Có nên bắt buộc luật sư tố giác thân chủ?
(Cadn.com.vn) - Ngày 27-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 vẫn còn 24 đại biểu đăng ký mà chưa được phát biểu và nhiều đại biểu muốn tiếp tục thảo luận. Thể theo nguyện vọng đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu, tổ chức thảo luận thêm.
Tại Hội nghị, quy định người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật Hình sự là nội dung nhận được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) – Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nêu vấn đề: “Luật sư có trách nhiệm bào chữa. Nếu luật sư tố giác tội phạm thì chính thân chủ đó có mời luật sư nữa không? Chưa bảo vệ được mà đã đi tố giác rồi thì không biết nghề luật sư có điều kiện tồn tại không?”. Theo ông Thịnh, một số nước trên thế giới như Nhật, Mỹ, Đức... cũng quy định luật sư trong trường hợp biết thân chủ của mình chuẩn bị thực hiện tội phạm hoặc lên kế hoạch thực hiện tội phạm thì phải báo cho cơ quan Nhà nước, tuy nhiên pháp luật chỉ khoanh lại trong những tội đặc biệt nghiêm trọng như tội khủng bố, lật đổ chính quyền, còn những tội phạm đã thực hiện rồi thì miễn trừ cho luật sư. Nhấn mạnh trách nhiệm điều tra tội phạm thuộc về cơ quan tố tụng và cơ quan điều tra, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị dự án Luật nên thu hẹp lại những tội mà luật sư phải chịu trách nhiệm hình sự khi không tố giác.
Ông Đỗ Ngọc Thịnh (ảnh) đặt vấn đề: “Nếu luật sư tố giác tội phạm thì chính thân chủ đó có mời luật sư nữa không? Chưa bảo vệ được mà đã đi tố giác rồi thì không biết nghề luật sư có điều kiện tồn tại không?”. |
Tranh luận lại với ý kiến của đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho biết, ông ủng hộ quan điểm như trong dự án Luật vì quy định như vậy phù hợp với hoạt động của luật sư, không ảnh hưởng đến hoạt động hành nghề luật sư hay làm thui chột nghề này. Điều này cũng phù hợp với trách nhiệm và nghĩa vụ của luật sư, vừa bảo vệ quyền lợi thân chủ của mình, đồng thời bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. “Bố mẹ, anh, chị, em, vợ chồng có nghĩa vụ tố giác tội phạm là những người thân thích của mình, thì bản thân luật sư với mối quan hệ đặc biệt với thân chủ cũng có trách nhiệm trong việc tố giác tội phạm. Luật giới hạn chỉ tố giác tội phạm an ninh quốc gia, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, chứ không phải ràng buộc luật sư tố giác mọi tội phạm”, đại biểu Nguyễn Thái Học phân tích. Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng dự án Luật có thể không cần thu hẹp tội phải tố giác nhưng cần bổ sung 3 điều kiện là luật sư phải biết rõ, có chứng cứ và nếu những hành vi đó không được tố giác sẽ dẫn đến nguy hiểm cho xã hội.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, ngoài đạo đức luật sư, luật sư còn phải có trách nhiệm, đạo đức của một công dân, biết thân chủ phạm tội rất nghiêm trọng mà không tố giác thì phải xem lại. “Luật sư khi biết thân chủ phạm tội rất nghiêm trọng mà không tố giác thì hoàn thành trách nhiệm luật sư của mình, nhưng với rất nhiều người nếu hành vi này gây ra ảnh hưởng tới quốc gia, đất nước, tới nhiều người dân vô tội nữa thì không thể làm ngơ được”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, nội dung về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169) cũng được nhiều đại biểu quan tâm và cho ý kiến. Nhiều đại biểu đề nghị giữ như quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, theo đó đối với 3 tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội hiếp dâm và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng đối với 3 tội danh trên.
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, các ý kiến tranh luận đều có lập luận, cơ sở vững chắc, đề nghị, ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp thu một cách nghiêm túc ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội để tổng hợp báo cáo tiếp thu giải trình và chỉnh lý luật, sau đó gửi lại các đại biểu để các đại biểu xem lại. Các đại biểu sẽ dùng quyền tán thành và không tán thành hoặc không biểu quyết để xem xét thông qua Bộ luật này.
Thu Thủy – Phan Phương