Có một mùa xuân để nhớ (2)

Thứ ba, 20/01/2015 08:38

* Bài cuối: Chúng tôi đón xuân 68

(Cadn.com.vn) - Lệnh của thủ trưởng cơ quan vừa thông báo, 15 phút sau chúng tôi chỉ kịp mang theo gùi báo chí, bản tin, tranh ảnh, túi xách, súng AR15, súng ngắn, máy ảnh, có mặt ngay ở vạt rừng, cách nhà dân, chỗ đóng quân của cơ quan chừng 200 mét. Quá bất ngờ và hồi hộp. Nhưng cái gì đến rồi cũng đến. Chúng tôi nhìn nhau chờ đợi. Một không khí tràn ngập căng thẳng, khẩn trương. Trước mặt chúng tôi là bàn thờ Tổ quốc, chân dung Bác Hồ, cờ Đảng, cờ Tổ quốc rực rỡ và trên tấm phông trắng mới tinh rực lên hàng chữ đỏ thắm: "Lễ Tuyên thệ xuất quân", được bí mật chuẩn bị cách vài giờ.

Lễ chào cờ và mặc niệm trang nghiêm. Trưởng ban Nguyễn Minh Mẫn bước lên đọc lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch Khu ủy V. Rồi ông tiếp: "Giờ phút lịch sử đã điểm. Cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa đã bắt đầu. Toàn miền Nam xuống đường đập tan chế độ ngụy quân, ngụy quyền, tay sai của đế quốc Mỹ, giành chính quyền về tay nhân dân. Đây là thời cơ ngàn năm có một...".

"Giờ G đêm nay sẽ có hiệu lệnh chung toàn miền Nam cho tất cả các quân binh chủng và lực lượng quần chúng nhân dân cả ba vùng, thần tốc xông lên, tiến về thành phố, thị xã, thị trấn, tỉnh đường, quận lỵ, chi khu, đồn bót địch, quét sạch kẻ thù, giải phóng Quảng Nam...".

Các đồng chí! "Chúng ta thề chiến đấu, hy sinh đến giọt máu cuối cùng, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trước giờ phút thiêng liêng này, chúng ta xin thề!"

Xin thề! Xin thề!".

Chúng tôi đồng thanh đưa tay hô to. Tiếng hô như nổ tung, vang lên xé tan sự yên tĩnh thâm u của đại ngàn, như tiếng nấc sung sướng chất chứa bấy lâu nay mới có dịp vỡ òa. Thủ trưởng Mẫn nói lời cuối cùng: "Lệnh xuất quân đã phát. Các đồng chí tuyệt đối giữ bí mật đến cùng. Giờ thì theo giao liên đưa các đồng chí đến các vị trí công tác". Lúc ấy là 17 giờ ngày 30 tháng Chạp, năm 1967. Còn 6 tiếng nữa là đến giao thừa năm Mậu Thân 1968. Lác đác từ những căn nhà núp dưới tàn cây, bóng núi, ven rừng tránh giặc, vương vất đôi làn khói bếp và mùi trầm hương lễ cúng cuối năm thoang thoảng gợi nhớ. Các bộ phận được giao, cùng lúc tỏa xuống thị trấn Hà Lam (Thăng Bình), huyện lỵ Tiên Phước, Quế Sơn, vào Chu Lai (Quảng Tín).

Bộ đội gói bánh tét chuẩn bị đón Tết Mậu Thân 68. Ảnh: T.L

Các đội vũ trang tuyên truyền phía trước đã về cắm ở cơ sở nội thị trước đó mấy ngày. Cánh chúng tôi có anh Việt Tiến, Dương Chí Lai, Khôi Nguyên, chị Thu Hồng, Thanh Tuyền được vào thị xã Tam Kỳ. Chúng tôi phải vừa đi vừa chạy mới kịp giờ đến nơi tập kết áp sát ven thị. Trên đường đổ về hướng thị xã vô số bà con, trong đó có các cụ già, em bé vác gậy, dao rựa, cầm cờ, có người mang theo bên mình chỉ mấy lát sắn luộc, nải chuối phòng thân-những con người kiên trung, chí cốt bám trụ lại vùng giải phóng, nay được lệnh, như nước vỡ bờ, họ nô nức, hối hả xuống đường đi cướp chính quyền.

Nhiệm vụ của chúng tôi là ngay trong đêm khi lực lượng vũ trang đánh chiếm tỉnh đường, phong tỏa thị xã, nhanh chóng tiếp quản phòng thông tin, phát thanh của địch, đồng thời sử dụng xe ô-tô, xe honda của cơ sở ứng tiếp đi phát loa báo tin chiến thắng, đọc lệnh của Ủy ban quân quản, mở băng ca nhạc cách mạng, rải, phát truyền đơn, báo chí, bản tin, treo cờ, dán áp phích, khẩu hiệu, tiếp xúc và hướng dẫn bà con bằng mọi hình thức cùng cán bộ, chiến sĩ truy quét bọn ác ôn, thu gom văn hóa phản động đồi trụy...

Bão lửa đã dậy trời, dậy đất toàn miền Nam. Nửa đêm về sáng Tết Mậu Thân trên toàn tuyến Quảng Tín, Quảng Nam, Quảng Đà rực trời lửa đạn của Quân giải phóng đánh đòn phủ đầu bất ngờ, táo bạo. Bọn địch không kịp đối phó, hoảng loạn. Chúng tôi lọt vào thị xã, nhưng chỉ triển khai được một số công việc theo như kế hoạch, đến sáng hôm sau, khoảng 8 giờ, kẻ địch mới hoàn hồn, bắt đầu phản ứng lẻ tẻ, rồi tăng dần mức độ xe tăng, máy bay lên thẳng quần đảo, lùng sục bắn phá loạn xạ một số nơi, nhất là dọc con đường từ thị xã Tam Kỳ lên chợ Cây Sanh.

Gần một đêm ngày, được bà con che chở, nằm giữa lòng thị xã, "binh chủng" tuyên truyền, văn nghệ, báo chí chúng tôi được sống những giờ phút pha lẫn bồi hồi, lo lắng, vui mừng trong chiến trận lịch sử có một không hai trong đời.

Mới đó mà đã gần 50 năm trôi qua. Xuân này lại nhớ Xuân xưa. Làm sao nhớ hết, kể hết bao nhiêu ký ức xa xăm. Trong chúng tôi kẻ còn, người mất, nhưng nhất định sẽ vĩnh hằng một thời đánh Mỹ bằng cả dòng máu, trái tim, và cây bút đẹp mãi ngọn lửa thanh xuân không nguôi tắt bao giờ...

Đà Nẵng, tháng 1-2015

Hoàng Hương Việt