắn tầm nhìn của khán giả khi xem pháo hoa. Do vậy, sân khấu sẽ được thiết kế mở, không phông nền cố định mà phông nền được tạo bởi các khối hình di động. Sau các tiết mục biểu diễn nghệ thuật, các khối hình này được di chuyển về cánh gà. Trong khi pháo hoa tạo hình trên bầu trời thì dưới khán đài, hiệu ứng âm nhạc đi kèm cũng tấu lên theo chủ đề. Chẳng hạn màn trình diễn “Bầu trời xanh Châu Phi” của “quốc gia cầu vồng”, một vùng đất đầy màu sắc thì tất cả các bài hát trong màn trình diễn đều nói về những sắc màu và được sáng tác bởi các nghệ sĩ Nam Phi.

Nhưng “bữa tiệc”  âm nhạc không chỉ có trên sân khấu, trong những màn trình diễn pháo hoa mà ngay cả dưới đường phố, thậm chí trước cả khi diễn ra các đêm thi, âm nhạc cũng được gửi tặng cho du khách đầy ngẫu hứng. Ông Hồ Văn Ánh- Giám đốc Trung tâm tổ chức sự kiện và lễ hội Đà Nẵng cho biết, những bản nhạc du dương, những bài hát đậm đà tình đất, tình quê xứ sở vẫn được gửi tới du khách thập phương đều đặn trên những tuyến phố chính bên bờ Hàn giang trong dịp lễ hội pháo hoa.

Đặc biệt, cũng lần đầu tiên, âm nhạc đường phố kết hợp với ẩm thực 5 nước tham gia cuộc thi đã được tổ chức ngẫu hứng bên đường Bạch Đằng đối diện Trung tâm hành chính TP. Sự quan tâm, tham gia hào hứng của người dân, du khách đã mang tới cho Đà Nẵng một không khí lễ hội hấp dẫn như chưa từng có. Tại đây, những du khách, những bạn trẻ, sinh viên, ngẫu hứng thì mang nhạc cụ lên sân khấu biểu diễn, cùng hát cho nhau nghe, cứ như thể âm nhạc đã thay lời nói, cởi mở những tâm hồn giao hòa cùng nhau. Ông Ánh kể, có du khách bảo: Tôi tới đây thấy được văn hóa của 5 nước, ăn món ăn của 5 nước, thật tuyệt vời, có lẽ chưa cần thiêt đi du lịch đến những nước đó nữa.

Hải Quỳnh